TPHCM: Học sinh đến trường sau Tết trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh

GD&TĐ - Sở GD&ĐT TPHCM vừa có tờ trình UBND TPHCM đề xuất cho trẻ mầm non, tiểu học và lớp 6 đi học lại sau Tết Nguyên đán trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh.

Học sinh lớp 7, 8, 9 Trường THCS Lý Thánh Tông (Quận 8, TPHCM) đi học trực tiếp.
Học sinh lớp 7, 8, 9 Trường THCS Lý Thánh Tông (Quận 8, TPHCM) đi học trực tiếp.

TPHCM 2 tuần liên tiếp là vùng xanh, đề xuất này nhận được những tín hiệu tích cực từ các cơ sở GD và phụ huynh.

Đưa trẻ đến trường từ ngày 14/2

Theo đề xuất của Sở GD&ĐT TPHCM, trẻ mầm non, tiểu học và lớp 6 có thể đi học lại từ ngày 7/2 theo lộ trình. Cụ thể, các cơ sở giáo dục thực hiện công tác chuẩn bị đón trẻ đi học lại. Từ ngày 10 đến 13/2 tổ chức họp phụ huynh, triển khai các vấn đề cần lưu ý; tập huấn cán bộ - giáo viên - nhân viên. Từ ngày 14/2 tổ chức đưa trẻ đến trường. Đồng thời, ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của các địa phương sẽ kiểm tra, thẩm định kế hoạch, phương án phòng chống dịch của các nhà trường trước khi tổ chức học trực tiếp.

Trước đó, phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác năm 2022 của Quận 3 (TPHCM), ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TPHCM - cho biết: TP đang cố gắng khôi phục lại môi trường học tập bình thường. Hiện tại, học sinh từ lớp 7 trở lên đã đi học trực tiếp song song với học trực tuyến. Với các khối lớp từ mầm non đến lớp 6, Phó Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu Sở GD&ĐT TPHCM xây dựng kế hoạch để sau Tết Nguyên đán sẵn sàng cho các em trở lại trường với phương châm “an toàn thì mới mở”. Cũng theo ông Dương Anh Đức, TP sẽ duy trì hai hình thức học trực tiếp và trực tuyến để các em được tiếp thu kiến thức, giao tiếp xã hội nhưng vẫn đảm bảo an toàn.

Cô Trần Bé Hồng Hạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (Quận 1, TPHCM) - cho hay: Tỷ lệ phụ huynh đồng thuận cho con đi học lại sau Tết Nguyên đán đã tăng từ 30% ở đợt khảo sát đầu tiên lên 40% ở đợt thứ 2 và kết quả khảo sát mới đây nhất cho thấy đã tăng lên 69,9%.

Còn theo chị Hồng Hạnh - chủ cơ sở Lớp mẫu giáo tư thục Sao Biển (Quận 12, TPHCM), trên 50% phụ huynh đăng ký cho trẻ đi học đúng thời điểm tháng 2. Mừng là phụ huynh vẫn yêu thương và quay lại với trường.

Chị Bích Ngọc (có con học lớp 4 tại Trường Tiểu học Âu Dương Lân, Quận 8, TPHCM) cho biết: “Nguyên học kỳ vừa qua, cháu học trực tuyến, đến nay, gia đình luôn có người để trông chừng nên ảnh hưởng rất nhiều đến công việc. Chúng tôi hy vọng sau Tết, TPHCM tiếp tục là vùng xanh và các trẻ từ mầm non đến lớp 6 được tiêm vắc-xin, đồng thời được đến trường học trực tiếp”.

Một buổi kết nối online giữa giáo viên, phụ huynh và học sinh của cơ sở Lớp mẫu giáo Sao Biển (Quận 12, TPHCM).
Một buổi kết nối online giữa giáo viên, phụ huynh và học sinh của cơ sở Lớp mẫu giáo Sao Biển (Quận 12, TPHCM).

Hỗ trợ trường mầm non ngoài công lập

Cùng với việc hướng đến mở cửa trường cho khối lớp còn lại, TPHCM đang tích cực hỗ trợ để hoạt động dạy học trực tiếp hướng tới ổn định, trong đó đặc biệt quan tâm đến giáo dục mầm non, bậc học bị “đóng băng” do Covid-19 lâu nhất.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT TPHCM, tính đến cuối tháng 10/2021, toàn thành phố có 153 trường, nhóm, lớp mầm non giải thể và sắp giải thể. Trong đó có 21 trường, 44 nhóm trẻ, 49 lớp giải thể, 20 trường tạm dừng hoạt động và 19 trường có nguy cơ giải thể.

Ngày 16/1, Sở GD&ĐT TPHCM đã triển khai chế độ chính sách mới được HĐND TP đã thông qua để phát triển giáo dục mầm non, hỗ trợ giáo viên, trẻ mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp.

Theo đó, mức hỗ trợ 1 lần để các trường trang bị đồ chơi, đồ dùng dạy học đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập có dưới 30 trẻ là 20.000.000 đồng; Cơ sở giáo dục mầm non độc lập có từ 30 trẻ đến dưới 50 trẻ là 35.000.000 đồng; Cơ sở giáo dục mầm non độc lập có từ 50 trẻ đến 70 trẻ là 50.000.000 đồng.

Còn trẻ đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo đúng quy định có cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động theo quy định được hỗ trợ 160.000 đồng/trẻ/tháng. Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế nhưng không quá 9 tháng/năm học.

Giáo viên mầm non đang làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo quy định ở địa bàn có khu công nghiệp nhận hỗ trợ 800.000 đồng/tháng. Giáo viên, trẻ mầm non, các cơ sở giáo dục có đủ những quy định sẽ thực hiện các thủ tục hồ sơ và nhận hỗ trợ từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Dịch bệnh khiến nhà trường và giáo viên mầm non tư thục đều rất vất vả. Cô Hạnh Hoa, giáo viên một  cơ sở mầm non tư thục ở địa bàn khu công nghiệp tại Quận 9, TPHCM, tâm sự: Những chính sách hỗ trợ của TP cho mầm non địa bàn khu công nghiệp rất cần thiết để tiến tới ổn định mở cửa trường.

Trường Mầm non 9 (Quận 4, TPHCM) đã hoàn tất việc chuẩn bị cơ sở vật chất cùng điều kiện của bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn. Bên cạnh đó, nhà trường cũng xây dựng phương án, kế hoạch đón trẻ trở lại trường. Ngoài ra, trường thực hiện diễn tập cho đội ngũ về xử lý khi có trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Covid tại nhà trường. “Mọi công việc chuẩn bị đã hoàn tất, các cô đang mong chờ để chào đón trẻ đến trường”, cô Lê Thị Thanh Phương - Hiệu trưởng nhà trường nói.

Theo PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường ĐH Y Dược TPHCM, căn cứ hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), địa phương ở vùng dịch màu cam vẫn cho học sinh tiểu học đi học được, còn hiện nay, TPHCM đã là vùng xanh. Học sinh tiểu học TPHCM đến trường hiện đã an toàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng Công binh xử lý quả bom chôn sâu dưới lòng đất.

Quả bom nặng 227kg ở Bình Phước

GD&TĐ - Chiều 14/1, Lực lượng Công binh thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước vừa xử lý an toàn một quả bom nặng 227kg, còn sót lại sau chiến tranh.