Phát triển nguồn nhân lực “đón sóng” FDI

GD&TĐ - Phát triển giáo dục nghề nghiệp để đón làn sóng đầu tư mới là nội dung vừa được bàn thảo, tại Tọa đàm khoa học của Tiểu ban Giáo dục nghề nghiệp- Hội đồng Quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực.

TS Trương Anh Dũng – Trưởng tiểu ban Giáo dục nghề nghiệp, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu tại tọa đàm
TS Trương Anh Dũng – Trưởng tiểu ban Giáo dục nghề nghiệp, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu tại tọa đàm

Ngày 30/11, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực- Tiểu ban Giáo dục nghề nghiệp tổ chức Tọa đàm khoa học Phát triển nhân lực trong Giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu làn sóng dịch chuyển đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Đây là buổi tọa đàm đầu tiên của Tiểu ban giáo dục nghề nghiệp nhằm lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học về nội dung này.

Tại tọa đàm các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến thực trạng nguồn nhân lực và xu hướng dịch chuyển đầu tư nước ngoài (FDI) vào VIệt Nam, cũng như sự chuẩn bị của các doanh nghiệp, cách tiếp cận về đào tạo nghề trong làn sóng dịch chuyển mới. Đồng thời đưa ra định hướng cho phát triển giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan rộng ra hầu hết các quốc gia trên thế giới, ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam cũng không tránh khỏi những tác động xấu đến các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh,… Tuy nhiên những quyết định chính xác, kịp thời của Chính phủ trong việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo hướng “khoanh vùng” nhỏ nhất có thể, còn các vùng khác phải ở trong “trạng thái bình thường mới” để phát triển cùng với tác động tích cực từ những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đã góp phần quan trọng giúp nền kinh tế vững vàng vượt qua khó khăn.

Các nhận định của chuyên gia cho thấy các khu kinh tế có nhiều dấu hiệu khởi sắc hơn trong quý 2 và quý 3/2020. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục duy trì tốc độc tăng trưởng dương 2,93%, công nghiệp và xây dựng tăng 2,95%, dịch vụ tăng 2,93%. Các hoạt động kích cầu tiêu dùng, du lịch được triển khai mạnh mẽ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2020 tăng 2,9% so với tháng trước,…

Như vậy, dù bị ảnh hưởng của đại dịch, nền kinh tế Việt Nam vẫn có một kết quả ấn tượng, những nỗ lực của Chính phủ đã ổn định nền kinh tế và trở thành điểm thu hút dịch chuyển đầu tư FDI đến Việt Nam.

Quang cảnh buổi tọa đàm
Quang cảnh buổi tọa đàm

Phát biểu tại tọa đàm, TS Trương Anh Dũng – Trưởng tiểu ban Giáo dục nghề nghiệp, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19, cộng với nỗ lực cải cách giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, việc chạy đua thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ các quốc gia khác trong khu vực đang tạo sức ép cạnh tranh lớn chưa từng có đối với chúng ta.

Hiện có 5 lĩnh vực mà các tập đoàn có xu hướng dịch chuyển vào là: Công nghệ thông tin và công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, thiết bị điện tử, thương mại điện tử và logistic, hàng tiêu dùng và bán lẻ.

Do đó, giáo dục nghề nghiệp cần phải chuẩn bị được nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, vừa tranh thủ thời cơ dân số vàng, vừa thích ứng với CMCN 4.0, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế, góp phần tăng năng suất lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ