Nuôi bò để thoát cái nghèo trên cao nguyên đá

GD&TĐ - Tập trung phát triển chăn nuôi bò đã mở hướng thoát nghèo cho nhiều hộ nông dân trên vùng Cao nguyên đá Hà Giang.

Từ số tiền hỗ trợ, gia đình ông Vừ Sính Chá, thôn Đoàn Kết, xã Sủng Là (Đồng Văn) đã phát triển chăn nuôi bò sinh sản. Ảnh: My Ly
Từ số tiền hỗ trợ, gia đình ông Vừ Sính Chá, thôn Đoàn Kết, xã Sủng Là (Đồng Văn) đã phát triển chăn nuôi bò sinh sản. Ảnh: My Ly

Con bò vàng trên miền đá xám

Giống bò vàng vùng Cao nguyên đá Hà Giang hay còn gọi là bò Mông được nuôi dưỡng từ lâu đời, có sức chống chịu tốt với các điều kiện khắc nghiệt của khí hậu và dịch bệnh.

Giống bò này có nguồn gen đặc hữu, rất quý, có khả năng chịu lạnh, chịu kham khổ, sức đề kháng tốt, thể trạng to lớn, cho năng suất thịt cao, chất lượng thịt thơm ngon.

Tổng đàn bò vàng tại Hà Giang lên đến trên 110.000 con. Con bò vàng đã gắn bó mật thiết, lâu đời với bà con ở 4 huyện vùng cao nguyên đá gồm Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ.

Nếu như ở miền xuôi, “con trâu là đầu cơ nghiệp”, còn với người nông dân trên Cao nguyên đá thì con bò vàng biểu trưng cho sức mạnh, vị thế và sự giàu có của gia chủ.

Ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Giang cho biết, với sức vóc to lớn, trọng lượng bò đực trưởng thành có thể đạt trên 500kg, cá biệt có con nặng gần 800kg. Bò vàng cho năng suất thịt tốt, đạt tỷ lệ thịt xẻ từ 50 đến trên 52%. Thịt bò có đặc điểm mềm và thơm ngon hơn so với nhiều loại thịt bò khác, có hàm lượng dinh dưỡng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng…

Ở Hà Giang, việc nuôi bò “trên lưng” đã trở thành thương hiệu của mảnh đất cao nguyên đá. Giữa vùng đá núi với đặc điểm tự nhiên 3/4 diện tích là đá, địa hình chia cắt, thiếu đất canh tác và không thể chăn thả, người dân chỉ còn cách nuôi bò nhốt chuồng.

Để nuôi được bò, hằng ngày người dân phải đi bộ nhiều giờ đồng hồ treo mình nơi triền đá, vực sâu, lượm từng ngọn cỏ, đùm lá rồi gùi trên lưng về làm thức ăn cho bò. Cùng vì nguồn thức ăn hoàn toàn tự nhiên là yếu tố quan trọng giúp sản phẩm thịt bò vàng thơm ngon và dần khẳng định được thương hiệu.

Do đó, thịt bò vàng được nhiều chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi đánh giá cao về chất lượng; năm 2019, sản phẩm thịt bò vàng được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên kết, chế biến tiêu thụ sản phẩm thịt bò.

Giải ngân nguồn vốn của trung ương thực hiện dự án nuôi bò sinh sản luân chuyển tại xã Ngam La (Yên Minh). Ảnh: Phạm Hoan

Giải ngân nguồn vốn của trung ương thực hiện dự án nuôi bò sinh sản luân chuyển tại xã Ngam La (Yên Minh). Ảnh: Phạm Hoan

Phát triển thương hiệu bò vàng Hà Giang

Đồng Văn là huyện có tổng lượng đàn bò lớn của tỉnh Hà Giang. Theo ngành Nông nghiệp huyện, tổng đàn bò duy trì thường xuyên trên 23.000 con, chủ yếu chăn nuôi theo quy mô nông hộ với trên 12.300 hộ, trung bình từ 1-3 con/hộ.

Nhiều năm qua, trên địa bàn huyện Đồng Văn đã xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình phát triển kinh tế mới, hiệu quả của hội viên nông dân. Trong đó, có thể kể đến mô hình nuôi bò vỗ béo theo hình thức luân chuyển được thực hiện tại xã Sủng Là, đây là mô hình mang lại hiệu quả thiết thực.

Toàn xã Sủng Là có 12 hộ được hỗ trợ theo chương trình của Hội Nông dân huyện. Theo đó, mỗi hộ được hỗ trợ 10 triệu đồng để mua bò và nuôi luân chuyển trong thời gian 2 năm. Năm 2021, gia đình ông Vừ Sính Chá, thôn Đoàn Kết được Hội Nông dân huyện hỗ trợ 10 triệu đồng, cùng với số tiền tiết kiệm được, ông Chá mua 1 con bò cái, đến nay đã sinh được 1 bê con.

Ông Chá cho biết: Hiện, nếu bán bê con, tôi đã có thể trả được hết số nợ vay mua bò mẹ. Nhưng là bê cái nên tôi vẫn giữ lại để nhân rộng số lượng đàn. Sau 2 năm khi đến hạn xoay vòng vốn cho hộ khác, gia đình cũng đã có số vốn ổn định để tiếp tục duy trì đàn bò. Đây là số vốn không nhiều, không mang lại thu nhập nhanh, nhưng ổn định và là động lực để các hộ nông dân nghèo như chúng tôi nỗ lực, cố gắng vươn lên phát triển kinh tế để thoát nghèo, không trông chờ, ỉ lại.

Trong những năm qua, khi tỉnh Hà Giang triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), từ năm 2018 đến nay, bò vàng đã trở thành sản phẩm OCOP đặc thù của bà con dân tộc thiểu số 4 huyện vùng cao nguyên đá và của tỉnh Hà Giang.

Đặc biệt, từ khi được cấp Chỉ dẫn địa lý, sản phẩm bò vàng của Hà Giang không ngừng được nâng cao giá trị cũng như tạo dựng được thương hiệu trên thị trường trong nước.

Với giá bán thịt bò tươi bình quân hiện nay từ 450 đến 550 nghìn đồng/kg (tùy loại thịt), có thời điểm trên 600 nghìn đồng/kg (thịt bò khô dao động từ 1.100 - 1.300 đồng/kg), nghề chăn nuôi bò vàng đã góp phần nâng cao thu nhập, tạo tiền đề thúc đẩy quá trình xóa đói giảm nghèo đối với đồng bào các dân tộc tại các huyện đã được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bò vàng.

Thời gian tới, tỉnh Hà Giang tiếp tục hỗ trợ xây dựng đa dạng các sản phẩm từ thịt bò vàng gắn với thị trường tiêu thụ, từng bước hình thành chuỗi giá trị sản phẩm, giúp người chăn nuôi yên tâm gắn bó, góp phần bảo tồn nguồn gen quý, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ