Tổ chức tượng binh thời xưa

GD&TĐ - Thời xưa, quân đội của nhà nước phong kiến Việt Nam cũng có nhiều “binh chủng”, ngoài bộ binh, kỵ binh, thủy binh, còn có pháo binh và tượng binh.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Như Giáo dục & Thời đại số Thứ Hai 19, ra ngày 22/1 đã đề cập, tượng binh thời xưa chia ra làm các đơn vị vệ và cơ. Ở kinh thành là các vệ tượng binh, còn ở các tỉnh gọi là cơ.

Cơ cấu tượng binh thời Lê trở về trước sử sách không ghi chi tiết, chỉ thấy trong sách “Binh chế chí”, thuộc bộ “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú cho biết, từ thời vua Lê Hiển Tông, quân đội có vệ Tuần tượng chuyên huấn luyện và dùng voi đánh trận.

Tượng binh xuất hiện trong cuộc chiến giữa hai phe Trịnh - Nguyễn, nhưng đều phối thuộc với bộ binh nên không rõ cơ cấu tổ chức riêng thế nào. Theo “Lịch triều tạp kỷ” của Ngô Cao Lãng, trong chiến dịch đánh quân Thanh ở Thăng Long năm 1789, vua Quang Trung dùng tới 100 thớt voi hùng dũng, khiến ngựa của quân Thanh hoảng sợ quay đầu giày xéo bộ binh.

Thời chúa Nguyễn Ánh, sử viết nhiều lần ông cho người sang Nam Vang (Phnom Penh), Bắc Tầm Bôn (Battambang) mua voi đực về, hoặc sai quân đi bắt voi ở các xứ Đồng Nai, Bà Rịa và Hỗn Thủy để đưa vào huấn luyện tượng binh.

Năm 1799, chúa Nguyễn Ánh bổ tướng Nguyễn Đức Xuyên làm tri Tượng chính, quản 4 vệ tượng binh có tên lần lượt là Hùng võ, Hùng uy, Phấn uy, Hùng dũng và 10 cơ tượng.

Theo bộ sử triều Nguyễn “Đại Nam thục lục”, năm Minh Mạng thứ nhất (1820), ở kinh thành Phú Xuân có 3 vệ Thị tượng. Đến mùa Đông năm Minh Mệnh thứ 10 (1829), nhà Nguyễn mới định lại danh hiệu và số ngạch tượng binh ở trong và ngoài kinh thành.

Việc sắp đặt lại theo lời tâu của Bộ Binh lên nhà vua rằng: “Nhà nước có tượng binh dùng về việc quân, thật là đắc lực, mà từ trước đến nay ở Kinh và các thành trấn đạo, có nơi số binh nhiều, số voi ít, có nơi số binh ít, số voi nhiều; lại có nơi binh và voi đều chưa từng có. Nếu không tuỳ nghi định lại, cứ nhân tuần như thế, thì sự chăn nuôi ngày thường đã lo khó đủ, mà khi có việc sai khiến lại sợ có chỗ làm không nổi. Xin lượng theo địa phương lớn nhỏ và công việc nhiều ít để định số binh số tượng khác nhau cho có định ngạch”.

Theo đó, Bộ Binh xin phân bổ ở Kinh có 3 vệ, mỗi vệ 10 đội, binh lính 1.500 người, voi 150 thớt. Bắc Thành (gồm toàn bộ các tỉnh miền Bắc) 3 cơ, mỗi cơ 5 đội, binh lính 750 người, voi 110 thớt. Thành Gia Định (các tỉnh miền Nam) 10 đội, binh 500 người, voi 75 thớt. Quảng Nam 5 đội, binh 250 người, voi 35 thớt. Nghệ An 3 đội, binh 150 người, voi 21 thớt. Quảng Bình, Quảng Ngãi, Thanh Hoa (Thanh Hóa ngày nay) đều 2 đội, binh đều 100 người, voi đều 15 thớt. Quảng Trị, Phú Yên, Bình Hòa, Bình Thuận, Ninh Bình đều 1 đội, binh đều 50 người, voi đều 7 thớt.

Về danh hiệu các vệ, cơ tượng binh, Bộ Binh triều Nguyễn xin nhà vua dùng một chữ tên kinh, thành, trấn, đạo mà gọi. Ở Kinh thì gọi là 3 vệ Kinh tượng nhất, nhị, tam; Quảng Trị thì gọi cơ Trị tượng; Quảng Bình gọi cơ Quảng tượng; Quảng Nam gọi cơ Nam tượng; Quảng Ngãi gọi cơ Ngãi tượng; Bình Định gọi cơ Bình tượng; Phú Yên gọi cơ Phú tượng; Bình Hòa gọi cơ Hòa tượng; Bình Thuận gọi cơ Thuận tượng, Nghệ An gọi cơ An tượng; Thanh Hoa (Thanh Hóa ngày nay) gọi cơ Hoa tượng; Ninh Bình gọi cơ Ninh tượng; Gia Định gọi cơ Định tượng; Bắc Thành gọi 3 cơ Bắc tiền, Bắc tả và Bắc hữu”.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Vua y theo lời bàn này, rồi sai đổi bổ tướng Phạm Văn Điển làm Thống chế Kinh tượng, Lê Phục Tấn làm Phó vệ úy vệ Kinh tượng nhất, vẫn chuyên quản các tượng cơ ở Quảng Trị, Quảng Nam và Quảng Bình, Hồ Văn Đa làm Vệ úy vệ Kinh Tượng nhị, vẫn chuyên quản các tượng cơ Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bình Hòa, Bình Thuận và Gia Định, Nguyễn Văn Thị làm Vệ úy Kinh tượng tam, vẫn chuyên quản các tượng cơ ở Nghệ An, Thanh Hoa, Ninh Bình và Bắc Thành.

Cũng năm 1829, khi vua Minh Mạng sai đắp thành cho các phủ, huyện ở miền Bắc, lấy trấn Sơn Nam làm thử, đầu tiên là đắp thành phủ Lý Nhân và thành 3 huyện Duy Tiên, Nam Xang, Thanh Liêm thuộc trấn Sơn Nam, thì quy mô mỗi thành ở cấp phủ, ngoài nhà công đường, nhà kho, kho thuốc súng, nhà binh, nhà ngục, còn có thêm xưởng voi. Như vậy cơ cấu tượng binh ở trấn đã phân bố đơn vị nhỏ xuống tận cấp phủ.

Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), các bộ tộc thiểu số ở miền núi phía Tây Quảng Nam (sử triều Nguyễn gọi là “ác man”) lén xuống nguồn Chiêu Đàn giết hại nhân dân, đốt nhà, cướp của rồi trốn đi. Hiệp trấn Phan Thanh Giản được tin báo, lập tức đem 200 biền binh thuộc trấn, 5 thớt voi, và mang theo Phó vệ úy đóng giữ đài An Hải là Lê Văn Hiếu, tiến thẳng đến đồn nguồn Chiêu Đàn tuỳ cơ dò bắt.

Việc tâu lên, vua sai Vệ úy ở Kinh tượng Nhất vệ là Lê Văn Thuỵ, và thự Phó vệ úy ở Long võ tiền vệ là Phạm Văn Tường chạy ngựa trạm đi điều thêm binh và voi cùng theo đi tiễu. Hiệp trấn Quảng Nam Phan Thanh Giản phân công Vệ úy Lê Văn Thuỵ cai quản hơn 100 tượng binh và 10 thớt voi đóng ở đồn Viên Thuỷ (thuộc đất man Tà Vang) để trấn giữ biên giới.

Khi quân triều Nguyễn bảo hộ Chân Lạp, đóng ở thành Trấn Tây, năm 1836, vua Minh Mạng lệnh cắt cử tượng binh trong vệ Kinh tượng và cơ Định tượng thuộc Bình Định gộp với tượng binh ở thành (Trấn Tây) đặt làm 2 đội Nhất, Nhị thuộc tượng cơ, với số voi là 40 con.

Đến năm Minh Mạng thứ 20 (1839), triều Nguyễn đặt lại cơ cấu tượng binh ở Kinh và các tỉnh ngoài. Theo đó, ở Kinh có 105 thớt voi, voi đực mỗi thớt 10 người cưỡi chăn, voi cái mỗi thớt 5 người cưỡi chăn; tượng binh 3 vệ nhất, nhị, tam vẫn để nguyên ngạch như cũ. Còn các tỉnh thì voi đực mỗi thớt 4 người cưỡi chăn, voi cái mỗi thớt 2 người cưỡi chăn.

Số voi ở các cơ đóng ở các tỉnh lần lượt từ ít đến nhiều theo quy mô diện tích, dân số các tỉnh, từ 6 thớt (Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Thuận, Hà Tĩnh, Biên Hòa…), tăng lên 10 thớt (Gia Định, Thanh Hóa, Bắc Ninh), 13 thớt (Hà Nội, Nghệ An), 15 thớt (Quảng Bình, Quảng Ngãi...), riêng thành Trấn Tây vẫn là 40 thớt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Những ngày rối ren

GD&TĐ - Ngay khi Hàn Quốc bước vào năm mới 2025, Tổng thống Hàn Quốc bị luận tội Yoon Sukyeol ra tuyên bố 'sẽ chiến đấu đến cùng' chống lại lệnh bắt giữ.