Vi phạm Luật An ninh mạng
Ngày 22/10, Công an tỉnh Tiền Giang đã tiến hành điều tra tài khoản Facebook mang tên Đàm Vĩnh Hưng (có hơn 3,1 triệu người theo dõi) vì nghi kích động bạo lực. Cụ thể, sau khi clip về người đàn ông ở Tiền Giang bạo hành con được đăng tải trên mạng xã hội thì trên tài khoản mang tên nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng xuất hiện dòng trạng thái kêu gọi anh em giang hồ ra tay trừng phạt người cha nói trên và treo thưởng 20 triệu đồng. Vụ việc cũng đang được các đại biểu Quốc hội quan tâm, đồng thời đề nghị xử nghiêm.
Trước câu chuyện này, Trung tá, nghiên cứu sinh Đào Trung Hiếu – Chuyên gia tội phạm học cho rằng, mặc dù dòng trạng thái đó được viết trên một trang Facebook có tên là Đàm Vĩnh Hưng, song liệu đây có phải là một tài khoản mạng xã hội của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng hay không thì cần các cơ quan chức năng làm rõ. Tuy nhiên, đây là một dòng trạng thái thể hiện những ý kiến quan điểm đi ngược với các quy định của pháp luật và kích động bạo lực.
Không ai có quyền dùng bạo lực cá nhân để giải tỏa những bức xúc tâm lý của mình, phê phán người khác bằng vũ lực. Chỉ có cơ quan pháp luật – cụ thể là tòa án mới được phép đưa ra các chế tài đối với những người vi phạm. Cùng với đó, người cổ vũ cho hành vi sai trái đó cũng vi phạm pháp luật.
“Luật An ninh mạng đã được ban hành, trong đó có những quy định rất rõ về những hành vi đăng tải thông tin phản văn hóa. Mà bản chất của dòng trạng thái đăng trên tài khoản mang tên Đàm Vĩnh Hưng đều là những thông tin phản văn hóa, đi ngược lại với những quy định chuẩn mực về đạo đức và pháp luật thì nó sẽ vi phạm vào những quy định của Luật An ninh mạng và các văn bản pháp luật có liên quan” – Trung tá Đào Trung Hiếu nhấn mạnh.
Nhân đây ông Hiếu nhắn nhủ, người dân cần phải có ý thức trong việc sử dụng mạng xã hội. Không nên có những phát biểu quá khích sẽ làm cho những người hiểu biết pháp luật nông cạn, đặc biệt là giới trẻ bốc đồng sẵn sàng nghe theo lời kêu gọi, nhất là lời kêu gọi được cho là của người nổi tiếng để có những hành động dại dột phạm luật.
Có thể bị truy cứu
Theo Luật sư Lê Đức Bính – Đoàn Luật sư Hà Nội, vì vụ việc đang được cơ quan chức năng xác minh làm rõ nên chưa xác định có phải là ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng thực hiện việc này hay không. Song hành vi kích động nêu trên là sai trái dù muốn bảo vệ trẻ em thì cũng cần phải đúng quy định của pháp luật.
“Nếu cơ quan điều tra chứng minh được hành vi tát anh Tí (người cha ở Tiền Giang trong clip tát con trai mình) của đám đông có đủ yếu tố xử lý hình sự dưới sự tác động của việc kêu gọi, kích động bạo lực treo thưởng bằng tiền thì theo quy định tại Khoản 3 Điều 17 Bộ luật Hình sự thì người kêu gọi có thể bị truy cứu với vai trò là đồng phạm hoặc với vai trò tổ chức (nếu có việc nhận tiền sau khi thực hiện hành vi trên)”, Luật sư Lê Đức Bính nhấn mạnh.
Trao đổi thêm về câu chuyên này, nhà thiết kế thời trang Lê Trần Đắc Ngọc – người có hàng trăm nghìn người theo dõi trang Facebook cá nhân, bày tỏ quan điểm, Đàm Vĩnh Hưng là một nghệ sĩ, song anh ấy cũng như mọi người, có thể bày tỏ rõ thái độ yêu ghét, ủng hộ cái thiện và phản đối, loại trừ cái xấu trong xã hội. Đặc biệt với nghệ sĩ, cảm xúc luôn nhạy cảm và mãnh liệt hơn số đông.
Về vụ việc phát ngôn trên trang cá nhân Facebook được cho là của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đang được xem là hành động kích động bạo lực, Đắc Ngọc cho rằng, đây chỉ là một hành động vô tình của nam ca sĩ, khi muốn bày tỏ sự phẫn nộ của mình vì chứng kiến em nhỏ bị bạo hành, lên án và muốn mọi người chung tay bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, mặt trái ở chỗ, cách bày tỏ cảm xúc như vậy được xem là chưa đúng cách, hệ quả của cái sai bị nhân lên vì là của một tài khoản có hàng triệu công chúng theo dõi.
“Nó vô tình là chất xúc tác đẩy phẫn nộ lên cao trào và chúng ta cũng không thể loại trừ trường hợp chính Đàm Vĩnh Hưng đã vô tình tạo cơ hội cho nhiều kẻ mượn danh của anh để gây kích động và thực hiện các hành động quá khích. Chính vì vậy, tôi cảm thấy rất đáng tiếc.Đây cũng là một bài học kinh nghiệm cần lưu ý không chỉ với Đàm Vĩnh Hưng mà với tất cả những ai là người của công chúng”, Lê Trần Đắc Ngọc nói.
Cùng với đó, theo Đắc Ngọc, khi là người của công chúng, được mọi người quan tâm nhiều hơn thì đương nhiên phải chấp nhận một điều: Mọi phát ngôn, hành động đều có ảnh hưởng ít nhiều đến công chúng. Vì vậy, bản thân những người nổi tiếng cần thận trọng trong mọi phát ngôn, hành động của mình, không chỉ ở nơi công cộng, mà ở mọi lúc, mọi nơi, đặc biệt là trên mạng xã hội.
Một trong những hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng tại Điểm e Khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng quy định “Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội”. Trường hợp hành vi gây hậu quả nghiêm trọng, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng thực hiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác (Điều 155) hoặc Tội vu khống (Điều 156) theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015.