Những nội dung kiến thức cần nắm vững
Cô Đồng Khánh Linh cho biết, với môn Sinh học, thí sinh nhất thiết phải nắm vững 3 chuyên đề, đó là chuyên đề về di truyền học, tiến hóa và sinh thái học.
Trong đó, chuyên đề di truyền học gồm các nội dung: Cơ chế di truyền và biến dị; tính quy luật của hiện tượng di truyền; di truyền học quần thể; ứng dụng của di truyền học; di truyền học người.
Chuyên đề tiến hóa gồm các nội dung: Bằng chứng và cơ chế tiến hóa; sự phát sinh và phát triển sự sống trên trái đất.
Chuyên đề sinh thái học gồm các nội dung: Cá thể và quần thể sinh vật; quần xã; hệ sinh thái và sinh quyển với bảo vệ thiên nhiên.
Kỹ năng ôn tập lý thuyết
Với đặc trưng môn Sinh học, cô Đồng Khánh Linh cho rằng, với nội dung lý thuyết của môn học này, thí sinh cần đọc hiểu bản chất và ghi nhớ bản chất từng nội dung (không cần học thuộc lòng).
Mỗi nội dung sau khi đọc hiểu phải tự đặt ra câu hỏi và tự trả lời được: Là cái gì? như thế nào? Thí sinh cũng cần biết tóm tắt mỗi nội dung bằng sơ đồ tư duy và gạch chân những nội dung hay bị nhầm lẫn trong quá trình đọc, học để phân tích bản chất tránh chọn sai đáp án khi làm bài.
Kỹ năng ôn bài tập
Với phần bài tập, cô Đồng Khánh Linh đưa ra các lưu ý sau: Thí sinh phải thống kê phần lí thuyết cơ bản liên quan đến bài tập. Phải tự xây dựng được công thức liên quan đến tính toán.
Ôn tập và rèn luyện kiến thức toán học đơn giản một cách thành thạo như : Tính toán cộng trừ nhân chia số thập phân, giải phương trình, hệ phương trình, đổi các đơn vị, toán xác xuất thống kê....
Cùng với đó, đọc hiểu và tóm tắt đúng đề bài, rồi tư duy được: Cho gì? Kí hiệu như thế nào? Hỏi gì? Dựa vào phần kiến thức và công thức nào để giải quyết... mới có thể giải được bài tập.
Kỹ năng làm bài trắc nghiệm
Kỹ năng làm bài thi cũng vô cùng quan trọng, đây là bước cuối cùng giúp thí sinh đạt được thành quả như mong muốn sau một thời gian ôn tập.
Dưới đây là 5 bước cần ghi nhớ cô Đồng Khánh Linh nhắc nhở thí sinh:
Bước 1: Bình tĩnh đọc hết đề lượt 1 (50 câu trắc nghiệm ) trong thời gian vừa phát đề chưa tính giờ làm bài.
Bước 2: Đánh dấu (x) bên cạnh các câu chắc chắn hiểu đúng và làm đúng được (các câu dễ) . Khoanh tròn bằng bút bi các câu nhận thấy chưa thể giải quyết ngay được (câu khó) .
Bước 3: Đọc và bắt đầu tô lần lượt các câu đánh dấu (x- câu dễ) vào bài thi. Chú ý đọc kĩ lời dẫn và yêu cầu của câu hỏi , gạch chân các yêu cầu bản chất của câu hỏi. Ví dụ : Đáp án nào sau đây là đúng hoặc đáp án nào sau đây không đúng (phần này thí sinh rất hay bị sai nếu không cẩn thận) ...
Bước 4: Đọc và bắt đầu suy nghĩ các câu khoanh tròn bằng bút bi (câu khó hơn); phân tích đề: Câu hỏi cho gì, hỏi gì? Trả lời nào đúng? Hình dung lại kiến thức và lựa chọn, tùy theo mức độ khó, làm câu quen quen kiến thức trước sau đó sang câu lạ.
Trường hợp không hình dung được kiến thức để giải quyết phải vận dụng đọc hợp lí để chọn ngẫu nhiên, không nên bỏ câu.
Bước 5: Rà soát, kiểm tra lại: Các câu đã lựa chọn, tổng số câu đã lựa chọn và tô vào bài để xem có sai sót không và chỉnh sửa.
Lưu ý giúp thí sinh đạt từ 7 điểm trở lên
Để đạt chắc chắn được điểm từ khá trở lên (7 điểm), cô Đồng Khánh Linh cho rằng, học sinh nên: Đọc thêm phần kiến thức lí thuyết trong chương trình sách giáo khoa nâng cao.
Đồng thời, làm thêm các bài tập tổng hợp nhiều quy luật cũng như tăng cường luyện đề.