Theo đó, Sở sẽ đề xuất lấy phiếu tín nhiệm ngay giữa chứ không đợi đến hết nhiệm kỳ. Đối tượng cần thực hiện lấy phiếu tín nhiệm là hiệu trưởng, hiệu phó các nhà trường bị giảm sút về uy tín, điều hành công việc thiếu hiệu quả, có dư luận xấu kéo dài làm ảnh hưởng đến uy tín của trường và ngành Giáo dục.
Trước đó, đầu tháng 2/2023, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định số 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành định kỳ vào năm thứ 3 (năm giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp).
Điểm mới theo Quy định 96-QĐ/TW là kết quả lấy phiếu tín nhiệm được dùng để đánh giá cán bộ chứ không phải chỉ để “tham khảo trong đánh giá cán bộ” như trước đây. Theo đó, những cán bộ có tín nhiệm thấp phải kịp thời xem xét đưa ra khỏi quy hoạch, cho từ chức, miễn nhiệm hoặc bố trí công tác khác thấp hơn chức vụ đang đảm nhiệm mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.
Đề xuất của Sở GD&ĐT TPHCM về việc lấy phiếu tín nhiệm giữa kỳ đối với hiệu trưởng, hiệu phó trong bối cảnh Quy định 96-QĐ/TW có hiệu lực đã thu hút nhiều sự quan tâm, nhất trí của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý. Không chỉ đang đi đúng hướng trong công tác tổ chức cán bộ của Đảng, đề xuất này còn có ý nghĩa giải quyết những câu chuyện thực tế bức xúc của ngành Giáo dục.
Bởi lâu nay, đó đây cũng đã xảy ra không ít trường hợp hiệu trưởng, hiệu phó đến giai đoạn làm thủ tục tái bổ nhiệm, bị tín nhiệm thấp, phải trở về làm giáo viên, nhân viên. Trong thời gian những cán bộ này tại vị nhưng không nỗ lực, cố gắng, uy tín thấp, đội ngũ nhà giáo, người lao động chịu nhiều bức xúc, bất bình.
Chất lượng giáo dục phụ thuộc rất lớn vào chất lượng đội ngũ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý. Nếu người đứng đầu không đủ uy tín, năng lực mà không có biện pháp cụ thể để sớm phát hiện, chấn chỉnh, ngăn chặn thì hoạt động giáo dục trong nhà trường sẽ bị ảnh hưởng, sâu xa hơn sẽ làm giáo viên, người lao động, phụ huynh, học sinh giảm sút niềm tin. Vì thế, lấy phiếu tín nhiệm giữa kỳ với nhóm hiệu trưởng, hiệu phó “có vấn đề” là phương pháp, biện pháp kiểm soát quyền lực cán bộ hiệu quả.
Không chỉ giúp đánh giá uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của đội ngũ, cách làm này còn giúp cán bộ “tự soi”, “tự sửa”, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong công tác. Trường hợp tín nhiệm quá thấp, cần có biện pháp thay thế sớm để bảo đảm kỷ cương, yêu cầu phát triển của đơn vị.
Quan tâm, đồng tình ủng hộ chủ trương lấy phiếu tín nhiệm hiệu trưởng, hiệu phó giữa kỳ nhưng dư luận cũng có nhiều ý kiến quan ngại, rằng chủ trương này cũng có thể bị lợi dụng để làm sai lệch kết quả lấy phiếu tín nhiệm, gây mất đoàn kết, chia rẽ nội bộ. Bởi thực tế trong không ít cuộc bầu bán, bỏ phiếu đã có hiện tượng ứng cử viên sử dụng những chiến thuật “vận động phiếu”, “xin phiếu”... Tình trạng nói một đằng bỏ phiếu một nẻo cũng khá phổ biến, làm ảnh hưởng đến sinh mệnh chính trị của cán bộ.
Đề xuất lấy phiếu tín nhiệm giữa kỳ đối với hiệu trưởng, hiệu phó của TPHCM là tín hiệu tích cực trong công tác tổ chức cán bộ và mặt trái (nếu có) cũng là điều không thể tránh. Vấn đề quan trọng là khi triển khai cần song hành xây dựng cơ chế hướng dẫn, truyền thông tốt để việc lấy phiếu tín nhiệm công tâm, công bằng. Có như vậy mới nâng cao được chất lượng đội ngũ, tránh sức ỳ, đảm bảo lựa chọn được những cán bộ quản lý có đức, có tài cho công cuộc đổi mới giáo dục đang được cả xã hội kỳ vọng.