Thư viện đại học - Giảng đường thứ hai: Nơi khơi nguồn ý thức tự học và nghiên cứu khoa

GD&TĐ - Đổi mới phương pháp và nâng cao khả năng tự học, tự cập nhật kiến thức của người học là một trong những mục tiêu của đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ). 

 Thư viện đại học - Giảng đường thứ hai: Nơi khơi nguồn ý thức tự học và nghiên cứu khoa

Muốn dạy tốt, học tốt và nghiên cứu đạt chất lượng cao phải có sự thay đổi mang tính hệ thống. Bên cạnh việc đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy thì việc xây dựng các thư viện trở thành “Giảng đường thứ hai” cũng là một yêu cầu được đặt ra.

Thư viện các trường ĐH, CĐ ngày càng đổi mới, phát triển

Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, nền kinh tế Việt Nam từng bước dịch chuyển sang kinh tế tri thức đòi hỏi người học phải có những đổi mới.

Để thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học, việc đảm bảo thông tin và tri thức cho người dạy và người học trong các trường ĐH, CĐ có một ý nghĩa quan trọng. Điều này càng trở nên thiết yếu hơn khi giáo dục ĐH Việt Nam đã và đang triển khai mạnh mẽ từ đào tạo niên chế sang đào tạo tín chỉ.

Cùng với sự phát triển đó trong những năm qua các Trung tâm thông tin – thư viện, Trung tâm học liệu, thư viện (Thư viện) của các trường ĐH và CĐ đã không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả hoạt động của mình để tích cực nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học của các trường.

Nhiều thư viện đã chuyển mình từ thư viện truyền thống sang thư viện hiện đại, ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông để phát huy vai trò là nơi cung cấp thông tin, tri thức học liệu cho cả người dạy và người học mọi nơi, mọi lúc, không bị giới hạn về không gian và thời gian.

Bà Dương Phan Thúy Ngà – Phó Vụ trưởng vụ Thư viện – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Trong những năm gần đây, một số thư viện ĐH đã được xây trụ sở mới, khang trang hiện đại: thư viện Học viện Cảnh sát nhân dân, thư viện ĐH Y Dược Huế, thư viện ĐH An Giang…

Một số thư viện ĐH được trang bị các thiết bị tự động hóa, triển khai mượn trả tự động: thư viện ĐH Nha Trang, thư viện ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên… Tại ĐH Cần Thơ, Trung tâm học liệu còn được trang bị các thiết bị phục vụ cho nhu cầu hội nghị, nghiên cứu và giảng dạy đặc biệt là giảng dạy từ xa như máy chiếu, máy quay phim, máy tính xách tay và hệ thống video conference.

Tại nhiều trường ĐH, CĐ trong cả nước cũng đã xây dựng đươc nhiều nguồn học liệu phong phú, bao gồm: Sách giáo khoa, giáo trình, các tài liệu tham khảo, các luận văn, công trình nghiên cứu… Về các lĩnh vực tri thức và các ngành trong chương trình đào tạo của nhà trường, thư viện cũng đã cung cấp cho sinh viên, người học và nghiên cứu sinh những phương tiện để thực hiện việc học và nghiên cứu. Bằng hoạt động thực tế thư viện đã và đang góp phần làm thay đổi phương pháp giảng dạy và học tập ở trường ĐH, CĐ.

Ngoài ra, để làm phong phú thêm nguồn lực thông tin của mình, nhiều thư viện đã chủ động khai thác các nguồn thông tin miễn phí. Đó là sách báo thông tin các loại dưới dạng chế bản điện tử thuộc về sở hữu của thư viện, hoặc một cơ quan. Tuy nhiên bạn đọc có thể truy cập và lấy tin miễn phí thông qua internet.

Một số thư viện đã chủ động đăng ký khai thác miễn phí theo từng năm các cơ sở dữ liệu điện tử, tạp chí điện tử các tổ chức và nhà xuất bản có uy tín trên thế giới như: cơ sở dữ liệu của tổ chức Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), sử dụng miễn phí 3 năm; nhiều cơ sở dữ liệu tạp chí khoa học đăng ký khai thác miễn phí theo từng năm HINARI, AGORA, OARE, Open Library, ROAD, OALSTER,…

Thư viên ĐH, CĐ góp phần xây dựng và phát triển nguồn học liệu phong phú

Hiện nay, nhu cầu của người dùng tin về sản phẩm và dịch vụ thông tin ngày một tăng và mở rộng. Vì thế bên cạnh việc tạo lập bộ máy tra cứu, sản phẩm thông tin truyền thống: hệ thống mục lục, các bản thư mục… nhiều thư mục của các thư viện ĐH đã xây dựng các sản phẩm thông tin hiện đại như: cơ sở dữ liệu, thư mục tóm tắt OPAC biên soạn các tài liệu tổng quát.

Nhiều thư viện cũng tổ chức dịch vụ thông tin mới: Phục vụ thông tin theo chế độ hỏi đáp, phục vụ thông tin theo yêu cầu, dịch vụ tra cứu thông tin trực tuyến… Các sản phẩm và dịch vụ này đã giúp người dùng tin có thể tra cứu và chọn lọc thông tin phù hợp với nhu cầu của mình một cách dễ dàng, thuận tiện và nhanh chóng ở mọi nơi, mọi lúc.

Đặc biệt, Trung tâm học liệu Cần Thơ có triển khai nhiều dịch vụ trực tuyến như: làm thẻ, đăng ký phòng thảo luận, tham khảo trực tuyến, liên thư viện với thư viện ĐH Alberta Canada, đăng lớp kỹ năng thông tin; thiết kế nhiều video hướng dẫn khai thác các nguồn tài liệu và dịch vụ “Thư viện lưu động”, đem sách đến tận nơi học tập của sinh viên và văn phòng làm việc; đa dạng hóa các hình thức phục vụ; tăng cường giờ phục vụ;

Một số ĐH ở Việt Nam đã thực hiện phục vụ sinh viên và học viên trong các nhà trường cả ngày và cả buổi tối, ngày thứ Bảy; một số trường đã triển khai phục vụ 24/7 (phục vụ 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần).

Một số thư viện đã triển khai phục vụ mượn trả trên máy ở tất cả các bộ phận như: Thư viện ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên. ĐH Nha Trang, ĐH Y Hà Nội…

Trong điều kiện đẩy mạnh việc xây dựng nguồn tài nguyên số, hình thành các thư viện điện tử, các thư viện ĐH cũng cần đẩy mạnh việc phục vụ liên thông, xây dựng các mục lục liên hợp và triển khai việc mượn liên thư viện để có thể đáp ứng một cách tổng quát nhất nhu cầu của người dùng.

Thư viện góp phần đổi mới phương pháp dạy và học

Với giảng viên, thư viện đã hỗ trợ cho việc thay đổi phương pháp giảng dạy ở bậc ĐH. Thay vì lên lớp thuyết trình, áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực, người thầy sẽ cung cấp kiến thức cơ bản, nêu vấn đề, đưa ra các yêu cầu phải thảo luận hoặc ra các bài tập nhóm, giới thiệu nguồn tài liệu phong phú sẵn có của thư viện, hướng dẫn và yêu cầu sinh viên tham khảo nghiên cứu tài liệu để có đủ dữ liệu cần thiết phục vụ cho việc học tập thảo luận. thay vì trao truyền kiến thức đơn thuần, người dạy đã hướng dẫn sinh viên tự tìm ra lời giải đáp cho vấn đề được đặt ra.

Với người học, thư viện ĐH cũng đã hỗ trợ cho việc thay đổi phương pháp học tập ở bậc ĐH. Thay vì học theo bài giảng hay giáo trình của thầy, cô, các sinh viên phải đến thư viện tìm kiếm các tài liệu liên quan đến đề tài, nội dung môn học, những vấn đề cần thảo luận. Ở Việt Nam bước đầu đã có một số thư viện tạo lập thông tin cho một số chủ đề như Trung tâm Học liệu ĐH Cần Thơ, Trung tâm học liệu ĐH Thái Nguyên, Trung tâm học liệu ĐH Quốc gia Hà Nội…

Phải thừa nhận rằng, thư viện ĐH đã đóng góp một phần không nhỏ trong việc làm thay đổi phương cách tìm kiếm, lựa chọn, khai thác, sử dụng thông tin và tri thức của người học. Điều đó giúp cho người học có thể phát huy tính sáng tạo và thực hiện được phương châm: biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo. Không chỉ đơn thuần phục vụ người đọc trong và ngoài trường, một số thư viện còn tham gia các hoạt động hướng tới cộng đồng.

Qua kết quả điều tra 145 thư viện trường ĐH cho thấy: có 28% thư viện có website; 54% thư viện trường đã xây dựng được mục lục điện tử. Một số trường nhờ triển khai xây dựng thư viện điện tử và xây dựng được vốn tài liệu phong phú đã thu hút được hơn 2.000 lượt người tới thư viện, tiêu biểu như: Trung tâm học liệu Cần thơ, Đà Nẵng; Trung tâm Thông tin Thư viện ĐH Quốc gia Hà Nội; thư viện Tạ Quang Bửu (Đại học Bách khoa Hà Nội); Trung tâm Thông tin Thư viện Nguyễn Thúc Hào (Đại Học Vinh)… Lượt bạn đọc bình quân trong ngày tại các thư viện là 276 bạn đọc/1ngày.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ