Tìm hiểu về hệ thống giáo dục tại Hà Lan

GD&TĐ - Hệ thống giáo dục bậc đại học ở Hà Lan nổi tiếng với chất lượng cao và môi trường học tập quốc tế. Với hơn 1.500 khóa học và chương trình học quốc tế, Hà Lan là nước có nhiều chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh nhất ở châu Âu.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Tổng quan về hệ thống giáo dục Hà Lan

Hà Lan thuộc Top 10 toàn cầu về chất lượng giáo dục, mức độ an toàn, chỉ số hạnh phúc, chất lượng cuộc sống và có chi phí du học thấp hơn so với nhiều nước đào tạo bằng tiếng Anh khác.

Bậc tiểu học:  Học sinh mất từ 7- 8 năm bao gồm cả khoảng thời gian theo học mẫu giáo. Sau khi kết thúc 7 năm học này, học sinh sẽ chỉ kiểm tra các môn mình đã học và dựa vào kết quả kiểm tra mà quyết định chọn một trường trung học thích hợp.

Sau khi kết thúc chương trình tiểu học, học sinh sẽ vào thẳng các trường phổ thông. Sau khi có kết quả bài kiểm tra Cito, sinh viên và học sinh có thể lựa chọn học hoặc VMBO, HAVO hoặc VWO.

Bởi vì hệ thống giáo dục tại Hà Lan không có bậc trung học cơ sở, nên năm thứ 1 của chương trình phổ thông tại Hà Lan được coi là chương trình nền tảng, là chương trình liên kết hệ thống các trường tiểu học với hệ thống các trường phổ thông. Trong năm học này, sinh viên sẽ được làm quen với sự khác nhau giữa các hệ thống trường cũng như việc nâng cao trách nhiệm bản thân.

+ VMBO: Giáo dục VMBO kéo dài 4 năm, từ 12 tới 16 tuổi. Đây là chương trình kết hợp giữa đào tạo nghề với đào tạo lý thuyết, với các môn như ngôn ngữ, toán, lịch sử, mỹ thuật, và khoa học. 60% học sinh tại Hà Lan theo học chương trình này. Học sinh có thể chọn 4 cấp độ khác nhau.

+ HAVO: Chương trình HAVO có 5 cấp lớp, từ 12 đến 17 tuổi. Học sinh tốt nghiêp Havo có thể theo học chương trình HBO.

+ VWO: VWO có 6 cấp lớp, từ 12 đến 18 tuổi. 

Nhưng dù các em có lựa chọn bậc học nào thì các em cũng phải học các môn giống nhau như: tiếng Hà Lan, tiếng Anh, tiếng Pháp, Đức, Toán cơ bản, Toán học ứng dụng, Kinh tế, Kinh tế doanh nghiệp, Địa lý, lịch sử, Lý, Hoá, Sinh…Trong đó có một số môn học về ngôn ngữ là không bắt buộc, các em có thể hoàn toàn tự nguyện chọn môn học sao cho phù hợp với khả năng, nguyện vọng và sở thích của mình.

Điểm đặc biệt của nền giáo dục Hà Lan

Hệ thống song đôi

Giáo dục bậc đại học Hà Lan có hệ thống song đôi, cho phép sinh viên có thể lựa chọn giữa hai loại hình đào tạo:

- Đào tạo nghiên cứu ở các trường nghiên cứu

- Đào tạo cao học về chuyên ngành ở các trường đại học khoa học ứng dụng.

Tại trường đại học nghiên cứu, sinh viên sẽ chú trọng thực hành các công việc mang tính nghiên cứu theo chuẩn lý thuyết hoặc nghề nghiệp. Tại trường khoa học ứng dụng, sinh viên có thể lựa chọn chương trình chuyên ngành trong lĩnh vực khoa học và nghệ thuật ứng dụng; giúp sinh viên chuẩn bị kiến thức cho một ngành nghề cụ thể.

3 chu trình

Vào năm 2002, Hà Lan áp dụng cơ cấu bằng cử nhân-thạc sĩ, nhưng vẫn có sự khác nhau giữa hai loại hình đào tạo. Cả trường đại học nghiên cứu và khoa học ứng dụng đều có thể cấp bằng cử nhân hoặc bằng thạc sĩ.

Trước tiên, sinh viên phải được cấp bằng cử nhân (chu trình 1), sau đó có thể tiếp tục học thạc sĩ (chu trình 2). Sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ, sinh viên có thể học lên tiến sĩ (chu trình 3).

Đặc biệt, giáo dục bậc đại học ở Hà Lan nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ chính phủ bằng việc cấp giảm học phí và học bổng lên đến 75% cho các học sinh xuât sắc học tại Hà Lan. Học sinh cũng có thể tự trả phí cho mình bằng cách đi làm thêm vào các ngày nghỉ với số lượng thời gian nhất định.

Ngoài ra, nhà nước còn cho phép sinh viên vay tiền có hạn định không phải trả lãi. Sinh viên chỉ phải trả số tiền này khi tốt nghiệp và tìm được việc làm.

Theo sansangduhoc.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ