Tôi vào quân ngũ

Tôi vào quân ngũ

Nghe ông hồ hởi hỏi, mẹ tôi đon đả đáp lời: “Thưa bác, cháu nó đã xong xuôi hết cả rồi. Chỉ chờ ngày lên đường thôi ạ!”. Ông Năm gật đầu tâm đắc, khuôn mặt rạng ngời, chòm râu bạc trắng như cước. Ông vẫn thường mặc chiếc áo lính đã sờn vai, bạc màu. Nhìn ông, chắc hẳn ai cũng biết ông là người đã từng kinh qua những thăng trầm của chiến tranh đạn lửa.

Tôi bước ra, vui vẻ nắm tay, dẫn ông vào nhà uống trà. Đã từ lâu, tôi quý và xem ông như ông của mình vậy. Những câu chuyện đời, chuyện chiến trường ông kể lại đã hun đúc và chắp cánh cho ước mơ vào quân ngũ của tôi dần trở thành hiện thực.

Ông Năm tham gia kháng chiến chống Mỹ từ những năm 70 của thế kỷ trước trên chiến trường Tây Nguyên. Ông bị bom cắt đứt cánh tay trái trong trận chiến cuối cùng. Trở về thời bình, là một thương binh, tuy nhiên ông luôn tâm niệm “tàn nhưng không phế”. Ông đã tích cực góp sức vào việc xây dựng quê hương, làng xóm, trở thành tấm gương sáng cho tất cả mọi người, đặc biệt là lớp trẻ noi theo.

Khi còn là đứa trẻ mới lên 5 lên 10, tôi thích sang nhà ông mỗi ngày chỉ để được nghe kể chuyện chiến đấu. Khi lặng im, xúc động nghe ông kể về những người đồng đội đã chiến đấu anh dũng và hi sinh lúc tuổi đời của họ còn rất trẻ; khi lại phấn khích, tự hào nghe về những lần bắn rơi máy bay giặc, tiêu hao lực lượng địch. Qua giọng kể của ông, ước mơ trở thành một người lính đã ấp ủ trong tôi từ dạo ấy.

Tôi yêu người lính vì họ đã không ngại xả thân để giành độc lập tự do cho dân tộc. Tôi yêu màu áo lính bởi nó nhắc tôi luôn ghi nhớ về một thời mưa bom bão đạn; biết trân trọng đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.

Màu xanh áo lính là màu của núi rừng, của cây lá; màu truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam; màu của tình yêu thương, tin cậy dù ở bất kỳ đâu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Màu xanh thân thương ấy đã, đang, sẽ và mãi mãi là tình yêu, niềm tin, niềm tự hào, là biểu tượng của nhân dân, đất nước, con người Việt Nam trong chiến tranh cũng như hòa bình.

Tôi hoàn thành chương trình học phổ thông và quyết định tạm gác lại ước mơ vào đại học để tình nguyện nhập ngũ. Được đứng vào hàng ngũ của Đảng trong thời gian ngồi trên ghế nhà trường phổ thông giúp tôi hiểu thêm về Đảng, về vai trò tiên phong, gương mẫu của người Đảng viên trong thời kỳ xây dựng và đổi mới đất nước.

Quyết định của tôi được ba mẹ ủng hộ. Biết chuyện tôi tình nguyện nhập ngũ, ông Năm vỗ vai tôi, cười lớn: “Thanh niên là phải đóng góp, cống hiến cho đất nước. Cháu nghĩ như thế là tốt lắm!”.

Mẹ ra vào chuẩn bị tư trang cho tôi, nụ cười của mẹ an nhiên nhưng tôi hiểu, mẹ đang rất lo lắng, trăn trở vì từ giờ phút này, tôi sẽ phải tự lập, sẽ rời xa vòng tay chở che, nâng đỡ của gia đình. Ba tôi trầm ngâm, miệng nhấp ngụm trà vối vàng sánh, dặn dò tôi mọi điều cần thiết. Cái út len lén đặt tấm ảnh gia đình vào ba lô của tôi kèm theo đôi dòng nhắn gửi bí mật đằng sau bức ảnh. Trong mỗi khoảnh khắc bất chợt nhìn thấy, lòng tôi cứ thế rưng rưng.

Những ngày đầu xuân, trên mọi nẻo đường quê đã ngập tràn cờ hoa, băng rôn, biểu ngữ. Loa phát thanh của phường, xã luôn rộn ràng những khúc nhạc quân hành. Tôi chuẩn bị lên đường.

Và tôi hiểu mình cũng như rất nhiều tân binh, những người lính trẻ khác trên mọi miền đất nước mang trong mình bầu nhiệt huyết, ý chí quyết tâm sẽ tích cực rèn luyện, vững vàng tay súng để đất nước, quê hương mãi xanh màu bình yên!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.