Tình yêu tuổi học trò: Cần sự đồng hành của thầy cô, cha mẹ

Tình yêu tuổi học trò: Cần sự đồng hành của thầy cô, cha mẹ

Con yêu sớm: Người tá hỏa, kẻ bình tâm

Gia đình anh Nguyễn Minh Quang – phố Phan Đình Giót (Thanh Xuân – Hà Nội) vừa trải qua cơn “sốc” khi con trai đang học lớp 9 đã chính thức bước vào “tình yêu”. Điều đó được phát hiện khi con trai anh mượn điện thoại chat với bạn gái nhưng quên không đăng xuất cuộc trò chuyện qua Facebook trên điện thoại. Thấy điện thoại liên tiếp hiển thị tin nhắn đến, anh Quang “lén” vào kiểm tra nội dung. Trước mắt anh hiện ra cuộc trò chuyện của hai trẻ ranh vừa bước vào yêu đương với ngôn ngữ ngọt ngào “anh – em” cho dù bằng tuổi cùng lớp, và khi kể chuyện với bố mẹ chúng vẫn gọi mày - tao.

Đi sâu vào câu chuyện của con, anh biết được chúng “phát sinh” tình yêu được 1 tháng nay, thường hẹn nhau tới trường ăn sáng, hoặc mua quà sáng mang đến lớp cùng ăn. Đặc biệt, chúng biết cách tách riêng trong những giờ ra chơi, tan học và những cuộc đi chơi cùng các bạn; đã tặng quà sinh nhật, Noel, Tết Dương lịch… Thậm chí con trai anh và bạn gái đã tiến tới cầm tay, ôm hôn lén lút.

Điều anh Quang và vợ gần đây nhận thấy cuối cùng đã có cơ sở kết luận. Con thường hay nghe nhạc về tình yêu và hỏi vu vơ kiểu như: “Đang ốm mà hôn nhau có bị lây không mẹ? Con gái thích tặng quà kiểu gì? Mẹ đang dùng son màu gì? Trẻ hơn dùng son gì?...”. Vợ chồng anh Quang thực sự lo lắng bởi con không chú tâm vào học tập như trước, kết quả cũng giảm sút hẳn. Trong khi đó chỉ còn vài tháng nữa con trai sẽ bước vào kỳ thi vào lớp 10 vô cùng quan trọng.

Làm sao để giải thích cho con hiểu tình cảm tuổi học trò dừng ở đâu, được và chưa được làm những điều gì? Có nên yêu hay chỉ nên làm bạn… là những điều gia đình anh Quang chưa chuẩn bị để nói cùng con.

Khác với gia đình anh Quang, chị Lê Thanh Bình – Chùa Bộc (Đống Đa – Hà Nội) lại tỏ ra bình thản hơn. Chị Bình chia sẻ: Con trai đã “yêu” (theo cách gọi của chúng) một bạn gái từ năm lớp 8. Lúc đầu cũng có tâm lý giấu bố mẹ, nhưng không qua mắt được cô giáo chủ nhiệm và bạn bè nên thông tin sớm đến “tai” chị. Thế nhưng, đây là con thứ 2 trong gia đình nên chị đối diện với vấn đề hết sức bình tĩnh, cởi mở, gọi con cùng trao đổi thẳng thắn. Con trai sau những phút ấp úng thì cũng không phủ nhận chuyện mình đã yêu. Được mẹ chủ động nói chuyện và chia sẻ, cậu đã kể những gì đang diễn ra giữa mình và bạn gái.

Chị Bình cho biết: Chị chọn cách đồng hành cùng con, tạo niềm tin để con tâm sự mọi chuyện. Như vậy, chị mới có thể định hướng, dạy cho con những kỹ năng cần thiết khi có những rung động đầu đời. Chị biết rằng ở lứa tuổi học trò, các con đang trưởng thành muốn chứng tỏ cái tôi cá nhân nên việc cấm đoán là sai lầm bởi con sẽ càng làm điều ngược lại và đi vào giấu giếm. Khi đó, nhiều điều tồi tệ hơn sẽ xảy ra.

Tất nhiên, trong thâm tâm chẳng bố mẹ nào ủng hộ, muốn con mình dính vào yêu đương quá sớm bởi xét cho cùng khi con chưa đủ chín chắn, chưa được định hướng rõ ràng… mà bước vào tình yêu thì hoàn toàn có thể để lại những hệ lụy trong học tập và tương lai. Tuy nhiên, việc cấm cản cơ bản sẽ không hiệu quả, mà hơn thế trẻ hoàn toàn có thể rút vào bí mật để đối phó. Khi đó, bố mẹ càng “mù tịt” thông tin để giáo dục, chỉnh đốn con. Thực tế, nhiều trường hợp học trò khi cha mẹ không chia sẻ, và tìm ra phương pháp giáo dục phù hợp, cấm cản đã có những suy nghĩ, hành động tiêu cực, dẫn tới hậu quả xấu.

Đồng hành với “rung động” đầu đời

TS Tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh – Tổng Giám đốc Học viện Thành Công (Hà Nội) cho rằng: Theo sự phát triển tâm sinh lý tuổi học trò, lớn lên và yêu đương là điều tất yếu. Bố mẹ có thể yên tâm và mừng vì điều đó chứng tỏ con cái đang phát triển một cách bình thường. Chỉ đáng lưu tâm khi các em yêu theo trào lưu một cách bừa bãi, hay yêu đồng tính…

Điều đáng nói ở vấn đề tình yêu tuổi học trò đó là cần sự đồng hành, định hướng, giáo dục để các con yêu đúng cách, yêu an toàn, yêu không ảnh hưởng đến học tập và tương lai. Thay vì ngăn cản, cấm đoán cha mẹ có thể “vẽ đường cho hươu chạy”, để “hươu” chạy đúng hướng còn hơn để “hươu” chạy lung tung.

TS Vũ Việt Anh cho biết, một năm ở Việt Nam có khoảng 300 nghìn ca nạo phá thai ở tuổi vị thành niên. Như vậy, làm cha mẹ khôn ngoan nhất là phải trang bị kiến thức, hướng dẫn cho con biết thế nào để tình yêu đúng đắn (đúng đắn cả về giới tính), thế nào là tình yêu đẹp… Cha mẹ giúp con hiểu về tình dục an toàn; tình yêu và tình dục khác nhau thế nào; cho con hiểu rằng: Không phải cứ yêu là phải có tình dục và không hẳn có tình dục mới là tình yêu.

Ở lứa tuổi học trò, tình yêu còn mang nặng sự cảm tính, chưa có nhiều sự bền vững, ổn định… Vì vậy càng đòi hỏi cha mẹ có sự định hướng đúng đắn, đồng hành theo sát, hướng dẫn, chỉ dẫn cho con những hơn thiệt, được mất trong tình yêu, dạy trẻ kỹ năng bảo vệ thân thể trước người khác giới. Khi trẻ ý thức được sự thiêng liêng của tình cảm, tình yêu thì chính các em sẽ không dễ dãi, tự có ý thức bảo vệ, tôn trọng riêng tư của nhau, không xâm phạm đến cơ thể nhau, không làm tổn thương tình cảm vì những ham muốn nhất thời.

TS Vũ Việt Anh khẳng định: Những thông điệp quan trọng và cơ bản đòi hỏi bố mẹ cần chuyển tới các con khi đã bước vào tình yêu học trò, đó là: Tình yêu sẽ bền vững nếu ta biết vun đắp, bảo vệ giữ gìn; Tình yêu chân chính không đòi hỏi tình dục khi chưa sẵn sàng; Yêu nhau xin hãy giữ gìn cho nhau; Yêu em vì nết vì người, yêu em ngay cả khi cười... “Đừng anh”; Hãy biết nói lời “không” khi bạn tình đòi hỏi; Đừng đánh mất tuổi trẻ vì kết hôn sớm; Không xây dựng gia đình trước tuổi 20 để lập thân, lập nghiệp.

Tình yêu học trò nếu được định hướng, chia sẻ quan tâm từ phía cha mẹ để phát huy những giá trị tích cực thì hoàn toàn không đáng lo lắng. Thậm chí tình yêu học trò chính là những kỷ niệm, ký ức đẹp đối với những ai trải qua tình yêu tuổi học trò. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Phạm Văn Quang đi xác minh hoàn cảnh học sinh để hỗ trợ.

'Già làng khuyến học' đất Cà Mau

GD&TĐ - 77 năm tuổi đời, ông Phạm Văn Quang đã có 30 năm gắn bó với công tác khuyến học, khuyến tài tại huyện Thới Bình (Cà Mau).

Sinh viên năm thứ nhất ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng với buổi học nhập môn tại Trạm xử lý nước thải Phú Lộc, TP Đà Nẵng. Ảnh: NTCC

Giữ sinh viên ở lại với nghề

GD&TĐ - Để SV năm thứ nhất hứng thú trong học tập, nhiều trường học đã có những hoạt động dạy - học gắn với thực tế tại doanh nghiệp, đơn vị sản xuất…