Tội ác trong khu bảo tồn quốc gia Congo

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Vườn quốc gia Kahuzi-Biega có diện tích khoảng 600 nghìn ha, là ngôi nhà của nhiều loài động vật quý hiếm tại Trung Phi.

Ngôi nhà của người dân Batwa bị thiêu rụi.
Ngôi nhà của người dân Batwa bị thiêu rụi.

Nhằm biến Vườn quốc gia Kahuzi-Biega thành khu bảo tồn hoang dã không một bóng người, kiểm lâm và binh sĩ Congo đã đánh đuổi người dân tộc Batwa khỏi nơi ở của tổ tiên họ. Cuộc tấn công khiến hàng chục người chết và hàng trăm người mất nhà cửa.

Bị thiêu sống

Chị Kibibi Kaloba cùng các con sống tại ngôi làng Bugamande, cách Vườn quốc gia Kahuzi-Biega, Congo vài km. Đầu năm 2022, chị Kibibi cùng khoảng 200 người Batwa phải chạy trốn khỏi quê hương và tìm nơi trú ẩn xung quanh khu vực vườn quốc gia. Cuộc sống của người phụ nữ 30 tuổi hoàn toàn đảo lộn từ tháng 11/2021.

Ngày hôm đó, khi đang lao động trên cánh đồng, chị Kibibi nghe tin về một cuộc tấn công đột ngột nhắm vào làng Bugamande, nơi chị cùng những người dân tộc Batwa sinh sống. Lo lắng cho 5 người con ở nhà, chị vội vàng chạy về.

Nhưng khi về đến nơi, cảnh tượng trước mắt khiến người phụ nữ đổ sụp vì đau đớn. Ngôi nhà của chị cháy ngùn ngụt, khói bốc lên nghi ngút. Chị sử dụng một cây gậy để đào bới tìm kiếm những gì còn sót lại từ đám cháy và chạm vào hộp sọ của một trong những người con giữa đống tro tàn.

Hai người con của chị Kibibi, 4 và 5 tuổi, đã thiệt mạng trong đám cháy. Những kẻ tấn công dùng dây thừng buộc chặt cửa ra vào trước khi phóng hỏa để những đứa trẻ không thể thoát thân. Chị Kibibi mang theo ba người con còn lại và bỏ trốn.

Già làng Mbuwa Kalimba Bachirembera.

Già làng Mbuwa Kalimba Bachirembera.

Người dân làng Bugamande tố cáo những kẻ tấn công là nhân viên kiểm lâm làm việc tại Vườn quốc gia Kahuzi-Biega và binh lính thuộc quân đội Congo.

Ông Mbuwa Kalimba Bachirembera, già làng Bugamande, cho rằng ban quản lý công viên muốn đuổi người dân Batwa ra khỏi nơi đây dù khu vực đó là đất tổ của họ.

“Những kẻ tấn công đến từ Vườn quốc gia Kahuzi-Biega. Kể từ năm 2019, họ đã thường xuyên kéo đến tấn công chúng tôi. Đôi khi họ giết người, chặt tay để cảnh cáo dân làng. Họ đe dọa chúng tôi phải rời khỏi mảnh đất quê hương hoặc sẽ bị tiêu diệt”, ông Mbuwa chia sẻ.

Sau đám cháy, chị Kibibi và nhiều người dân làng chuyển đến sống trong một công trường xây dựng bỏ hoang. Tuy nhiên, điều kiện ở đây vô cùng tệ. Họ hầu như không có thức ăn, nước uống sạch hay trợ giúp y tế. Thậm chí, họ vẫn bị đe dọa từ kiểm lâm và binh lính

Trong 3 năm qua, Tổ chức phi chính phủ về Quyền của Người thiểu số (MRG) đã điều tra các vụ tấn công nhằm vào người bản địa sống quanh khu vực Vườn quốc gia Kahuzi-Biega.

Theo báo cáo dài gần 100 trang, MRG kết luận các kiểm lâm và binh sĩ quân đội Congo đã giết chết ít nhất 20 người Batwa, hãm hiếp tập thể ít nhất 15 phụ nữ và buộc hàng trăm người phải di tản sau khi thiêu rụi ngôi làng của họ.

Là một trong những nạn nhân bị hãm hiếp, Namondokolo kể lại ngày hôm đó, ba nhân viên kiểm lâm đã xông vào nhà và bắt cóc chị.

“Họ xông vào nhà tôi, trói chân, tay và bịt mắt tôi sau đó thay nhau hãm hiếp tôi. Họ vừa làm vừa luôn miệng hỏi tôi rằng tại sao tôi không nghe lời họ chuyển nhà đi nơi khác”, chị Namondokolo kể.

Ông Agnes Kabajuni, Giám đốc MRG khu vực châu Phi, cho biết: “Chúng ta đang chứng kiến một chính sách bạo lực của nhà nước nhằm khủng bố cộng đồng bản địa vốn đã bị gạt ra ngoài lề xã hội. Họ phải rời bỏ quê hương của tổ tiên vì một công viên”.

Nạn nhân của bảo tồn

Người dân làng Bugamande xoay xở tìm nơi ở mới sau khi ngôi làng bị phá huỷ.

Người dân làng Bugamande xoay xở tìm nơi ở mới sau khi ngôi làng bị phá huỷ.

Nhà báo người Mỹ Robert Flummerfelt, đồng tác giả của báo cáo, người có công trong việc vạch trần tội ác ở Kahuzi-Biega, cho biết sau khi báo cáo được công bố rộng rãi, ông cùng một nhà nghiên cứu người Congo buộc phải lẩn trốn vì hay tin những người đàn ông có vũ trang được cử đến để giết họ.

Trước đó, được sự uỷ quyền của MRG, ông Robert cùng một nhà nghiên cứu giấu tên người Congo đã bí mật thu thập bằng chứng về hành vi tàn bạo của kiểm lâm và binh sĩ quân đội Congo đối với người dân tộc Batwa. Ông có cơ hội tiếp cận thi thể của những người dân Batwa được cho là nạn nhân của các cuộc tấn công.

Trong những bức ảnh khám nghiệm tử thi do nhà báo gửi cho tờ Aljazeera, các nạn nhân đã bị bắn và đâm nhiều nhát đến chết ở khoảng cách gần. Số người chết là khoảng 20 người nằm trong các cuộc đột kích từ tháng 7/2019 đến tháng 12/2021.

Theo mô tả của Robert, khoảng 3 thanh niên Batwa bị mổ bụng bằng dao rựa. Sau khi vụ tàn sát diễn ra, người nhà của các nạn nhân đã bí mật báo cho Robert để nhờ ông làm chứng. Khi ông đến nơi, nhiều ngôi nhà của dân làng vẫn còn đang cháy âm ỉ.

Ngoài ra, trong bản báo cáo của MRG còn có lời khai của hai nhân viên kiểm lâm được đổi tên thành Emanuel và Pascal. Hai người cho lời khai bí mật vì một người đồng nghiệp của họ đã đột ngột qua đời sau khi chỉ trích ban quản lý công viên về những hành vi nhắm vào người vô tội Batwa.

Anh Emanuel cho biết: “Người Batwa dựng làng ba lần thì cả ba lần chúng tôi đều xông vào phá nhà họ. Chúng tôi phối hợp cùng binh lính của quân đội Congo nhưng người ra lệnh cho chúng tôi là Giám đốc Vườn quốc gia, De-Dieu Bya’Ombe”.

Đồng tình với lời khai của đồng nghiệp, anh Pascal kể nhóm của họ có 75 người gồm cả kiểm lâm lẫn binh lính được trang bị AK-47 và pháo cối. Họ được lệnh đốt nhà của người Batwa để buộc dân làng phải bỏ đi nơi khác. Cả hai phủ nhận tham gia vào việc hãm hiếp tập thể.

Tuy nhiên, Giám đốc Vườn quốc gia De-Dieu Bya’Ombe phủ nhận mọi cáo buộc. Trả lời phỏng vấn của tờ báo DW, ông Bya’Obme cho biết bạo lực chưa bao giờ xảy ra tại Vườn quốc gia Kahuzi-Biega. Ông cũng chưa từng ra lệnh tấn công như vậy. Bya’Ombe cho rằng mình là nạn nhân của âm mưu lật đổ giám đốc Vườn quốc gia.

Theo nhà báo Robert, hành vi tấn công của kiểm lâm và binh lính Congo nhằm đánh đuổi các cộng đồng bản địa ra xa khỏi khu vực Vườn quốc gia và biến nơi này trở thành một khu bảo tồn hoang dã vắng bóng người. Điều này có thể giúp Kahuzi-Biega trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà bảo tồn và du khách nước ngoài.

Vườn quốc gia Kahuzi-Biega, được tài trợ phần lớn bởi Đức và Mỹ, được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới và là một trong những khu bảo tồn đa dạng sinh học nhất hành tinh. Kahuzi-Biega có diện tích khoảng 600 nghìn ha, là ngôi nhà của nhiều loài động vật quý hiếm tại Trung Phi. Trong đó, nổi tiếng nhất là loài khỉ đột được đưa vào sách đỏ.

Hiện nay chỉ còn 125 cá thể khỉ đột còn sống tại Kahuzi-Biega. Phần lớn lợi nhuận thu từ hoạt động du lịch sẽ được dành cho việc bảo tồn và nhân giống khỉ đột cùng những loài có nguy cơ tuyệt chủng khác.

Loài khỉ đột được bảo tồn ở Congo đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Loài khỉ đột được bảo tồn ở Congo đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Đấu tranh vì nhân quyền

Trên thực tế, cuộc tấn công nhằm vào Kahuzi-Biega không phải cá biệt. Thay vào đó, nó là biểu tượng của nạn bạo lực phổ biến, có hệ thống tại Đông và Trung Phi.

Vào thập niên 1960, sau khi Congo giành độc lập, nhà bảo tồn tự nhiên Adrien Deschryver thuyết phục chính phủ nước này dùng vũ lực để đuổi người Batwa ra khỏi những ngôi làng của họ rồi biến Kahuzi-Biega thành Vườn quốc gia. Ước tính hơn 6 nghìn người Batwa đã phải đi lánh nạn nơi khác.

Ngày nay đa số họ sống trong những ngôi làng nghèo khó ở ngay bên rìa khu bảo tồn. Chỉ còn một số ít ỏi còn trụ lại được trong rừng như dân làng Bugumande. Những ngôi làng này chỉ mới tạm ổn định được chỗ ở từ năm 2008 sau khi Chính phủ Đức tài trợ tái định cư cho họ. Đến tháng 11/2021, tất cả những ngôi làng trong khu bảo tồn đã bị thiêu trụi.

Chính phủ Đức là nhà tài trợ lớn nhất cho Vườn quốc gia Kahuzi-Biega. Được sự uỷ quyền của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển liên bang Đức (BMZ), phối hợp cùng Tập đoàn Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), Viện Tín dụng Tái thiết Đức (KfW) hiện đang trực tiếp tài trợ cho 6 khu bảo tồn thiên nhiên ở Congo, trong đó có Kahuzi-Biega. Kể từ năm 2018 khoảng 66 triệu euro (72 triệu USD) đã được giải ngân.

Trước báo cáo của MRG, Chính phủ Đức đã mở hội đồng điều tra có sự tham gia của Đức và Congo. Nhà báo Robert đã gửi báo cáo cho hội đồng nhưng phải gần nửa năm sau mới nhận được phản hồi.

“Các nhà tài trợ đã nhiều lần được thông báo rằng nguồn hỗ trợ của họ đã dẫn đến những vụ tấn công nhằm vào dân thường. Bằng chứng của các cuộc điều tra chỉ ra rằng họ đã đồng lõa trong những vụ tấn công có khả năng cấu thành tội ác chống lại loài người”, ông Robert chia sẻ.

Ngoài ra, theo MRG, số tiền tài trợ từ Chính phủ Đức được dùng trong đào tạo bán quân sự cho các nhân viên kiểm lâm. Điều này vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc đối với Cộng hòa Dân chủ Congo.

Ngôi mộ tạm của một nạn nhân người Batwa.

Ngôi mộ tạm của một nạn nhân người Batwa.

Đại diện các cơ quan tài trợ Đức cho biết họ đã được biết về các vụ tấn công nhằm vào người dân tộc Batwa và đã yêu cầu Cơ quan Bảo tồn thiên nhiên Congo (ICCN) điều tra các cáo buộc. Nhiều tổ chức phi chính phủ, tổ chức đa quốc gia đang hối thúc Liên Hợp Quốc điều tra về việc nhân viên kiểm lâm ở Kahuzi-Biega được huấn luyện bán quân sự và tấn công nhằm vào người dân tộc Batwa.

Cùng với đó, các bên đặt ra câu hỏi về việc cứu trợ các nạn nhân trong vụ tấn công. Người dân Batwa đang sinh hoạt trong nơi ở tạm mà không có bất kỳ hỗ trợ nào về lương thực lẫn thuốc men.

Tuy nhiên, người dân Batwa luôn sẵn sàng trở về làng Bugamande, trở về với quê hương của tổ tiên họ. Nỗi sợ lớn nhất là một lần nữa, họ sẽ bị đánh đuổi khỏi nơi “chôn rau cắt rốn”. Do đó, người dân Batwa bày tỏ hy vọng sau khi báo cáo của MRG được công bố rộng rãi, họ sẽ được cộng đồng trong nước lẫn nước ngoài quan tâm, ủng hộ và bảo vệ.

“Chúng tôi sẽ ở lại đây cho dù họ có giết chúng tôi hay không. Người dân Batwa sẵn sàng chết trên mảnh đất này”, nạn nhân Namondokolo bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công nhân khai thác dưới hầm lò. Ảnh minh họa

Sập hầm lò, 3 công nhân tử vong

GD&TĐ - Vụ tai nạn lao động xảy ra tại Công ty than Quang Hanh, TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) khiến 3 công nhân tử vong, 1 người bị thương.