Theo Sở GD-ĐT TP, các trường tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nội dung giáo dục ngoài giờ lên lớp theo quyết định 16/2006 ngày 5/6/2006 của Bộ GD-ĐT trong chương trình chính khoá tại trường trung học năm học 2020 – 2021.
Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp trong chương trình chính khoá đảm bảo các yêu cầu như sau: Đây là nội dung giáo dục trong chương trình chính khoá, được bố trí 2 tiết/tháng.
Cần đổi mới nội dung các chủ đề phù hợp với xã hội hiện nay: Nghề tương lai trong cách mạng 4.0; giao tiếp mạng xã hội; Smartphone trong đời sống xã hội; văn hoá giao thông; văn hóa gia đình.
Tăng cường thay đổi hình thức tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp trong nhà trường. Việc tổ chức các hoạt động tập thể, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa cần chuyển mạnh sang hướng hoạt động trải nghiệm, trải nghiệm sáng tạo.
Đồng thời đảm bảo đổi mới kiểm tra đánh giá theo quá trình: Đánh giá bài thu hoạch ghi chép quá trình học của học sinh qua các giai đoạn: Nhận nhiệm vụ học tập – thực hiện nhiệm vụ học tập – hoàn thành nhiệm vụ học tập.
Đánh giá qua bài kiểm tra sau khi hoàn thành nhiệm vụ học tập tại vị trí tổ chức tiết học ngoài nhà trường, hoạt động học tập trải nghiệm. Đánh giá qua tinh thần và thái độ học tập của học sinh khi tham gia.
Việc tổ chức hoạt động học tập trải nghiệm, tiết học ngoài nhà trường được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, công khai. Do đó, khi tổ chức học tập trải nghiệm- tiết học ngoài nhà trường, các cơ sở giáo dục phải xây dựng phương án học tập tương đương cho các em học sinh không tham gia được học tập tại trường hoặc tại nhà.
Sở cũng lưu ý các trường THCS tiếp tục triển khai, thực hiện chương trình “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” dành cho THCS với thời lượng 4 tiết (lồng ghép, bổ sung từ tháng 9/2020 – 4/2021). Tổ chức xây dựng và thiết kế lại kế hoạch dạy học cho phù hợp tình hình giao thông của địa phương.
Đối với cấp Trung học THPT tiếp tục triển khai, thực hiện chương trình “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” dành cho THPT với thời lượng 4 tiết (lồng ghép, bổ sung từ tháng 9/2020 – 5/2021). Tổ chức xây dựng và thiết kế lại kế hoạch dạy học cho phù hợp tình hình giao thông của địa phương.
Ngoài ra, cần thực hiện nghiêm chỉnh chương trình hướng nghiệp từ lớp 9 đến lớp 12, nhà trường xây dựng kế hoạch hướng nghiệp trong kế hoạch giáo dục tổng thể của nhà trường, tối thiểu là 9 tiết/năm (theo chương trình chính khóa).
Tuỳ vào điều kiện của đơn vị, nhà trường cần tăng cường các hoạt động hướng nghiệp qua các hình thức trải nghiệm, tránh các hình thức tổ chức nhàm chán, không đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin về ngành nghề của học sinh.
Hạn chế tối đa các trường hợp quảng cáo tuyển sinh cho các trường đại học trên giờ sinh hoạt dưới cờ. Các cơ sở giáo dục không thực hiện các hoạt động tư vấn du học trong trường học dưới mọi hình thức.
Tạo môi trường hỗ trợ khởi nghiệp trong trường THPT; tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp của học sinh THPT. Vận động khuyến khích học sinh tham gia các hội thi khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, Sở cũng khuyến khích các trường tăng cường hợp tác quốc tế trong giáo dục trung học.