Tái bổ nhiệm chức danh hiệu trưởng, hiệu phó: Hàng chục cán bộ quản lý bị… quên

GD&TĐ - Trong số 67 cán bộ quản lý (CBQL) trường học bị “quên” bổ nhiệm lại ở thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), có người quá thời hạn hơn chục năm, có người kéo dài so với nhiệm kỳ 3 - 4 năm.

Ngày hội “Mừng vui 8/3 – Giao lưu mẹ và bé” do Trường Mầm non Ninh Hưng tổ chức.
Ngày hội “Mừng vui 8/3 – Giao lưu mẹ và bé” do Trường Mầm non Ninh Hưng tổ chức.

“Tại anh, tại ả”

Được bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường Mầm non Ninh Hưng từ năm 2013, nếu theo quy định, đến năm 2018, cô Phan Thị Thanh Chu hết nhiệm kỳ làm quản lý và tiến hành các thủ tục để bổ nhiệm lại. Thế nhưng, cho đến nay, cô Chu vẫn đảm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng nhà trường dù không hề có quyết định tái bổ nhiệm. Cô Chu cho biết: “Tập trung nhiều cho công tác chuyên môn nên tôi không nhớ mình đã hết thời hạn quản lý, phải tiến hành làm hồ sơ để bổ nhiệm lại. Nhà trường cũng không tổ chức lấy phiếu khi hiệu trưởng hết nhiệm kỳ quản lý”. 

Thầy Nguyễn Tường Vy – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ninh Thủy cũng thừa nhận, để xảy ra sự việc “quên” không bổ nhiệm lại, lỗi một phần là do bản thân CBQL các trường học. “Trong các lần họp hiệu trưởng, Phòng GD&ĐT Ninh Hòa có nhắc đến vấn đề làm hồ sơ bổ nhiệm lại. UBND thị xã gửi công văn nhắc nhở chuyện này. Thế nhưng rồi hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường làm hồ sơ không đúng thời điểm, bị chậm trễ; gửi hồ sơ đi không thấy phản hồi cũng không thắc mắc gì nên mọi việc cứ thế trôi đi”. Như thầy Vy, nhận quyết định bổ nhiệm hiệu trưởng từ năm 2014, lẽ ra năm 2019 phải tiến hành bổ nhiệm lại. Nhưng đến năm 2020, khi Phòng GD&ĐT Ninh Hòa tiến hành rà soát lại toàn bộ công tác bổ nhiệm cán bộ quản lý mới tiến hành làm các thủ tục, hồ sơ để bổ nhiệm lại. 

Cả Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học – THCS Ninh Tây đều được bổ nhiệm năm 2013 và giữ chức vụ từ đó cho đến nay dù đã hết nhiệm kỳ từ tháng 4/2018. Thầy Lâm Thành Nghiệp – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Việc chậm trễ này có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Bản thân tôi cũng có sơ suất là không chú tâm nhiều đến công tác cán bộ”. Sau đó, thầy Nghiệp hoàn chỉnh đầy đủ hồ sơ bổ nhiệm theo quy định, gửi về Phòng GD&ĐT Ninh Hòa nhưng không thấy các cấp quản lý ra quyết định bổ nhiệm lại. 

Tương tự, trường hợp thầy Ngô Đình Hoành – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học – THCS Ninh Tây được bổ nhiệm phó hiệu trưởng từ năm 2002. 18 năm qua thầy chưa hề được bổ nhiệm lại lần nào. Quyết định đảm nhiệm chức Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học – THCS Ninh Tây của thầy Hoành dựa trên quyết định luân chuyển công tác vào năm 2013. 

Cấp dưới không sốt sắng, cấp trên cũng thờ ơ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng 67 hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, THCS ở Ninh Hòa (Khánh Hòa) vẫn tiếp tục làm công tác quản lý dù đã hết nhiệm kỳ. Trong số này, có 29 hiệu trưởng và 38 phó hiệu trưởng.

Giờ ra chơi của HS Trường Tiểu học Ninh Thủy.
Giờ ra chơi của HS Trường Tiểu học Ninh Thủy.

Bảo đảm quyền lợi nhà giáo

Ông Lê Quang Thạch – Trưởng phòng GD&ĐT Ninh Hòa thừa nhận: Để xảy ra sự việc chưa từng có này, lỗi trước hết thuộc về phòng GD&ĐT. Vốn là cán bộ của Phòng GD&ĐT Ninh Hòa, ông Thạch cho biết đã có góp ý với Trưởng phòng nhưng rồi sự việc không được giải quyết thấu đáo.  

“Vấn đề này xảy ra từ nhiều năm, qua nhiều thế hệ lãnh đạo. Năm 2018, khi được bổ nhiệm làm Trưởng phòng GD&ĐT, nhận thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề, tôi bắt đầu rà soát lại công tác cán bộ, trong đó có việc bổ nhiệm lại và luân chuyển cán bộ quản lý. Nhưng vì việc bổ nhiệm lại có nhiều vướng mắc, vượt quá khả năng và quyền hạn giải quyết nên phòng đã làm tờ trình xin chủ trương của UBND thị xã” – ông Thạch thông tin. 

Thế nhưng, sự việc cũng vượt quá thẩm quyền giải quyết của UBND thị xã Ninh Hòa. Với những trường hợp còn đủ tuổi bổ nhiệm hoặc thời gian chậm bổ nhiệm trễ từ 1 - 2 năm còn có hướng giải quyết. Với trường hợp thời gian tiến hành bổ nhiệm lại chậm hơn một nhiệm kỳ rất khó vì không biết căn cứ vào đâu để bổ nhiệm lại. Các quyết định bổ nhiệm lần đầu đã hết hạn nhiều năm nên không thể lấy đó làm căn cứ để tiến hành các thủ tục bổ nhiệm lại. Chưa kể không ít trường hợp thời gian công tác còn lại không đủ một nhiệm kỳ 5 năm để tiến hành bổ nhiệm lại. 

UBND thị xã Ninh Hòa đã làm tờ trình, xin chủ trương của UBND tỉnh về hướng giải quyết cho việc quên bổ nhiệm lại này. Theo đó, cho phép thị xã công nhận thời gian giữ chức vụ kể từ ngày hết thời hạn bổ nhiệm đến ngày 31/12/2020; bổ nhiệm lại hoặc kéo dài thời gian giữ chức vụ cho đến khi nghỉ hưu tính từ ngày 1/1/2021 với 55 trường hợp, gồm 27 hiệu trưởng và 28 hiệu phó. Riêng 12 trường hợp chưa đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện để bổ nhiệm lại chức vụ hiện giữ (do thiếu một trong các chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, trung cấp chính trị), UBND thị xã Ninh Hòa  lập danh sách riêng để xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh. 

Ông Lê Quang Thạch – Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Ninh Hòa: Dù hết thời gian đảm nhiệm chức vụ quản lý vì không có quyết định bổ nhiệm lại, thế nhưng, trên thực tế, các hiệu trưởng, phó hiệu trưởng này vẫn điều hành công việc bình thường, thực hiện tốt công tác chỉ đạo chuyên môn. Kết quả kiểm tra công tác tài chính cũng như các giao dịch liên quan đến Kho bạc Nhà nước không có sai phạm gì.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ