Vĩnh Phúc nỗ lực cải cách hành chính phục vụ hiệu quả người dân, doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nỗ lực cải cách hành của các Sở, ngành, địa phương đã đem lại nhiều kết quả tích cực, đóng góp quan trọng cho phát triển KT-XH của Vĩnh Phúc.

Vĩnh Phúc nỗ lực cải cách hành chính phục vụ hiệu quả người dân, doanh nghiệp.
Vĩnh Phúc nỗ lực cải cách hành chính phục vụ hiệu quả người dân, doanh nghiệp.

Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Những kết quả tích cực

Năm 2022, Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR INDEX) của Vĩnh Phúc đạt 87,45 điểm, xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố và xếp thứ 4/11 tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Hồng, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.

Đây là minh chứng cho thấy sự nỗ lực, quyết tâm của Vĩnh Phúc trong chỉ đạo thực hiện công tác cải cách hành chính nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, ông Trần Văn Hòa - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Vĩnh Phúc cho biết: Để đạt được những kết quả trên, tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc đã xây dựng và phát triển chính quyền số, chuyển đổi số; cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Vĩnh Phúc cũng cho biết thêm: Trong 10 tháng năm 2023 tỉnh Vĩnh Phúc đã sửa đổi, bổ sung bãi bỏ hoặc ban hành theo thẩm quyền 86 thủ tục hành chính; Rút ngắn tối thiểu 20% thời hạn giải quyết 825 thủ tục hành chính có thời hạn giải quyết trên 10 ngày làm việc, như: Cắt giảm thời gian giải quyết TTHC lĩnh vực thi đua khen thưởng từ 25 ngày xuống còn 12 ngày, giảm 13 ngày so với quy định của Trung ương; Thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư, thời gian theo quy định của Trung ương là 15 ngày, Vĩnh Phúc còn 11 ngày; Thủ tục thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư theo Trung ương quy định là 40 ngày, Vĩnh Phúc còn 36 ngày…; tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính trước và đúng hạn cấp tỉnh đạt gần 96%.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Văn Hoà phát biểu tại Hội nghị triển khai giải pháp nâng cao Chỉ số cải cách hành chính, chỉ số Hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2023.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Văn Hoà phát biểu tại Hội nghị triển khai giải pháp nâng cao Chỉ số cải cách hành chính, chỉ số Hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2023.

Về cải cách tổ chức bộ máy, UBND tỉnh quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 4 sở, ngành; quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn 11 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các sở, ngành; Sắp xếp kiện toàn lại cơ cấu tổ chức của 7 đơn vị sự nghiệp công lập; Thành lập mới 2 Trung tâm Hỗ trợ giáo dục phát triển hòa nhập. Về tinh giản biên chế, trong 10 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh cắt giảm 19 chỉ tiêu công chức (tỷ lệ 1,2%); 649 chỉ tiêu viên chức (tỷ lệ 2,8%).

Trong xây dựng chính quyền số, bắt đầu từ 1/6/2023, tất cả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh được số hóa. Hết tháng10/2023, có 20,82% hồ sơ cấp tỉnh, 91,86% hồ sơ cấp huyện, cấp xã (trung bình cả tỉnh là 54,57%) nộp trực tuyến trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh; hơn 10 nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng các nền tảng số trong quản lý, điều hành, sản xuất kinh doanh.

Thành lập 1.240 Tổ công tác đề án 06 và Chuyển đổi số với 9.880 thành viên. Gồm lực lượng chủ chốt là đoàn viên thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân; cán bộ của Bưu điện tỉnh, Viettel tỉnh Vĩnh Phúc. Thúc đẩy thí điểm chuyển đổi số toàn diện tại một số đơn vị cấp xã trên địa bàn tỉnh.

Do thực hiện tốt công tác cải cách hành chính đã góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2023.

10 tháng năm 2023, toàn tỉnh đã thu hút được 65 dự án FDI (24 dự án cấp mới, 41 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt 557,73 triệu USD, tăng 78,48% so với cùng kỳ; 29 dự án DDI (13 dự án cấp mới, 16 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt 21,28 nghìn tỷ đồng, tăng 115,49%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đến 15/10 đạt 21.800 tỷ đồng, đạt 67,3% dự toán giao đầu năm, trong đó thu nội địa đạt 17.900 tỷ đồng.

Nỗ lực vì người dân, doanh nghiệp

Ông Trần Văn Hòa - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Vĩnh Phúc trăn trở: Mặc dù Vĩnh Phúc là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số PAR INDEX, song vẫn còn một số chỉ số đánh giá còn thấp như chỉ số hài lòng về tiếp cận dịch vụ, mức độ hài lòng đối với công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa… cần được nỗ lực cải thiện.

Nhất là trong tình hình hiện nay, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách thủ tục hành chính đối với tỉnh Vĩnh Phúc càng trở nên quan trọng, cần thiết, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư…

Người dân, doanh nghiệp tới Trung tâm PVHC công tỉnh Vĩnh Phúc giải quyết TTHC.

Người dân, doanh nghiệp tới Trung tâm PVHC công tỉnh Vĩnh Phúc giải quyết TTHC.

Từ thực tế trên, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Vĩnh Phúc Trần Văn Hòa đã khẳng định, Vĩnh Phúc quyết tâm duy trì thứ hạng cải cách hành chính trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Để hiện thực hóa mục tiêu này, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các ngành, địa phương nghiêm túc đánh giá tình hình thực hiện cải cách hành chính, rà soát, phân tích, chấn chỉnh, khắc phục những thiếu sót, hạn chế trong quá trình tham mưu thực hiện.

Tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền quản lý thực hiện rà soát, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch cải cách hành chính năm 2023 của UBND tỉnh. Phấn đấu, hoàn thành 100% nhiệm vụ được giao; đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bên trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức, văn hóa công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm công vụ và vi phạm pháp luật theo quy định.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, hướng tới phi địa giới hành chính trên môi trường điện tử và đa dạng hóa phương thức tiếp nhận.

Đa dạng hóa cách thức truyền thông, đảm bảo 100% cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân được tiếp cận các thông tin về cải cách hành chính, đặc biệt là những hiệu quả tích cực mà cải cách hành chính mang lại.

Thời gian tới, Vĩnh Phúc tiếp tục triển khai các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số; duy trì, phát triển ứng dụng đồng bộ, hiệu quả các phần mềm dùng chung của tỉnh, bảo đảm hiện đại, an toàn, an ninh thông tin. Trong đó tập trung triển khai các nhiệm vụ chưa đạt so với mục tiêu đề ra.

Thực hiện tốt các nội dung đánh giá Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) do Trung ương đánh giá tỉnh. Đồng thời thực hiện công tác đánh giá Chỉ số cải cách hành chính đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ