Tại lớp kỹ năng, các em học sinh đã được lắng nghe, chia sẻ về những vấn đề liên quan đến mạng xã hội với anh Giang Ngọc Phương - nguyên là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Sinh viên TPHCM.
Theo đó, các em đã được cung cấp những thông tin căn bản về mạng xã hội. Đó là để tham gia mạng xã hội, đầu tiên các em phải có tài khoản, nhưng khi lập tài khoản, lưu ý không nên để chế độ mở với những thông tin cá nhân như số điện thoại, email, địa chỉ…
Ngoài ra, các em cũng cần biết được mục tiêu khi tham gia mạng xã hội, đó là giao tiếp để kết nối bạn bè, để thư giãn để khai thác những thông tin hữu ích, để học tập… nhưng phải cần có thời gian hợp lý và không bị lún sâu vào nó.
Các học sinh tham gia cũng nhận được những lời khuyên bổ ích với những ví dụ sinh động: Không nên chê bai cũng như đăng ảnh cá nhân của người khác với những lời lẽ không tốt, miệt thị… không chạy theo các trào lưu, các vấn đề xã hội khi không nắm rõ bản chất của nó, chia sẻ hình ảnh, bình luận... những thông tin không chính thống.
Đặc biệt, để nhằm hạn chế tối đa những “cạm bẫy” trên mạng xã hội, các em cần biết rằng, chỉ kết bạn với những người mình quen biết, khi không cần thiết hãy tắt dịch vụ định vị trên điện thoại thông minh, tắt các chế độ “on” trên các mục như hình ảnh, video, Bluetooth khi không cần thiết.
Em Phước Nguyên - HS Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - cho biết: Tham gia lớp kỹ năng giao tiếp mạng xã hội, bản thân em có thêm rất nhiều kiến thức bổ ích đó là tránh được những mặt trái của mạng xã hội ví dụ như bị lừa đảo, click vào các trang không chính thống với nhiều thông tin xấu, phản cảm.
Em Thái Bình - HS Trường THPT Trần KHai Nguyên - cũng có chung ý kiến với Phước Nguyên khi cho rằng mạng xã hội giúp các em kết nối bạn bè nhanh, chia sẻ vui buồn, cũng là nơi để các em học tập nhưng cũng chứa đựng những mặt không tốt nên qua buổi học này bản thân em đã biết phải làm như thế nào để sử dụng mạng xã hội một cách hợp lý phù hợp với lứa tuổi.