Tìm giải pháp phát triển nguồn nhân lực sau đại dịch

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Từ thực trạng thiếu lao động sau đại dịch ở nhiều địa phương, chuyên gia đã nhấn mạnh các giải pháp để phát triển nguồn lực này.

Cần quan tâm và chủ động có các chương trình bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho người lao động. Ảnh minh họa
Cần quan tâm và chủ động có các chương trình bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho người lao động. Ảnh minh họa

Xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Từ kinh nghiệm thực tiễn, nhiều địa phương đề xuất triển khai các giải pháp đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nhu cầu xã hội.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, địa phương này có quy mô về lực lượng lao động rất lớn với gần 5 triệu người. Để bảo đảm nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh sau dịch, UBND thành phố đã ban hành Quyết định về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TPHCM giai đoạn 2022 - 2025.

Trong đó có đề ra các giải pháp về kết nối cung cầu lao động để bảo đảm nguồn lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Đồng thời triển khai các hoạt động giáo dục gắn với nhu cầu của thị trường lao động.

Cụ thể là xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề. Mục đích nhằm góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ông Dương Anh Đức thông tin, với sự bùng phát của dịch Covid-19, người lao động bị ảnh hưởng nặng nề. Từ quý I/2022, người lao động bắt đầu quay trở lại thành phố tìm kiếm việc làm, góp phần bổ sung nguồn lực lao động thiếu hụt cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

So với quý IV/2021, số lao động tham gia hoạt động kinh tế 6 tháng đầu năm 2022 đã tăng hơn 518.000 người. Trong đó lao động ở khu vực có hợp đồng tăng gần 120.000 người. Đây là tín hiệu tích cực đối với thị trường lao động trên địa bàn thành phố.

Với việc phục hồi hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, nhu cầu thị trường lao động của doanh nghiệp cũng gia tăng mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM phân tích, vấn đề gặp khó khăn trong thị trường lao động đã xảy ra trong những năm vừa qua, tập trung vào một số thời điểm do nhiều nguyên nhân. Vì vậy, thời gian qua, số lượng lao động quay trở lại làm việc chủ yếu chỉ đủ bù đắp cho lao động đã nghỉ việc năm trước. Cùng với đó là nguồn để phục vụ cho hoạt động kinh doanh sản xuất còn đang hạn chế.

Từ yêu cầu phát triển nguồn nhân lực, thành phố đề xuất, cần triển khai các giải pháp đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nhu cầu xã hội. Đào tạo lại, đào tạo nâng cao thường xuyên, liên tục cho người lao động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp và người lao động đang có việc làm trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đồng thời, triển khai các giải pháp hỗ trợ người lao động yên tâm làm việc lâu dài ổn định như xây dựng các khu nhà ở, nhà lưu trú dành cho người lao động có thu nhập thấp để họ mua hoặc trả góp. Xây dựng nhà trẻ, trường học cho con em người lao động, thực hiện tốt các chương trình bình ổn giá.

Về phía doanh nghiệp, cần quan tâm và chủ động có các chương trình bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho người lao động trong kế hoạch sử dụng nhân lực lâu dài. Thay đổi tư duy sử dụng nguồn nhân lực giá rẻ để đưa khoa học công nghệ, trang thiết bị hiện đại vào hoạt động sản xuất.

Chú trọng giải pháp phát triển thị trường lao động hài hòa, bền vững

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, địa phương này xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển thị trường lao động hội nhập là một trong các khâu đột phá.

“Chúng tôi chú trọng cả 5 khâu. Đó là ban hành cơ chế chính sách về đào tạo nghề, giáo dục nghề nghiệp; phân luồng đào tạo; dạy nghề. Cùng với đó là dự báo kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động; bảo đảm các chính sách an sinh xã hội để sẵn sàng cho làn sóng lao động nhập cư”, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh.

Cũng theo ông Lê Ánh Dương, trong số hơn 300.000 lao động làm việc tại các khu công nghiệp, có tới 1/3 là lao động nhập cư. Vì vậy, tỉnh rất chú trọng các giải pháp để phát triển thị trường lao động hài hòa, bền vững.

Từ thực tế địa phương, ông Dương cho rằng, để phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập cần chú trọng vào một số giải pháp trọng tâm. Đó là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, hoàn thiện chính sách pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động.

Bên cạnh đó, phát triển hài hòa giữa giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp, phải có sự liên thông giữa hai lĩnh vực này. Giáo dục phổ thông đã đi vào chiều sâu nhưng giáo dục nghề nghiệp chưa được quan tâm phát triển đúng mức. Cơ chế chính sách cho đội ngũ giáo viên cũng cần tương đương nhau.

Cùng với đó, cần có chính sách đào tạo nghề cho con em đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu làm được sẽ đạt mục tiêu kép vì vừa nâng cao dân trí của đồng bào, tạo việc làm cho lao động nông thôn vừa xóa đói giảm nghèo bền vững.

“Tôi cho rằng, giữ thị phần lao động kỹ thuật trong nước cũng là một giải pháp rất quan trọng. Cần có quy định về tỉ lệ lao động kỹ thuật giữa lao động Việt Nam và lao động nước ngoài trong doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam đã đưa lao động của họ vào làm việc tại các khu công nghiệp”, ông Dương nói.

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cần sớm có cơ chế để các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, tham gia vào việc đào tạo cấp chứng chỉ đào tạo nghề cho người lao động. Thực tế các doanh nghiệp vẫn đào tạo cho người lao động nhưng cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện nên chưa có chứng chỉ được công nhận. Khi có cơ chế, các doanh nghiệp có công nghệ mới, kỹ thuật mới có thể tham gia đào tạo nghề cho lao động tại địa phương, tạo nên chuỗi giá trị bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ