Tổng phụ trách Đội trong trường học - nhiệt huyết "ôm" việc không tên

GD&TĐ - Tổng phụ trách Đội “ôm” hàng trăm việc không tên và thường xuyên chạy đua với thời gian. Nhưng những giáo viên làm công tác này vẫn như con ong chăm chỉ. Bởi ngoài nhiệm vụ, họ dành cả đam mê, nhiệt huyết với mong muốn giúp học sinh phát triển toàn diện, mạnh dạn, tự tin vào bản thân mình.

Cô Lộc Thị Diệp - Tổng phụ trách Đội Tiểu học Tam Hợp, Tương Dương, Nghệ An hướng dẫn học sinh múa đồng diễn. Ảnh: T.G
Cô Lộc Thị Diệp - Tổng phụ trách Đội Tiểu học Tam Hợp, Tương Dương, Nghệ An hướng dẫn học sinh múa đồng diễn. Ảnh: T.G

Vui cùng niềm vui của học trò

Thầy Nguyễn Cao Bằng (GV Trường Tiểu học Hiến Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) là người đạt điểm cao nhất trong Hội thi Giáo viên – Tổng phụ trách Đội giỏi tỉnh Nghệ An tổ chức vào tháng 11/2019 vừa qua. Nói về thành tích “thủ khoa” của mình, thầy Bằng chia sẻ: Cảm xúc của tôi lúc đó rất vui, phấn khởi. Vì tham gia cuộc thi, mỗi người đều có kiến thức rộng, tâm huyết và cố gắng hết mình để có kết quả cao nhất. Ngoài phần thi lý thuyết chung, ở phần thi thực hành đòi hỏi mỗi người phải có nét riêng, thực hiện phần thi sáng tạo, có dấu ấn, phối hợp tốt với học sinh.

Thầy Bằng là giáo viên bộ môn Âm nhạc, trước đó từng công tác ở bậc THCS nhưng sau đó thi trúng tuyển viên chức và bắt đầu công tác tại Trường Tiểu học Hiến Sơn từ năm 2013. Sau 1 năm, thầy đảm nhận vị trí Tổng phụ trách Đội, là hạt nhân phong trào cho ngôi trường vùng trung du này.

 Được tham gia nhiều hoạt động, học sinh tự tin, mạnh dạn hơn. Qua đó, còn giúp các em rèn luyện nhiều kỹ năng vận động, giao tiếp, mở mang hiểu biết xã hội và bổ trợ kiến thức cho các môn học trên lớp. Nhưng để đạt được hiệu quả này, giáo viên – Tổng phụ trách Đội phải thực sự tâm huyết, say mê, nhẫn nại. 
Thầy Bằng chia sẻ

Xác định công tác Đội là tổ chức những hoạt động nhằm phát triển năng lực, phẩm chất toàn diện cho học sinh, thầy Bằng đã xây dựng mục tiêu, kế hoạch chủ đề các hoạt động cho năm học và mỗi tháng. Ngoài các hoạt động đã thành nếp gồm: Chào cờ, sinh hoạt 15 phút đầu giờ, sinh hoạt giờ ra chơi…, nhà trường còn tổ chức nhiều phong trào thi đua sôi nổi khác.

Bên cạnh đó, mỗi tháng có một chủ đề hành động riêng, như tháng 12 này là “đền ơn đáp nghĩa”, tổ chức cho học sinh thăm tặng quà cựu chiến binh, vệ sinh khu tưởng niệm liệt sĩ, thăm nhà thương binh, cựu chiến binh… Trường Tiểu học Hiến Sơn còn có CLB dân ca ví dặm hoạt động hiệu quả, đều đặn.

Trong đó, thầy Bằng đã sáng tác ra nhiều lời bài hát theo làn điệu ví dặm phù hợp với lứa tuổi học sinh tiểu học cũng như xã hội hiện đại. Đó là những bài hát về tình thầy trò, tình bạn, tình yêu quê hương hay về Truông Bồn (địa danh tại Đô Lương) nơi có 13 nữ thanh niên xung phong đã hi sinh khi làm nhiệm vụ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Ảnh minh họa/ INT
 Ảnh minh họa/ INT

Duyên với hoạt động phong trào

Hoạt động Đội tại các trường học hiện nay được thực hiện theo chương trình phong trào công tác đội năm học, Chương trình rèn luyện đội viên sửa đổi 2018 – 2022... Dù vậy, trên thực tế công tác Đội rất vất vả, mỗi địa phương lại có những đặc thù đòi hỏi giáo viên và nhà trường phải bố trí, sắp xếp hoạt động linh hoạt.

Cô Lộc Thị Diệp (GV Âm nhạc kiêm Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Tam Hợp, huyện Tương Dương), một mình đảm nhận công việc này trong khi Trường Tiểu học Tam Hợp có 4 điểm trường cách xa nhau tại các bản Phà Lõm, Huồi Sơn, bản Phồng và Xốp Nặm. Chỉ riêng việc đi lại đã rất khó khăn, vất vả. Để đáp ứng công việc, cô phải đưa con nhỏ từ nhà lên ở ký túc xá tại điểm trường chính cùng mẹ. “Chúng tôi phân công thời gian biểu linh hoạt, mỗi tuần cô Diệp sẽ phụ trách 2 điểm trường, luân phiên nhau.

Ngoài ra, ở mỗi điểm trường, Ban giám hiệu cũng giao cho 1 giáo viên kiêm quản lý công tác Đội giúp cô Diệp. Như vậy, khi Tổng phụ trách Đội phổ biến các hoạt động, tập múa hát xong, sẽ có các giáo viên khác hỗ trợ tập luyện cùng học sinh”, thầy Nguyễn Đình Mận – Hiệu trưởng nhà trường cho hay.

Với cách làm đó, những năm qua, phong trào Đội ở ngôi trường vùng biên này rất sôi nổi, đầy đủ, nề nếp. Các hoạt động do nhà trường tổ chức không chỉ được học sinh tham gia hào hứng mà thu hút sự quan tâm của phụ huynh. Dù còn nhiều thiếu thốn, vất vả đối với cả cô lẫn trò, nhưng đến điểm trường nào cũng xanh – sạch – đẹp, học sinh lễ phép, mạnh dạn, tự tin.

Thầy Nguyễn Sỹ Bằng là giáo viên Mỹ thuật kiêm nhiệm Tổng phụ trách Đội Trường THCS Tân Dân, huyện Nam Đàn, Nghệ An. Từng công tác ở nhiều địa bàn xa xôi, khó khăn, vùng sâu Nghệ An trước khi được chuyển về gần nhà, nên thầy có rất nhiều trải nghiệm, bồi đắp cho mình những phương pháp, kỹ năng để phát động phong trào Đội hiệu quả.

Đặc biệt, thầy có một kho tàng các trò chơi tự sáng tạo để tổ chức cho học sinh. “Có trò chơi cho cá nhân, nhóm, cũng có trò chơi cho tập thể đông người. Quan trọng nhất là bất cứ học sinh nào cũng có thể tham gia chơi: Vận động tay chân, động não, trò chơi phối hợp, hay trò chơi đòi hỏi nhanh nhẹn, sức khỏe. Qua đó phát huy thế mạnh từng em”, thầy Bằng cho hay.

Làm công tác Đội như một cái duyên và trách nhiệm với học sinh. Những cái mình biết mà không làm cho học trò thì thấy rất lãng phí và đáng tiếc. Tổng phụ trách Đội không chỉ biết hát hay, múa dẻo mà phải luôn sáng tạo trong công việc và kiên trì, nhẫn nại với học trò. Bản thân tôi mỗi khi đi xa, hay tham gia một chương trình nào trở về trường thấy học sinh hỏi “thầy đi đâu mà lâu thế”, hay “chờ mãi mới thấy thầy về” là ấm lòng và mừng vui lắm rồi.
                                                                      Thầy Nguyễn Sỹ Bằng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.