Hoạt động này góp phần hình thành và phát triển cho học sinh các phẩm chất và năng lực chủ yếu được quy định trong Chương trình phổ thông tổng thể. Đổi mới hình thức, quy trình tổ chức Hoạt động trải nghiệm theo Thuyết trải nghiệm của D.Kolb là một hướng tổ chức hiệu quả.
Lý thuyết học tập trải nghiệm của D.Kolb
Trải nghiệm là quá trình nhận thức, khám phá đối tượng bằng việc tương tác với đối tượng thông qua các thao tác vật chất bên ngoài (nhìn, sờ, nếm, ngửi…) và các quá trình tâm lí bên trong (chú ý, ghi nhớ, tư duy, tưởng tượng…). Thông qua đó, chủ thể có thể học hỏi, tìm tòi, sáng tạo, tiếp thu, tích lũy được những kinh nghiệm cho bản thân và hoàn thiện các kĩ năng trong cuộc sống.
Học tập trải nghiệm có nghĩa là học từ thực nghiệm hoặc học bằng cách làm. Giáo dục trải nghiệm “nhúng, thả” người học vào một trải nghiệm và khuyến khích suy nghĩ (phản ánh) về những trải nghiệm đó để phát triển các kĩ năng, thái độ hoặc là cách nghĩ mới (Học tập trải nghiệm - Lí thuyết và vận dụng vào thiết kế, tổ chức hoạt động trải nghiệm trong môn học ở trường phổ thông - Đào Thị Ngọc Minh, Nguyễn Thị Hằng).
Từ nửa cuối thế kỉ XIX và thế kỉ XX, nhiều nhà tâm lí học, giáo dục học và nhiều nhà nghiên cứu khoa học đã đề xuất các lý thuyết học tập có liên quan đến kinh nghiệm. Kế thừa và phát triển lý thuyết học tập trải nghiệm đã có, năm 1971, David Kolb chính thức công bố Lý thuyết Học tập trải nghiệm của mình. Đây có thể xem là lý thuyết tương đối toàn diện về một phương thức học tập tích lũy, chuyển hóa kinh nghiệm.
Lý thuyết Học tập trải nghiệm đề xuất mô hình về quá trình học tập một cách toàn diện và mô hình đa chiều về sự phát triển của con người có liên quan chặt chẽ với kinh nghiệm.
Học tập trải nghiệm còn được xây dựng dựa trên nền tảng của “học tập kiến tạo” và “học tập liên ngành”. Phương pháp trải nghiệm không coi mỗi môn học như bị bó buộc trong “phòng” riêng của mình, không có liên kết, kết nối với các môn học khác. Học tập trải nghiệm tạo ra sự trải nghiệm học tập gồm nhiều ngành học, môn học và mô phỏng tương tự các tình huống học tập giống như thực tế.
Theo Lý thuyết Học tập trải nghiệm, học tập là một quá trình mà ở đó tri thức được tạo ra thông qua sự biến đổi, chuyển hóa kinh nghiệm. Đó là quá trình thông qua hành động (việc làm), chủ thể tạo ra tri thức mới trên cơ sở trải nghiệm thực tế, dựa trên đánh giá, phân tích những kinh nghiệm, kiến thức sẵn có nhờ sự tác động của “kiến thức” tiếp thu được qua hành động với đối tượng.
Theo Lý thuyết Học tập trải nghiệm của D.Kolb, quá trình học từ trải nghiệm gồm 6 đặc điểm:
Việc học tốt nhất cần chú trọng đến quá trình chứ không phải kết quả;
Học là một quá trình liên tục trên nền tảng kinh nghiệm;
Học tập đòi hỏi việc giải quyết xung đột giữa mô hình lí thuyết với cuộc sống thực tiễn;
Học tập là một quá trình toàn diện về thích ứng với cuộc sống thực tiễn;
Học tập là sự kết nối giữa con người với môi trường;
Học tập là quá trình kiến tạo ra những tri thức, nó là kết quả của sự chuyển hóa giữa kiến thức xã hội và kiến thức cá nhân.
(D.Kolb, 1984)
Trung tâm trong Thuyết Học tập trải nghiệm của Kolb là mô hình học tập trải nghiệm mô tả quá trình học tập từ kinh nghiệm của người học thông qua 4 khâu:
Kinh nghiệm cụ thể (kinh nghiệm rời rạc): Ở khâu này người học cần học tập thông qua các hoạt động, hành vi, thao tác cụ thể, trực tiếp gắn với bối cảnh thực tế. Người học tiến hành các hoạt động trên đối tượng như đọc tài liệu, nghe giảng, xem video về chủ đề đang học… Các yếu tố này sẽ tạo ra các kinh nghiệm nhất định cho người học. Chúng trở thành “nguyên liệu đầu vào” quan trọng của quá trình học tập.
Quan sát, phản ánh: Trong khâu này, người học thông qua quan sát các hoạt động do người khác thực hiện hoặc chiêm nghiệm lại bản thân, suy ngẫm và đúc kết những ý tưởng trải nghiệm mới. Ở khâu này, người học cần phân tích, đánh giá các sự kiện và kinh nghiệm đã có. Sự đánh giá này mang yếu tố “phản ánh” (tự mình suy tưởng về các kinh nghiệm đó, xem mình thấy thế nào, có hiểu được hay không, có hợp lí hay không, có quan điểm hay thực tế nào đi ngược lại với các kinh nghiệm mình vừa trải qua hay không…). Trong quá trình suy ngẫm, ghi lại các suy tưởng ấy theo cách tự nhiên và tự thân, người học sẽ rút ra được các bài học cũng như định hướng mới cho chặng đường tiếp theo.
Khái niệm hóa: Ở khâu này, người học học tập thông qua việc xây dựng các khái niệm, tổng hợp và phân tích những gì quan sát được. Thực chất của khâu này là trên cơ sở quan sát chi tiết cộng với suy tưởng sâu sắc, người học tiến hành khái niệm hóa các kinh nghiệm đã nhận được, từ kinh nghiệm đã có để luận ra các khái niệm “lí thuyết mới”.
Đây là khâu quan trọng để các kinh nghiệm được chuyển đổi thành “tri thức”, hệ thống khái niệm và bắt đầu lưu giữ lại trong não bộ. Không có khâu này các kinh nghiệm sẽ không thể được nâng cấp và phát triển lên tầm cao mới hữu ích hơn mà chỉ là các trải nghiệm vụn vặt nhặt được trong tiến trình học tập hay thực hành. Đây lại cũng chính là khâu thiếu sót lâu nay trong thực tế tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh mà nhiều nhà trường vẫn đang tiến hành.
Thực nghiệm tích cực: Ở khâu này, người học được học tập thông qua những đề xuất thử nghiệm các phương án giải quyết vấn đề. Ở ba khâu trên người học đã có những kết luận được đúc rút từ thực tiễn với các luận cứ và suy tư được liên kết chặt chẽ. Bản kết luận đó có thể coi như một giả thuyết và phải đưa vào thực tiễn để kiểm nghiệm. Việc này hết sức quan trọng trong việc hình thành nên tri thức thực.
Điểm cốt lõi trong lý thuyết học tập trải nghiệm của Kolb là người học cần thiết phải có sự “phản ánh”, tức là sự tác động qua lại của tư duy trong ý thức, từ kinh nghiệm rời rạc, cụ thể để phân tích, khái quát hóa và công thức hóa thành các khái niệm; sau đó các khái niệm lại được áp dụng và kiểm nghiệm trong thực tế…
Từ đó, lại xuất hiện các kinh nghiệm mới, chúng lại trở thành đầu vào cho vòng học tập tiếp theo, cho tới khi nào việc học đạt được mục tiêu đề ra. Nói cách khác, học tập trải nghiệm là sự hình thành các kinh nghiệm mới bằng sự tương tác giữa kinh nghiệm đã có với những hiểu biết rời rạc thu được hiện tại, nhờ sự phản ánh của chủ thể trong hành động, theo một chu trình khép kín.
Học tập trải nghiệm chính là lý thuyết học tập đóng vai trò trung tâm trong đào tạo theo năng lực, bởi vì nó chỉ ra các hoạt động học tập cụ thể của người học để phát triển kinh nghiệm nền tảng (hay kinh nghiệm cụ thể) hướng tới mục tiêu đào tạo. Quá trình học tập từ kinh nghiệm của người học phải được tiến hành thông qua bốn giai đoạn: Kinh nghiệm cụ thể - Quan sát phản ánh - Khái niệm hóa trừu tượng - Thực nghiệm.
Thực chất của học tập trải nghiệm chính là quá trình người học sử dụng các kinh nghiệm nền tảng đã có để trải nghiệm trong các tình huống thực nhằm giải quyết vấn đề; kết quả của các giá trị thực tế của kinh nghiệm nền tảng được phán xét bởi tư duy, để đưa đến những ý tưởng mới, cách làm mới; áp dụng thử nghiệm những ý tưởng mới đó để giải quyết vấn đề, người học đúc rút ra kinh nghiệm mới; những kinh nghiệm đó sẽ được sử dụng cho lần trải nghiệm tiếp theo.
Học tập trải nghiệm là nhiệm vụ học tập gắn với thực tiễn mà học sinh cần phải vận dụng vốn kinh nghiệm sẵn có để trải nghiệm, phân tích, khái quát hóa thành kiến thức của bản thân và vận dụng để giải quyết vấn đề trong bối cảnh thực tiễn. Hoạt động trải nghiệm giúp hình thành và phát triển ở học sinh các năng lực tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo được biểu hiện qua các năng lực đặc thù: Năng lực thích ứng với cuộc sống, năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động, năng lực định hướng nghề nghiệp.
Hoạt động trải nghiệm là hoạt động giáo dục bắt buộc do nhà giáo dục định hướng, thiết kế và hướng dẫn thực hiện, tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận với thực tế, thể nghiệm các cảm xúc tích cực, khai thác những kinh nghiệm đã có và huy động tổng hợp kiến thức, kĩ năng của các môn học để thực hiện những nhiệm vụ được giao hoặc giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống nhà trường, gia đình, xã hội, phù hợp với lứa tuổi; thông qua đó, chuyển hóa những kinh nghiệm đã trải qua thành tri thức mới, hiểu biết mới, kĩ năng mới góp phần phát huy tiềm năng sáng tạo và khả năng thích ứng với cuộc sống, môi trường và nghề nghiệp tương lai.
Hoạt động trải nghiệm góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu: Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm; Giúp hình thành và phát triển ở học sinh các năng lực tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo được biểu hiện qua các năng lực đặc thù: Năng lực thích ứng với cuộc sống, năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động, năng lực định hướng nghề nghiệp.
Trải nghiệm thực tế
Dựa trên cơ sở của Thuyết Trải nghiệm và mục tiêu, yêu cầu của việc tổ chức Hoạt động trải nghiệm cho học sinh THPT, chúng ta có thể vận dụng thiết kế hoạt động cụ thể “Tổ chức tìm hiểu, thăm hỏi gia đình thương binh, liệt sĩ” theo 4 giai đoạn như sau:
Giai đoạn 1: Trên cơ sở hướng dẫn và yêu cầu của giáo viên chủ nhiệm, học sinh sẽ tiến hành thu thập các thông tin liên quan đến từng thương binh, liệt sĩ như tên, tuổi, quê quán, hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh bị thương hoặc hi sinh (qua hồ sơ, giấy tờ, qua cơ quan quản lí, qua gia đình, đồng đội…). Ở giai đoạn này, học sinh được rèn luyện kĩ năng thu thập thông tin, hình thành năng lực thấu hiểu, đồng cảm…
Giai đoạn 2: Trên cơ sở thông tin đã thu thập được học sinh sắp xếp lại (theo vùng hoặc theo mức độ), đối chiếu với những hiểu biết ban đầu của mình để có những cái nhìn, cách đánh giá khái quát về thương binh, liệt sĩ. Từ đó hình thành kĩ năng đối chiếu, so sánh, khái quát vấn đề, hình thành năng lực cảm nhận, thấu hiểu…
Giai đoạn 3: Trên cơ sở gợi ý của giáo viên (thông qua câu hỏi hoặc vấn đề được đặt ra), học sinh trình bày được sự hiểu biết của mình về thương binh, liệt sĩ, định hướng được thái độ cần thiết đối với thương binh, liệt sĩ. Ở giai đoạn này, học sinh được rèn luyện kĩ năng khái quát hóa vấn đề, hình thành năng lực thấu hiểu, lòng biết ơn, tự hào đối với thương binh, liệt sĩ và gia đình của họ.
Giai đoạn 4: Trên cơ sở những hiểu biết về tri thức thu thập được về thương binh, liệt sĩ, dưới sự chỉ đạo của giáo viên chủ nhiệm học sinh tiến hành các hoạt động thăm hỏi gia đình thương binh, liệt sĩ vào ngày 27/7 hàng năm, chăm sóc các khu nghĩa trang, các khu di tích lịch sử trên địa bàn trường đóng; Tổ chức các buổi giao lưu với các cựu quân nhân, các thương binh, các anh hùng lực lượng vũ trang…; Tổ chức các buổi ngoại khóa về chủ đề Tri ân những anh hùng, thương binh, liệt sĩ… Ở giai đoạn này, học sinh được hình thành kĩ năng vận dụng tri thức vào thực tiễn cuộc sống, hình thành năng lực về lòng biết ơn, tự hào về phẩm chất của con người Việt Nam, về quê hương, đất nước.
Tổ chức Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp theo Thuyết Trải nghiệm cũng phải đảm bảo bốn giai đoạn. Ở mỗi giai đoạn, đều có hoạt động của nhà quản lí, giáo viên và học sinh. Ở mỗi giai đoạn, học sinh được hình thành những kĩ năng tương ứng. Tất cả các kĩ năng học sinh thu được qua bốn giai đoạn tạo thành cốt lõi của năng lực. Tùy thuộc vào nội dung của hoạt động các năng lực tương ứng sẽ được hình thành.
Thực nghiệm triển khai Kế hoạch“Tổ chức tìm hiểu, thăm hỏi gia đình thương binh, liệt sĩ” tại đơn vị Trường THPT Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, chúng tôi đã thu nhận được những phản hồi tích cực.
Khảo sát vai trò của học sinh trong Hoạt động “Tổ chức tìm hiểu, thăm hỏi gia đình thương binh, liệt sĩ”, (đối với 100 học sinh), chúng tôi thu được kết quả sau: (xem bảng).
Qua bảng khảo sát, có thể nhận thấy, trên cơ sở kế hoạch Hoạt động “Tổ chức tìm hiểu, thăm hỏi gia đình thương binh, liệt sĩ” mà giáo viên chủ nhiệm phổ biến, có 96% HS thực hiện việc thu thập thông tin về thương binh, liệt sĩ và gia đình thương binh, liệt sĩ theo vùng (xã), có 74% học sinh tiến hành thăm hỏi, chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ. Chỉ có 20% học sinh tiến hành Báo cáo thông tin thu thập, rút ra những hiểu biết về thương binh, liệt sĩ trên cơ sở những thông tin đã thu thập được, có 35% học sinh sau khi thu thập thông tin bước đầu có được những hiểu biết về thương binh, liệt sĩ, định hướng thái độ đối với thương binh, liệt sĩ.
Kết quả khảo sát này đã cho thấy tính hiệu quả của việc đổi mới hình thức, quy trình tổ chức Hoạt động trải nghiệm theo Thuyết Trải nghiệm, có thể nhân rộng mô hình hoạt động này trong các trường THPT.