Ý nghĩa nhân văn của một chương trình học tập trải nghiệm học đường

GD&TĐ - Trường THPT Trưng Vương, quận 1, TPHCM đã tổ chức chương trình học tập trải nghiệm “học sinh với pháp luật” dành cho gần 2.000 học sinh (HS) của trường. 

Ý nghĩa nhân văn của một chương trình học tập trải nghiệm học đường
Ý nghĩa nhân văn của một chương trình học tập trải nghiệm học đường ảnh 1Ý nghĩa nhân văn của một chương trình học tập trải nghiệm học đường ảnh 2Ý nghĩa nhân văn của một chương trình học tập trải nghiệm học đường ảnh 3Ý nghĩa nhân văn của một chương trình học tập trải nghiệm học đường ảnh 4Ý nghĩa nhân văn của một chương trình học tập trải nghiệm học đường ảnh 5Ý nghĩa nhân văn của một chương trình học tập trải nghiệm học đường ảnh 6
Đây là hoạt động nằm trong chương trình dạy học môn Giáo dục công dân nhằm cung cấp cho HS hiểu biết cơ bản về pháp luật với những tình huống pháp lý đời thường, gần gũi với các em. Thông qua đó, truyền tải đến HS những giá trị nhân văn, giáo dục HS về đạo đức, nhân cách và cách ứng xử văn minh đúng đắn trước những tình huống xã hội.

Cảm xúc khi lần đầu được dự một phiên tòa

Phiên tòa giả định do nhà trường tổ chức được sự hỗ trợ của Tòa án nhân dân quận 12, TPHCM. Đây là một trong những hoạt động nhận được sự quan tâm rất lớn của HS trong chương trình “học sinh với pháp luật”.

Theo đó, phiên tòa giả định xét xử vụ án về tội trộm cắp tài sản của em Nguyễn Văn Khoa đang là HS lớp 11. Em trộm tài sản của bạn gồm tiền mặt, điện thoại, máy tính casio và bị giám thị bắt ngay tại lớp học. Trước đó em đã nhiều lần có hành vi này với số tiền lần lượt là 150.000 đồng, 350.000 đồng, 100.000 đồng và 900.000 đồng.

Từ sự việc trên, sau khi cơ quan công an điều tra vào cuộc và có kết luận, Viện kiểm sát nhân dân đã quyết định truy tố ra trước tòa đề nghị xét xử đối với bị cáo Nguyễn Văn Khoa về tội “trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1, Điều 138, Bộ luật Hình sự đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Có mặt tại hội trường, HS của Trường THPT Trưng Vương tỏ ra rất hào hứng bởi đây là lần đầu tiên các em được tham gia một phiên tòa, hình dung được các phần tại tòa án.

Em Nguyễn Văn Minh, lớp 12A2 cho hay: Lần đầu được tham gia phiên tòa em thấy rất vui, hào hứng, em biết được các phần xét xử như phần thủ tục, phần xét hỏi, phần tranh luận, Nghị án và tuyên án. Từ phiên tòa chúng em cũng đúc rút ra những bài học cho mình phải tuân thủ theo pháp luật, học tập thật tốt để trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Tương tự, dự phiên tòa, em Nguyễn Thị Thúy An, HS lớp 10A15 cho rằng, lần đầu tiên dự một phiên tòa em thấy rất bổ ích, vì trước đây cũng chưa hình dung được về quy trình của phiên tòa. Ngoài ra, chúng em nhận biết được rất nhiều kiến thức, ví dụ như nghe giải thích tiền án, tiền sự, án treo, hội thẩm nhân dân… và hành vi như thế nào là vô ý, cố ý. Từ câu chuyện của bạn Khoa, chúng em cũng rút ra bài học cho mình là tuân thủ theo pháp luật, đối xử tốt với bạn bè, không nên trộm cắp đồ của bạn. Ngoài ra, hoàn cảnh của bạn Khoa bố mẹ ly dị, gia đình ít quan tâm nên đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc bạn ấy có hành vi như trên nên vai trò gia đình cũng rất quan trọng trong giáo dục con trẻ.

Kết thúc phiên tòa, các em HS đã đặt rất nhiều câu hỏi hay cho đại diện của Tòa án nhân dân quận 12 như: Thưa tòa tại sao lại xét xử không mời nhân chứng phát hiện ra bạn Khoa trộm tài sản? Sao bạn Long, người nhờ bạn Khoa đi lấy đồ trong lớp lại không có mặt tại tòa, lỡ hai bạn thông đồng nhau thì sao? Sự khác biệt giữa Bộ luật dân sự, Bộ luật Hình sự? Tại sao có 2 hội thẩm nhân dân mà một người không phát biểu gì? Hay có bạn lo lắng và băn khoăn: Vệc xét xử tội phạm vị thành niên có những quy định riêng như thế nào, vì em lo rằng hành vi của các bạn bị thông tin rộng rãi, sau này sẽ bị kỳ thị, bị chửi bới, đối xử bất công… Những câu hỏi này đã được thạc sĩ Lê Ngọc Nga, Phó Chánh tòa án nhân dân quận 12 trả lời một cách đầy đủ và chính xác.

Những trải nghiệm từ thực tiễn lý thú

Bên cạnh tham gia phiên tòa giả định, tại chương trình “học sinh với pháp luật”, HS còn được trải nghiệm Luật Giao thông đường bộ ngay tại sân trường với các sa hình, mô hình thông qua giải các ô chữ giao thông và xem các tiểu phẩm liên quan như: HS chở 3 không đội nón bảo hiểm, thấy tai nạn giao thông liền bỏ đi không cứu giúp người bị nạn khi có yêu cầu… hay tụ tập trên đường cổ vũ kích động 1 nhóm đua xe và tình huống đã uống bia khi tham gia điều khiển phương tiện có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên, công an kiểm tra cốp xe của HS có dao.

Ở hoạt động này, trường nhận được sự hỗ trợ của các chiến sĩ cảnh sát giao thông đến từ Đội Tuyên truyền - Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt - Công an TPHCM.

Một số HS khi xem xong mới nhận ra rằng, trước đây cứ nghĩ giấy phép lái xe và bằng lái xe là khác nhau hay các em đều nghĩ đơn giản thấy tai nạn giao thông, dù thấy có người bị nạn, nhưng phải bước thật nhanh để không nhìn cảnh tượng ghê sợ, không đá chống xe…

Ngoài tìm hiểu về luật giao thông đường bộ, các em còn được tham gia trải nghiệm văn minh ứng xử và những tình huống liên quan đến pháp luật như: tìm hiểu kiến thức pháp luật, sáng tác slogan pháp luật và tham gia trả lời câu hỏi từ các tiểu phẩm về bạo lực học đường, về tình yêu học đường và sử dụng mạng xã hội.

Nói về chương trình học tập trải nghiệm “học sinh với pháp luật”, cô Lê Tường Quyên - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương - cho hay: chương trình này nhằm cung cấp cho HS những hiểu biết cơ bản về pháp luật, các em sẽ có những trải nghiệm thực tế về những tình huống pháp lý đời thường gần gũi. Ngoài ra, đây cũng là hoạt động giáo dục gắn với thực tiễn, cụ thể là môn giáo dục công dân.

Có thể thấy việc dạy môn giáo dục công dân ở lớp thường là những bài học lý thuyết, nhất là những vấn đề liên quan đến pháp luật như Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự… Qua chương trình, nhà trường muốn trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật và cho các em có thêm trải nghiệm thực tế về những tình huống pháp lý đời thường, gần gũi. Thông qua hoạt động học tập này sẽ giúp các em hứng thú hơn với bộ môn cũng như có thêm những kiến thức nền tảng để ứng dụng vào cuộc sống, vững bước vào xã hội để trở thành những công dân tốt.

Bên cạnh trải nghiệm chương trình với những tình huống thực tiễn, gần gũi, HS của trường còn được cung cấp cuốn sổ tay pháp luật. Sổ tay có nội dung được trích dẫn những điều luật cơ bản như: Luật Giáo dục, Luật giao thông đường bộ, Luật nghĩa vụ quân sự, Một số quy định về xử lí hành vi đưa sai sự thật lên mạng xã hội, Về hiệu lệnh người điều khiển giao thông…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ