Đây là cuộc thi được Sở GD&ĐT TPHCM phát động thường niên nhằm khuyến khích HS trung học NCKH, sáng tạo kĩ thuật, công nghệ, vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề thực tế. Từ đó nuôi dưỡng niềm đam mê với khoa học của các em để phát huy khả năng trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, cuộc thi cũng góp phần đổi mới hình thức tổ chức hoạt động dạy học, phương pháp đánh giá kết quả và nâng cao năng lực của học sinh trong nhà trường.
Được biết, cuộc thi năm nay được phát động từ giữa tháng 6-2015 và thu hút hơn 450 đề tài dự thi từ cấp trường. Sau quá trình đánh giá, chọn lọc, 41 đề tài xuất sắc nhất đến từ 16 trường học đã lọt vào vòng chung kết.
Trường có nhiều đề tài tham gia nhất là THPT Chuyên Lê Hồng Phong với 12 đề tài, kế đến là Trường THPT Gia Định với 5 đề tài, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa,THPT Trần Khai Nguyên, THPT Nhân Việt, THCS-THPT Đinh Thiện Lý có 3 đề tài…
Theo nhận định của ông Phạm Ngọc Tiến, Phó Trưởng phòng GD Trung học Sở GD&ĐT TPHCM, năm nay cuộc thi có sức lan tỏa rộng hơn, thu hút 50% số trường trung học ở trên địa bàn tham gia. Đặc biệt, ở vòng chung kết, các đề tài không chỉ thể hiện sự phong phú đa dạng mà còn có tính ứng dụng thực tiễn cao.
Cụ thể, nhiều đề tài được các học sinh đầu tư công phu, giàu tính nhân văn, thậm chí xuất phát từ các vấn đề trong xã hội như: Thiết bị chống gian lận trong thi cử;
Quy trình tạo chất bảo quản và màng bao thực phẩm từ phế liệu bưởi; Chứng trầm cảm ở HS THPT-thực trạng và giải pháp; Nghiên cứu dịch chiết lá tía tô, định hướng ứng dụng trong băng gạc cầm máu vết thương hở hay Phố đi bộ Nguyễn Huệ - từ góc nhìn môi trường và văn hóa đô thị;
Xe lăn tích hợp vượt địa hình và lên xuống cầu thang ứng dụng hệ thống cân bằng động mới và bánh dạng xích; Ứng dụng máy học trong việc dự đoán nguy cơ mắc ung thư vú từ nhũ ảnh…
Theo đó, 18 đề tài xuất sắc nhất từ vòng chung kết này (dự kiến sẽ công bố kết quả vào tuần tới) sẽ tham dự Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm 2015 - 2016 do Bộ GD&ĐT tổ chức.