TPHCM: Tín hiệu tích cực sau một tuần học trực tiếp

GD&TĐ - Sau một tuần (từ ngày 13/12) thí điểm dạy học trực tiếp cho 2 khối lớp 9 và lớp 12 tại TPHCM ghi nhận phần lớn các trường đã thích ứng với việc dạy - học trong điều kiện bình thường mới.

Một lớp học trực tiếp của thầy và trò Trường THPT Võ Văn Kiệt (TPHCM).
Một lớp học trực tiếp của thầy và trò Trường THPT Võ Văn Kiệt (TPHCM).

Kiểm soát sức khỏe học sinh từ nhà

Tại Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10, TPHCM), thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: 100% học sinh đủ điều kiện đến trường học trực tiếp, những học sinh không đến trường do bị F1, F0 dao động từ 15 - 20 em. Nhà trường chưa phát hiện trường hợp F0 trong trường từ lúc học sinh đi học trở lại.

Thông tin tại buổi họp báo về phòng chống Covid-19 trên địa bàn TPHCM, chiều 20/12, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị - Tư tưởng, Sở GD&ĐT TPHCM cho biết: “Sau 7 ngày khối 9 và 12 trở lại trường, cơ quan chức năng phát hiện 34 F0 gồm 4 giáo viên, 3 nhân viên và 27 học sinh. Số lượng F0 tăng nằm trong dự kiến của nhà trường và được các cơ sở giáo dục xử lý an toàn theo kịch bản. Việc dạy học ở những lớp có F0 vẫn tiến hành bình thường”.

“Trường có dự án lớp học xanh, 20 giờ hằng đêm phụ huynh báo tình hình sức khỏe của con cho giáo viên chủ nhiệm và 20 giờ Chủ nhật hằng tuần tiến hành test nhanh cho học sinh. Mục đích là ngăn ngừa bệnh từ xa, để bảo đảm các em tới trường trong tình trang khỏe mạnh” -  thầy Huỳnh Thanh Phú cho biết.

Còn tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1, TPHCM), theo cô Vũ Thị Ngọc Dung - Hiệu trưởng nhà trường, các em đi học trong tuần vừa qua ổn định. Có trường hợp hôm nay học sinh báo test nhanh dương tính, trường cho lớp đó nghỉ ở nhà học trực tuyến. Ngày hôm sau, cũng chính học sinh đó báo test PCR âm tính, nhà trường cho lớp đi học trực tiếp trở lại.

“Có một số phụ huynh bày tỏ sự lo lắng cho sức khỏe con em mình khi đi học trực tiếp, nhà trường cũng chia sẻ, đồng cảm với nỗi lòng này của phụ huynh. Tuy nhiên, chúng ta cũng đã có kinh nghiệm gần 2 năm học trong hoàn cảnh dịch Covid-19 nên đủ kinh nghiệm để ứng phó với các tình huống. Do đó, chúng ta không thể học trực tuyến mãi được. Trường hợp những em không đủ điều kiện đến trường chiếm tỷ lệ rất thấp. Thường các bạn trong lớp quay phim livestream rồi chuyển cho bạn ở nhà học…”  - Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân chia sẻ.

Trường THPT Bùi Thị Xuân dự kiến từ 10/1/2022 sẽ tiến hành kiểm tra đánh giá học kỳ I. Đồng thời, để tăng cường sức khỏe cho học sinh, nhà trường trang bị thêm một số thuốc bổ và dụng cụ kiểm tra y tế. “Khi TP cho các khối còn lại đi học trực tiếp, trường sẽ bố trí 2 khối học 1 buổi, để tránh tình trạng dồn các khối lại cùng một lúc…”  - cô Vũ Thị Ngọc Dung cho biết thêm.

Học sinh Trường THCS Chánh Hưng (Quận 8, TPHCM) kiểm tra y tế trước khi vào trường.
Học sinh Trường THCS Chánh Hưng (Quận 8, TPHCM) kiểm tra y tế trước khi vào trường.

Các trường tổ chức dạy học hiệu quả

Trao đổi với báo chí, ông Dương Trí Dũng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng, đa số trường học đã tổ chức rất hiệu quả, bảo đảm công tác phòng chống dịch, an toàn cho học sinh và giáo viên. Giáo viên thực hiện hoạt động dạy học trực tiếp trong tâm thế sẵn sàng chuyển đổi trạng thái theo diễn biến dịch và tham gia công tác phòng chống dịch tại trường, đồng thời phải duy trì kênh hỗ trợ học sinh chưa đến trường được. Vì thế, công việc của giáo viên khá nặng nề nên cần có sự thấu hiểu của lãnh đạo nhà trường.

Bên cạnh đó, ông Dương Trí Dũng cũng lưu ý nhà trường phải bảo đảm công tác giảng dạy trong trạng thái thích ứng, linh hoạt nhưng không gây áp lực cho giáo viên và phải tạo tâm lý thoải mái cho học sinh.

“Nhà trường phải thường xuyên làm công tác tư tưởng, đảm bảo tâm lý ổn định cho học sinh quay trở lại trường học trực tiếp khi trong lớp xuất hiện ca nhiễm” - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM lưu ý.

Liên quan, công tác tổ chức cho học sinh học trực tiếp trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM thông tin: Nhà trường chủ động ứng phó mọi tình huống như theo dõi, phát hiện ca nhiễm, nghi nhiễm; phối hợp với lực lượng y tế địa phương thực hiện các bước xử lý trường hợp mắc Covid-19 được ghi nhận tại lớp theo đúng quy định, hướng dẫn của ngành y tế.

Trong điều kiện thích ứng linh hoạt với dịch Covid-19, nguyên tắc an toàn tới đâu thì nhà trường tổ chức dạy học trực tiếp phù hợp đến đó. Vì vậy, các cơ sở giáo dục không nên rập khuôn trong việc tổ chức hoạt động giáo dục mà phải căn cứ theo cấp độ dịch của từng quận, huyện, điều kiện thực tế, đồng thời sáng tạo, chủ động sắp xếp thời khóa biểu phù hợp…

Theo thống kê của Sở GD&ĐT TPHCM, trong những ngày đầu, tổng số học sinh khối lớp 9 đi học là 80.987 học sinh (đạt tỷ lệ 90,69%); học sinh khối lớp 12 đi học trở lại trên 60.566 học sinh (đạt tỷ lệ 93,62%); học sinh khối giáo dục thường xuyên lớp 9 đi học trở lại đạt tỷ lệ 73,6%, lớp 12 đạt 91,17%. Đây là tỷ lệ cao hơn khảo sát ý kiến phụ huynh.

Chỉ riêng tại địa bàn Quận 8, ông Dương Văn Dân - Trưởng phòng GD&ĐT Quận 8, cho hay: Trên cơ sở kiểm tra các nội dung chuẩn bị cho học sinh học trực tiếp có 19/19 đơn vị đủ điều kiện để tổ chức dạy học trực tiếp những ngày đầu cho học sinh khối 9 và khối 12. Ở khối lớp 9 có 2.603 phụ huynh đồng thuận chiếm tỷ lệ 68,5%, tuy nhiên số học sinh tới trường đạt tỷ lệ 94,6%. Ở khối lớp 12 có 2.782 học sinh đi học trực tiếp đạt tỷ lệ 92,9%.

“Tỷ lệ học sinh đi học trực tiếp ở khối 9 và khối 12 tăng so với dự kiến. Điều này chứng tỏ hiệu quả của việc tuyên truyền, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, các điều kiện đảm bảo an toàn của nhà trường về kế hoạch, phương án phòng, chống dịch Covid-19… nên phụ huynh tin tưởng vào chủ trương của thành phố và quận. Do vậy tỷ lệ học sinh đến trường tăng so với dự kiến…” - ông Dương Văn Dân nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.