Tuy nhiên, vì các điều kiện khác nhau nên mức độ xây dựng và phát triển vốn tài liệu và nguồn lực thông tin ở các trường ĐH ở Việt Nam hiện nay vẫn còn chưa đồng đều.
Hoạt động của thư viện ĐH trong công cuộc đổi mới giáo dục ĐH hiện nay
Theo số liệu điều tra của Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2015: có 12 thư viện có diện tích trên 5.000 m2. Thư viện Tạ Quang Bửu (ĐH Bách Khoa Hà Nội) có diện tích rộng nhất: 18.000 m2 sử dụng. Số lượng máy tính trong các thư viện cũng không ngừng phát triển.
Trung tâm học liệu Cần thơ hiện đang dẫn đầu về số lượng với 522 máy tính được nối mạng Internet, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào các quy trình quản lý, hoạt động nghiệp vụ và phục vụ độc giả. Có 7 thư viện trong số các thư viện cung cấp thông tin có số lượng máy tính từ 200 máy tính trở lên.
Nhiều trường đã xây dựng được nguồn học liệu phong phú, bao gồm: sách giáo khoa, giáo trình, các tài liệu tham khảo, các luận án, luận văn, công trình nghiên cứu… về các lĩnh vực tri thức và các ngành trong chương trình đào tạo của nhà trường thư viện ĐH đã cung cấp cho sinh viên, người học và nghiên cứu sinh những phương tiện để thực hiện việc học và nghiên cứu.
Bằng hoạt động thực tế, thư viện sẽ tham gia vào làm thay đổi phương pháp giảng dạy và học tập ở trường ĐH.
Thư viện đã trở thành nơi cung cấp thông tin, tạo điều kiện cho người đọc phát triển toàn diện góp phần giúp nhà trường hoàn thành sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Tuy nhiên, vì các điều kiện khác nhau mức độ xây dựng và phát triển vốn tài liệu và nguồn lực thông tin ở các trường ĐH ở Việt Nam hiện nay chưa đồng đều.
Một số nguyên nhân, hạn chế của thư viện ĐH hiện nay
Mặc dù đã có quy định của Bộ GD&ĐT về thư viện, một yếu tố không thể thiếu trong các cơ sở giáo dục ĐH. Trong quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường ĐH, thư viện là một tiêu chí và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quy chế mẫu về tổ chức hoạt động thư viện ĐH nhưng những quy định chưa đưa ra các tiêu chuẩn và định mức cụ thể nên việc thực hiện cũng còn có những khó khăn. Có không ít trường thực hiện mang tính đối phó.
Trong những năm qua nhiều thư viện ĐH có sự phát triển về nhiều mặt nhưng vẫn còn không ít thư viện còn chưa xây dựng trụ sở khang trang, thư viện được đặt trong phòng như kho chứa, vốn tài liệu còn nghèo, giáo trình, tài liệu tham khảo chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng.
Cũng còn tình trạng do thiếu nhân lực, một người kiêm nhiệm nhiều công việc nên hiệu quả phục vụ người đọc chưa cao. Vẫn còn có một số cán bộ thư viện thụ động, chưa thật nhiệt tình với công việc, trình độ công tác chưa đảm bảo.
Theo báo cáo của Vụ Thư viện, Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Nguyên nhân còn tồn tại tình trạng trên do đầu tư cho thư viện ĐH và CĐ còn hạn chế. Có một số trường gần như thư viện không được cấp kinh phí bổ sung tài liệu, hầu hết vốn tài liệu thư viện phát triển nhờ xã hội hóa.
Ngay trong nhóm thư viện thuộc khối ĐH Quốc gia, Trung tâm học liệu cũng có đơn vị còn gặp nhiều khó khăn như Trung tâm học liệu ĐH Huế do cần phải cân đối thu chi, thực hiện tự chủ 50%.
Hơn nữa, nhận thức của lãnh đạo một số trường hoạt động thư viện chưa đúng mức. Có trường khoán thu cho thư viện quá cao, dẫn đến tình trạng thư viện không đủ ngân sách để hoạt động. Có trường do thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã giảm biên chế thư viện, dẫn đến việc đưa thư viện đang từ một đơn vị trực thuộc ban giám hiệu trở thành một tổ trực thuộc phòng. Tình trạng trường có tới hàng chục nghìn sinh viên chỉ có 2-3 nhân viên thư viện vẫn còn tồn tại.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ thư viện ĐH và CĐ chưa được chú trọng và thực hiện thường xuyên; Chế độ chính sách dành cho người làm công tác thư viện trong các trường ĐH, CĐ chưa thực sự được bảo đảm.
Vẫn còn có sự cách biệt lớn giữa giảng viên với cán bộ thư viện trong nhiều trường. Tại nhiều thư viện ĐH, CĐ cán bộ thư viện vẫn chưa được hưởng chế độ độc hại; bản thân cán bộ thư viện một số trường ĐH, CĐ chưa thật sự cố gắng và có ý thức học hỏi, nâng cao trình độ.
Giải pháp khắc phục trong giai đoạn tới
Để khắc phục những vướng mắc nêu trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ GD&ĐT đã phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng các văn bản hướng dẫn về hoạt động thư viện ĐH và chế độ báo cáo thống kê.
Trong công tác kiểm tra, đánh giá các hoạt động thư viện mang tính định kỳ; trong các hoạt động để cán bộ thư viện ĐH có thêm cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao trình độ, kinh nghiệm để triển khai các cộng việc hiệu quả hơn; Điều tiết, chia sẻ nguồn lực thông qua sự phối hợp giữa hệ thống thư viện công cộng, thư viện bộ, ngành và thư viện ĐH, CĐ.
Tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa thư viện, xây dựng thư viện điện tử phát triền nguồn tài nguyên số, tăng cường nguồn học liệu mở; đẩy mạnh chia sẻ hợp tác giữa các thư viện ĐH, CĐ và với các thư viện công cộng, thư viện bộ ngành để tăng cường nguồn lực, triển khai mượn liên thư viện một cách rộng rãi; dịch vụ cung cấp thông tin qua mạng; hướng dẫn học tập nghiên cứu theo chủ đề trong các thư viện ĐH, CĐ; tăng cường công tác đào tạo người dùng tin.
Cán bộ thư viện phối hợp với giảng viên trang bị kiến thức thông tin cho sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh; nâng cao trình độ cán bộ quản lý và nhân viên trong các thư viện ĐH, CĐ.
Với các nhà trường, nhiều trường đã đưa ra giải pháp tăng cường nguồn nhân lực, bổ sung nguồn lực thông tin tư liệu, nhất là nguồn tài liệu điện tử, thông qua trao đổi cơ sở dữ liệu thư mục, cơ sở dữ liệu toàn văn, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, tham gia Liên hợp thư viện Việt Nam.
Nhìn chung diện bổ sung của các thư viện ĐH đã gắn với chương trình và trình độ đào tạo của nhà trường, đặc biệt chú ý tới các giáo trình và tài liệu tham khảo phục vụ cho đào tạo và nghiên cứu của các trường.
Ngoài ra để làm phong phú thêm nguồn lực thông tin của mình, nhiều thư viện đã chủ động khai thác các nguồn thông tin miễn phí đó. Đó là sách báo thông tin các loại dưới dạng chế bản điện tử thuộc về sở hữu của thư viện, hoặc một cơ quan, tuy nhiên bạn đọc có thể truy cập vào lấy tin miễn phí thông qua Internet.
Để thư viện trường ĐH, CĐ thật sự là giảng đường thứ hai của giảng viên, sinh viên, giúp người dạy, người học, người nghiên cứu có môi trường học liệu phong phú, đa dạng, đáp ứng yêu cầu, đáp ứng được mục tiêu của Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã đề ra: “Đổi mới giáo dục ĐH tập trung đào tạo nhân lực có trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển phẩm chất và năng lực tự học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo của người học”, cần có biện pháp đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả của thư viện ĐH nhằm góp phần tích cực cho đổi mới căn bản toàn diện ĐH Việt Nam cần có những quy định, tiêu chuẩn, chuẩn nghiệp vụ cần được xây dựng; các yêu cầu đặt ra với thư viện ĐH, CĐ trong giai đoạn tới và đề xuất về các yếu tố đảm bảo cho hoạt động thư viện: Cơ chế chính sách đầu tư, trình độ cán bộ, sự chia sẻ hợp tác giữa các thư viện; các biện pháp đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút đầu tư cho thư viện ĐH; vấn đề quản lý nhà nước về thư viện ĐH, trách nhiệm của các cấp quản lý.
Kết quả điều tra tại các trường ĐH và CĐ cho thấy chỉ có 20% thư viện đánh giá kinh phí đáp ứng tốt hoạt động, 33% thư viện đánh giá đáp ứng được 70%; 33% thư viện đánh giá đáp ứng được 50% và 14% thư viện đánh giá là chưa đáp ứng được hoạt động của thư viện.