Tín dụng chính sách xã hội ‘bà đỡ’ giảm nghèo bền vững ở Vĩnh Phúc

GD&TĐ - Nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH đã trở thành “điểm tựa” vững chắc cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH thành phố Phúc Yên giải ngân vốn vay các chương trình chính sách giảm nghèo. Ảnh: Hà Trần
Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH thành phố Phúc Yên giải ngân vốn vay các chương trình chính sách giảm nghèo. Ảnh: Hà Trần

Chính sách nhân văn

Nguồn vốn chính sách thời gian qua tiếp tục phát huy hiệu quả, là động lực, điểm tựa vững chắc cho người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc vươn lên phát triển sản xuất, thoát nghèo, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) tỉnh Vĩnh Phúc, ngay từ đầu năm 2023, để thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển tải nguồn vốn tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn, đơn vị triển khai đồng bộ các chương trình, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng dư nợ tín dụng chính sách toàn tỉnh Vĩnh Phúc đạt hơn 4.269 tỷ đồng, tăng 548,5 tỷ đồng so với đầu năm, hoàn thành 97,58% kế hoạch tăng trưởng, chất lượng tín dụng chính sách từng bước được nâng lên, nợ quá hạn chiếm 0,17% tổng dư nợ.

Đặc biệt, với doanh số cho vay trên 975 tỷ đồng, từ đầu năm đến nay đã giúp 18.080 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay.

Qua đó, giúp giải quyết việc làm cho gần 9.000 lao động; cải tạo, xây dựng 14.106 công trình nước sạch và công trình vệ sinh môi trường nông thôn; 103 hộ được vay vốn xây dựng nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 100 của Chính phủ; 139 lao động được vay vốn xuất khẩu lao động; 543 hộ gia đình được vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ tại các Làng văn hóa kiểu mẫu; 28 hộ thuộc đồng bào dân tộc thiểu số là hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn từ nguồn UBND tỉnh ủy thác…

Với sự vào cuộc mạnh mẽ từ các cấp chính quyền và sự nỗ lực vươn lên của các hộ nghèo, đầu năm 2023, toàn tỉnh có 3.405 hộ nghèo đa chiều, chiếm 0,99% tổng số hộ dân toàn tỉnh; có 5.881 hộ cận nghèo, chiếm 1,71% tổng số hộ dân. Phấn đấu cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm còn 0,7%.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm từ 0,3 - 0,5%.

Đến cuối năm 2025, tỷ hộ nghèo đa chiều trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu còn dưới 0,5%, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao.

Gia đình ông Nguyễn Hồng Thái, tổ dân phố Bầu Mới, thị trấn Hợp Hòa (Tam Dương) được vay vốn để đầu tư chăn nuôi bò, cho hiệu quả kinh tế khá. Ảnh: Thiệu Vũ

Gia đình ông Nguyễn Hồng Thái, tổ dân phố Bầu Mới, thị trấn Hợp Hòa (Tam Dương) được vay vốn để đầu tư chăn nuôi bò, cho hiệu quả kinh tế khá. Ảnh: Thiệu Vũ

Những điển hình thoát nghèo

Gia đình ông Nguyễn Hồng Thái là thành viên của Tổ Tiết kiệm và vay vốn TDP Bầu Mới, thị trấn Hợp Hòa được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH huyện Tam Dương. Trước kia, gia đình ông Thái chủ yếu chăn nuôi lợn, nhưng sau khi đàn lợn bị thiệt hại nặng nề do dịch tả châu Phi, ông Thái quyết định chuyển hướng phát triển kinh tế sang chăn nuôi bò.

Năm 2022, gia đình ông đã được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện, từ nguồn vốn này ông đã mua được 2 con bò giống, hiện tại, đàn bò của gia đình ông Thái có 6 con (cả bò nái và bò thịt). Theo ông Thái, nuôi bò ít bệnh tật hơn, giá cả lại ổn định, mỗi năm ông xuất bán được 4 con với mức giá 30 triệu đồng/1 con. Ngoài nuôi bò, ông vẫn duy trì đàn lợn bột gần 20 con, chạy chợ và làm máy xay xát.

Hay như tấm gương vượt khó từ nguồn vốn vay ưu đãi của gia đình anh Đặng Văn Thanh, ở thôn Tân Cương xã Ngọc Mỹ huyện Lập Thạch cũng là một trong những tấm gương vượt khó vươn lên làm giàu từ nguồn vốn vay ưu đãi. Anh Thanh cho biết, gia đình anh có nuôi lợn nái, lợn thịt nhưng hoạt động còn nhỏ lẻ nên quanh năm chỉ đủ ăn, không có tích lũy.

Vì thế anh tâm niệm phải cố gắng làm giàu bằng cách mở rộng chuồng trại chăn nuôi. Nhờ sự giúp đỡ của anh em, họ hàng cùng vốn vay giải quyết việc làm là 50 triệu đồng của Ngân hàng CSXH huyện Lập Thạch, năm 2019, anh đầu tư xây dựng trang trại nuôi lợn thịt, mỗi năm xuất bán được hơn 50 tấn lợn thịt.

Nguồn vốn vay ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách thông qua Ngân hàng CSXH đã khắc phục tình trạng thiếu vốn sản xuất, tạo việc làm ở nông thôn, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo; đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn không ngừng được nâng lên; góp phần đẩy lùi tệ nạn tín dụng đen vùng nông thôn; an ninh chính trị và trật tự xã hội được giữ vững.

Việc triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng CSXH không chỉ giúp đời sống vật chất và tinh thần người dân vùng nông thôn ngày càng được cải thiện, kinh tế khu vực nông thôn phát triển nhanh mà còn thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo bền vững, “không để hộ nghèo nào bị bỏ lại phía sau”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.

vay vốn kinh doanh Thẻ vay tín dụng là gì