Trả lại đường cho dân!

GD&TĐ - Vì việc lớn, người dân các địa phương có đường cao tốc xuyên qua đều sẵn sàng để đơn vị thi công mượn đường tập kết nguyên vật liệu.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Cũng như nhiều dự án cao tốc khác trên cả nước, để thi công cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, nhà thầu đã phải mượn nhiều tuyến đường dân sinh để chở vật liệu xây dựng cũng như vận chuyển máy móc phục vụ công trình.

Nhà thầu nào trước khi mượn đường của dân cũng đều cam kết là sau khi làm xong cao tốc họ sẽ hoàn trả các tuyến đường đã mượn tạm. Thế nhưng, đường cao tốc đã xong mà đường mượn tạm vẫn chưa hoàn trả cho dân gây khó khăn trong việc đi lại, ảnh hưởng đến một số cống và mương tưới tiêu.

Mới đây, cử tri huyện Đoan Hùng (Phú Thọ), nơi nhà thầu đã mượn tạm nhiều tuyến đường dân sinh để thi công dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, đã có đơn kiến nghị gửi Đoàn đại biểu Quốc hội Phú Thọ nhờ can thiệp để nhà thầu sớm hoàn trả tuyến đường mà họ đã mượn để người dân đi lại được thuận lợi hơn.

Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đã hoàn thành từ cuối năm 2023 nhưng đến nay, nhà thầu chỉ hoàn trả 3 trong tổng số 4 tuyến đường dân sinh đã mượn. Riêng địa bàn xã Vân Du (Đoan Hùng) vẫn còn 700m đường hư hỏng nặng mà nhà thầu vẫn chưa tu sửa lại cho dân.

Không chỉ cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ mới xảy ra tình trạng mượn đường thi công xong rồi bặt vô âm tín. Như cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chẳng hạn, nhà thầu đã mượn 23 tuyến đường dân sinh thuộc huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) để thi công cao tốc nhưng dự án đưa vào sử dụng năm 2018 mà nhà thầu vẫn chây ỳ không chịu hoàn trả lại cho dân, gây ách tắc giao thông khi đi lại, nhất là vào mùa mưa lũ.

Cử tri huyện Bình Sơn đã nhiều lần cầu cứu các cấp chính quyền nhờ can thiệp. Kết quả là nhà thầu đã khắc phục được 7 tuyến, 12 tuyến địa phương đã đầu tư mở rộng nâng cấp, còn 4 tuyến với gần 5km, nhà thầu vẫn chưa khắc phục.

Cứ mỗi lần dân “kêu cứu”, huyện phải bỏ tiền tạm ứng ra sửa đường, sau đó đòi nợ nhà thầu. Riêng 4 tuyến cuối cùng vẫn “nắng bụi mưa bùn” trong khi nhà thầu thì kẻ đi tù, người cao chạy xa bay.

Mượn đường dân sinh để thi công các dự án trọng điểm quốc gia như cao tốc là điều dĩ nhiên. Vì việc lớn, người dân các địa phương có đường cao tốc xuyên qua đều sẵn sàng để đơn vị thi công mượn đường tập kết nguyên vật liệu. Thế nhưng, những cam kết của nhà thầu trước khi mượn đường đều không thực hiện trọn vẹn.

Lỗi này không chỉ từ nhà thầu, mà còn có cả chủ đầu tư cũng có trách nhiệm một phần trong đó. Lẽ ra, trước khi thi công cao tốc, nhà thầu lên phương án sẽ mượn bao nhiêu km đường dân sinh, sẽ phải tốn bao nhiêu tiền để trả lại đường sau khi thi công cao tốc xong, chủ đầu tư buộc nhà thầu ký quỹ tại ngân hàng.

Nếu nhà thầu giữ đúng cam kết trả lại đường cho dân thì thôi, bằng không, dân cứ lấy số tiền mà nhà thầu đã ký quỹ ra sửa lại đường. Đằng này, những cam kết giữa nhà thầu với người dân chỉ có ý nghĩa trên giấy, nên khi thi công xong, họ cao chạy xa bay, như trường hợp nhà thầu Trung Quốc thi công dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đoạn qua huyện Bình Sơn chẳng hạn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tính từ năm học 2020 - 2021 đến nay, số người học tiến sĩ, thạc sĩ trong nước tăng dần đều. Nguồn: FTU

Học thạc sĩ có việc nhẹ, lương cao?

GD&TĐ - Không tìm được việc làm phù hợp sau tốt nghiệp, nhiều người trẻ lựa chọn học tiếp lên bậc thạc sĩ hoặc văn bằng 2 với mong muốn trụ lại TP lớn.

Hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên Trường ĐH Thủy lợi. Ảnh: Website nhà trường

Giải bài toán chuyển giao tri thức

GD&TĐ - Kết nối các nhà khoa học, nhóm nghiên cứu với doanh nghiệp là giải pháp để giải quyết bài toán về chuyển giao tri thức.