Đa dạng thông tin trong môi trường số

GD&TĐ - Ngày nay, công nghệ số phát triển mạnh, nhiều thư viện truyền thống trước đây trở thành các Trung tâm thông tin thư viện với môi trường số hay môi trường điện tử cho phép người người dùng tin truy cập nguồn tài nguyên thông tin của thư viện thông qua các phương tiện điện tử như Internet, mạng xã hội. 

Thư viện HUTECH ấn tượng với phong cách hiện đại trẻ trung (Ành Internet)
Thư viện HUTECH ấn tượng với phong cách hiện đại trẻ trung (Ành Internet)

Các sản phẩm, dịch vụ thông tin thư viện ngày càng tiến gần hơn với người sử dụng và thư viện không ngừng nâng cấp, cải thiện để phục vụ khách hàng một cách tốt nhất. Việc đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ thông tin trong môi trường số là một trong những mục tiêu quan trọng của các thư viện đại học hiện nay.

Tác động của môi trường truyền thông số đến thư viện

Theo tiến sĩ Huỳnh Mẫn Đạt, khoa Thông tin Thư viện, Trường ĐH Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh: Môi trường số ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của thư viện thông qua các sản phẩm và dịch vụ thông tin. Với phương châm đưa thông tin nhanh nhất, chinh xác nhất, tối ưu nhất và thủ tục đơn giản nhất với thời gian và chi phí ít nhất đến người sử dụng.

Vì vậy thư viện các trường ĐH cần đầu tư một cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin hiện đại đảm bảo hoạt động 24/ngày, 7 ngày/tuần, với đường truyền Internet tốc độc cao, đảm bảo cho người sử dụng có thể khai thác các nguồn thông tin có trong cũng như ngoài thư viện.

Môi trường số đang tạo cho các thư viện trong nước cũng như trên thế giới xích lại gần nhau hơn, mở ra khả năng các thư viện có thể liên kết chia sẻ các hoạt động với nhau. Đặc biệt trong môi trường số các sản phẩm dịch vụ thông tin sẽ có cơ hội đến với người sử dụng nhanh nhất, rút ngắn khoảng cách về không gian cũng như thời gian, tạo ra khả năng kiểm soát các sản phẩm và dịch vụ thông tin một cách hiệu quả.

Thư viện các trường ĐH đang tăng cường số hóa kho tài liệu của mình, chuyển từ tài liệu giấy sang tài liệu số, từ đây kho tài liệu trở nên vô hạn vì chúng ta có thể cung cấp cho người sử dụng khai thác các sản phẩm và dịch vụ thông tin thông qua mạng Internet, cách thức cung cấp rất thuận lợi cho người sử dụng.

Trong môi trường số, tùy thuộc vào khả năng cung cấp sản phẩm và dịch vụ mà không bị giới hạn bởi không gian và thời gian mở rộng dịch vụ trên toàn thế giới.

Trong môi trường số người sử dụng có thể tương tác với nhau, chia sẻ những thông tin có liên quan với nhau nhằm tạo cho mình một kết quả thỏa mãn nhất thông qua các diễn đàn Facebook, blog… môi trường số làm tăng tính dân chủ của người sử dụng, thông tin phản hồi sẽ đến với nhà cung cấp, nhanh hơn, từ đây thư viện có điều kiện hoàn thiện mình tốt hơn nhằm cung cấp các sản phẩm và dịch vụ thông tin cho người sử dụng được tốt hơn.

Tài chính là một vấn đề của thư viện, hiện nay các thư viên hầu như tài chính đều có hạn. Số hóa tài liệu là một phương pháp tối ưu, vừa tiết kiệm cho thư viện và cũng vừa tiết kiệm cho người sử dụng, nếu sản phẩm và dịch vụ thông tin đa dạng, được nhiều người sử dụng thì giá thành sẽ giảm, rất có lợi cho người sử dụng.

Các thư viện cần xây dựng các cổng thông tin điện tử

Để quảng bá các sản phẩm và dịch vụ thông tin của thư viện mình. Theo tiến sĩ Huỳnh Mẫn Đạt, khoa Thông tin Thư viện, Trường ĐH Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh: Trước hết thư viện cần xây dựng cổng thông tin điện tử cho thư viện của mình. Đây là đầu mối cung cấp thông tin cho người sử dụng.

Tại đây người sử dụng có thể tìm kiếm bất kỳ một sản phẩm hoặc 1 dịch vụ nào thư viện có, nếu những sản phẩm dịch vụ thông tin tại thư viện của bạn chưa có thì “khách hàng” có thể tìm kiếm ở đâu, các chỉ dẫn cũng như các đường link liên kết sẽ giải quyết vấn đề này.

Các thư viện đại học cần xây dựng 1 hệ thống mục lục trực tuyến (OPAC) để người sử dụng có thể truy cập và tìm kiếm thông tin mọi lúc, mọi nơi. Chúng ta cần xây dựng OPAC thân thiện với người sử dụng, người sử dụng có thể tìm kiếm thông tin theo nhiều tiêu chí khác nhau cũng như các điểm truy cập khác nhau, có thể tìm cơ bản, tìm nâng cao, tìm kiếm theo chủ để.

Các thư viện cần xây dựng cho thư viện mình bản tin điện tử để giới thiệu lên website của thư viện, đồng thời phải cập nhật thường xuyên các thông tin, các tài liệu cũng như các dịch vụ và sản phẩm thông tin mới.

Xây dựng cơ sở dữ liệu toàn văn là 1 trong những yêu cầu bắt buộc cần phải có trong môi trường thư viện số, nguồn học liệu số này sẽ có sách điện tử, luận văn, luận án, các tạp chí toàn văn và đặc biệt là các cơ sở dữ liệu trực tuyến hàng đầu của thế giới.

Tài liệu nội sinh là tài liệu quan trọng bất nhất trong kho tài liệu của thư viện các trường ĐH. Tài liệu nội sinh là những tài liệu được hình thành trong quá trình hoạt động khoa học kỹ thuật, sản xuất, quản lý, nghiên cứu, học tập của các cơ quan, tổ chức, xí nghiệp, viện nghiên cứu, trường ĐH… tài liệu nội sinh phản ánh đầy đủ, có hệ thống về các thành tựu, tiềm lực cũng như hướng phát triển của những đơn vị này và thường được lưu giữ ở các thư viện và trung tâm thông tin của đơn vị đó.

Bên cạnh đó các thư viện các trường ĐH cần xây dựng những cơ sở dữ liệu như: cơ sở dữ liệu báo chí, cơ sở dữ liệu đề thi, cơ sở dữ liệu luận án, luận văn, cơ sở dữ liệu giáo trình, cơ sở dữ liệu bài giảng, các môn học, cơ sở dữ liệu báo cáo khoa học.

Hoàn thiện các dịch vụ thông qua môi trường số

Nói về vấn đề này tiến sĩ Huỳnh Mẫn Đạt cho biết: Cùng với các sản phẩm thông tin trên thư viện cần hoàn thiện các dịch vụ quen thuộc thông qua môi trường số như:

Phục vụ mượn tài liệu, người sử dụng có thể đến thư viện mượn trực tiếp tài liệu tại thư viện hoặc có thể mượn tại nhà thông qua hệ thống Internet (mượn từ xa), người sử dụng có thể mượn liên thư viện hoặc nhờ một thư viện là cầu nối để có thể mượn liên thư viện được dễ dàng hơn. Bên cạnh đơn giản hóa việc mượn thì các thư viện cần chú trọng đến việc đơn giản hóa việc trả tài liệu, có thể thông qua hệ thống trả tự động tiên tiến để người sử dụng có thể trả bất cứ lúc nào.

Dịch vụ yêu cầu gia hạn mượn qua mạng, người sử dụng không cần phải đến thư viện gia hạn những tài liệu mình đọc chưa xong, chỉ cần ngồi tại nhà thông qua mạng lưới Internet là xong.

Dịch vụ hướng dẫn người sử dụng thư viện trong môi trường số, đây là công việc rất quan trọng, để bạn đọc có thể làm chủ được công nghệ và có được các kỹ năng cần thiết để tìm kiếm và sử dụng tài liệu số hóa.

Ngoài ra còn có các dịch vụ khác nữa như: Dịch vụ hỗ trợ nghiên cứu; dịch vụ tư vấn thông tin; dịch vụ cung cấp tài liệu toàn văn; dịch vụ biên soạn các tổng quan, tổng luận theo yêu cầu; dịch vụ xây dựng các cơ sở dữ liệu thư mục, hoặc toàn văn chuyên đề; dịch vụ tư vấn xây dựng thư viện điện tử; các phần mềm Mobile learning… Tất cả các dịch vụ này đều cung cấp thông tin cho người học một cách nhanh nhất, xác thực nhất khi người học yêu cầu.

Trong thời gian tới, thư viện ĐH cần xây dựng một trung tâm học liệu với môi trường trực tuyến, giúp người học có được tài khoản học tập để họ có thể chủ động truy cập và hệ thống học trực tuyến và tham gia học tậc các môn học the kế hoạch học tập đăng ký. Với sự đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ thông tin như vậy, chắc chắn sẽ thúc đẩy mạnh mẽ người truy cập vào thư viện thông qua môi trường số hóa của thư viện mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ