Đòn bẩy giúp nông dân thoát nghèo, làm giàu bằng nghề trồng cây cảnh

GD&TĐ - Thay vì trồng cây nông nghiệp thông thường, nhiều hộ dân xã Đức Bác (Sông Lô, Vĩnh Phúc) đã chuyển sang trồng hoa, cây cảnh mang lại thu nhập cao.

Nghề trồng hoa, cây cảnh tại Đức Bác tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương. Ảnh: Chu Kiều
Nghề trồng hoa, cây cảnh tại Đức Bác tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương. Ảnh: Chu Kiều

Xứng danh làng nghề

Đức Bác hôm nay phát triển không thua kém gì những thị trấn, thị tứ với những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, xe cộ đi lại tấp nập, giao thương phát triển, đời sống của người dân được nâng lên đáng kể. Có được kết quả ấy, không thể không nói đến những đóng góp của nghề trồng hoa, cây cảnh.

Trước đây, Đức Bác được biết đến là xã còn nhiều khó khăn của huyện Sông Lô, sản xuất nông nghiệp dựa chủ yếu vào các cây trồng truyền thống như ngô, lúa…Với mong muốn thoát nghèo, một số người dân nơi đây đã tìm tòi và tham gia buôn bán gốm sứ Bát Tràng. Trong quá trình giao lưu, buôn bán được tiếp xúc với các địa phương như: Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên... là những địa phương có nghề trồng hoa cây cảnh phát triển.

Qua quá trình tiếp xúc, tìm hiểu, học hỏi, một số người dân đem một số loài hoa như: hồng, lay ơn, hoa giấy...để trồng thử nghiệm.

Nếu như ban đầu, nghề trồng hoa, cây cảnh ở Đức Bác chỉ có khoảng 20 - 30 hộ, đến nay nghề này đã có bước phát triển mạnh. Đặc biệt, vài năm gần đây, các hộ làm nghề tăng lên nhanh chóng.

Từ số hộ và diện tích trồng hoa cây cảnh ban đầu nhỏ lẻ, toàn xã hiện có trên 400 hộ làm nghề, với diện tích trồng hoa cây cảnh trên 40ha. Trong đó, tập trung chủ yếu ở xóm Khoái. Cuối năm 2022 vừa qua, làng hoa, cây cảnh xóm Khoái đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc công nhận là Làng nghề trồng hoa cây cảnh.

Gia đình anh Lê Khắc Hanh thôn Khoái Thượng, xã Đức Bác là một trong những hộ không ngừng mở rộng quy mô, đưa sản phẩm của làng nghề hoa cây cảnh Đức Bác vươn tới nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, thu về khoản lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Anh Hanh cho biết, năm 2005 anh bắt đầu trồng hoa cây cảnh với diện tích ban đầu vỏn vẹn 5 sào, trồng một số loại cây như hoa cúc, đinh lăng…

Nghề trồng hoa, cây cảnh có sức hấp dẫn đặc biệt với anh Hanh, càng làm càng ham. Năm 2016, nhận thấy sự thay đổi của nhu cầu thị trường, anh thuê thêm 1 mẫu ruộng, đầu tư gần 300 triệu đồng mua cây giống, chuyển toàn bộ diện tích sang trồng hoa hồng với đủ các loại giống như hồng cổ sapa, hồng bạch, hồng đào cổ, hồng leo Hải Phòng… May mắn, ngay năm đầu tiên, cho thu về hơn 800 triệu đồng. Không chỉ thu hồi toàn bộ số vốn bỏ ra mà còn bắt đầu có lãi.

Đặc biệt, từ năm 2021, anh mở rộng diện tích vườn lên 4 ha, cung ứng ra thị trường hàng trăm loại cây khác nhau; tập trung vào một số cây trồng thế mạnh như mẫu đơn, mộc, trà, nguyệt quế, hoa giấy… Với bước chuyển này, năm 2022, sau khi trừ chi phí, anh Hanh thu lãi hơn 500 triệu đồng.

Anh Lê Khắc Hanh, thôn Khoái Thượng, xã Đức Bác làm giàu từ trồng cây cảnh. Ảnh: Thế Hùng

Anh Lê Khắc Hanh, thôn Khoái Thượng, xã Đức Bác làm giàu từ trồng cây cảnh. Ảnh: Thế Hùng

Đưa nông sản lên mạng xã hội

Mặc dù đã và đang đem lại giá trị kinh tế cao, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, song từ đầu năm đến nay, người trồng hoa cây cảnh ở xã Đức Bác cũng đang phải đối mặt với những khó khăn từ thị trường, khi lượng tiêu thụ dần chậm lại, giá cả đi xuống.

Trước tình hình đó, nhiều hộ đã đẩy mạnh tiêu thụ thông qua mạng xã hội, đặc biệt là trên nền tảng tiktok với hình thức bán hàng livestream.

Anh Lê Khắc Hanh chia sẻ: Hình thức bán hàng online giúp chúng tôi dễ dàng tiếp cận với khách hàng ở mọi miền Tổ quốc, tăng lượng tiêu thụ, không mất chi phí thuê mặt bằng, hạn chế sự phụ thuộc vào thương lái.

Năm 2023, thị trường truyền thống gặp nhiều khó khăn, giá cả đi xuống, tiêu thụ chậm lại, song nhờ đẩy mạnh việc bán hàng online nên việc kinh doanh hoa, cây cảnh của gia đình và các hộ trong xã vẫn phát triển tốt.

Không chỉ tập trung trồng hoa, cây cảnh, khi xu thế du lịch nông nghiệp bắt đầu nổi lên, anh Hanh đã mạnh dạn đầu tư gần 3 tỷ đồng trồng 10.000 m2 nho các loại gồm: Nho hạ đen, nho sữa Hàn Quốc và nho hồng ngọc. Đồng thời, mở cửa vườn cho du khách đến tham quan trải nghiệm, hái và mua nho tại vườn.

Bên cạnh nỗ lực của các hộ gia đình, thời gian qua, Hội Nông dân xã đã kết nối với Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại phân bón Phú Điền, Công ty cổ phần tập đoàn Quế Lâm hỗ trợ bà con về phân bón dành riêng cho hoa cây cảnh; nhận ủy thác với ngân hàng CSXH cho các hội viên vay vốn tổng dư nợ hơn 10 tỷ đồng để phát triển kinh tế.

Đặc biệt, thực hiện Đề án thí điểm xây dựng mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu tại thôn Khoái Trung, đã có 22 hộ trồng hoa cây cảnh được xét duyệt và giải ngân vay vốn từ ngân hàng CSXH theo Nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ thực hiện xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu với số vốn 3,5 tỷ đồng. Đây đều là những hỗ trợ thiết thực, góp phần quan trọng giúp các hộ làm nghề trồng hoa, cây cảnh vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, thoát nghòe và vươn lên làm giàu chính đáng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cha mẹ có thể để trẻ bình tĩnh rồi nói chuyện. Ảnh minh họa

Làm gì khi con hay giận dỗi?

GD&TĐ - Trẻ nhỏ thường giận dỗi, buồn rầu vì không thể nói ra được nỗi bực bội của mình hoặc chưa được đáp ứng mong muốn nào đó.