Nói không với vu khống, trục lợi trên mạng xã hội: "Ác ngôn" có phải trả giá ?

Hầu hết nạn nhân bị vu khống trên mạng xã hội đã âm thầm chịu đựng.

Tại buổi tọa đàm “Nói không với vu khống, trục lợi trên mạng xã hội” hôm 22.10, các diễn giả cho rằng cần phải sử dụng “công cụ” pháp luật để đòi lại công bằng cho bản thân khi bị vu khống trên mạng xã hội
Tại buổi tọa đàm “Nói không với vu khống, trục lợi trên mạng xã hội” hôm 22.10, các diễn giả cho rằng cần phải sử dụng “công cụ” pháp luật để đòi lại công bằng cho bản thân khi bị vu khống trên mạng xã hội

Tuy nhiên, thời gian gần đây rất nhiều người đã thực hiện các bước cần thiết để yêu cầu cơ quan chức năng xử lý những “ác ngôn”, đòi lại công bằng cho chính mình.

Công chứng viên bị đưa lên mạng thành “kẻ trộm”

Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Diễm Phương (41 tuổi, quê Đồng Tháp), hiện là công chứng viên một văn phòng công chứng tại TP.HCM, kể về câu chuyện từng bị vu vạ là “tên trộm” trên mạng xã hội. Theo đó, tháng 6.2013, UBND tỉnh Long An cấp phép cho Văn phòng công chứng H.Tân Trụ hoạt động. Bà Diễm Phương cùng bà T.T.N.H (53 tuổi, ngụ Đồng Nai) góp vốn thực hiện. Hơn 2 năm sau, ngày 4.12.2015, hai bên thỏa thuận chấm dứt hoạt động. Sau khi xác định tài sản chung đã chia làm hai, bà H. nhận tiền; còn phần đồ đạc, bà Phương chuyển đi sau khi trả lại căn nhà thuê cho gia chủ.

Chiều 12.12.2015, khi vợ chồng bà Diễm Phương chuẩn bị dọn đồ đạc thì bà V.T.M.P (nhà gần bên) đã dùng điện thoại quay những người đang di chuyển tài sản đi, sau đó báo Công an TT.Tân Trụ. Lúc công an có mặt, vợ chồng bà Diễm Phương đưa đầy đủ giấy tờ để phía công an kiểm tra và xác nhận việc làm này là đúng, với những nội dung trong biên bản giữa bà H. và bà Phương đã ký. Công an ra về và bà Diễm Phương tiếp tục tháo dỡ tài sản cá nhân.

Tuy nhiên, bà V.T.M.P vẫn đăng và chia sẻ bình luận trên Facebook cá nhân của mình với nội dung: “Thông báo, đêm 12.12.2015 lúc 19 giờ đến 24 giờ có vụ trộm xảy ra tại Văn phòng công chứng Tân Trụ. Lợi dụng lúc trưởng văn phòng về nhà vào ngày nghỉ cuối tuần, kẻ trộm và đồng bọn tiến hành tháo gỡ toàn bộ đồ trong văn phòng tẩu thoát trong đêm. Sự thật rất ngạc nhiên là tên trộm đồ không ai khác rất quen thuộc. Đố bạn đó là kẻ nào. Đoán đúng có thưởng”.

Tối hôm sau, bà V.T.M.P tiếp tục đăng 6 ảnh chụp lúc vợ chồng bà Diễm Phương đang khiêng tài sản, kèm theo lời bình luận “Hình bọn trộm nè”. Bà Diễm Phương đã quyết định làm đơn tố cáo bà V.T.M.P đến Công an H.Tân Trụ.

Ngày 6.5.2016, đại tá Nguyễn Văn Chí, Trưởng công an H.Tân Trụ, ra quyết định xử phạt hành chính đối với bà V.T.M.P 7,5 triệu đồng về hành vi “cung cấp, sử dụng thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”. Không đồng tình kết quả xử lý, bà Diễm Phương gửi đơn tố giác yêu cầu xử lý hình sự bà V.T.M.P về tội vu khống và làm nhục người khác. Tuy nhiên, Cơ quan CSĐT H.Tân Trụ kết luận hành vi của bà M.P không đủ cấu thành tội vu khống và tội làm nhục người khác.

Nói không với vu khống, trục lợi trên mạng xã hội:

Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà V.T.M.P. Ảnh: Khôi Nguyên

Mạng xã hội không “ảo”

Tại buổi tọa đàm “Nói không với vu khống, trục lợi trên mạng xã hội” được Báo Thanh Niên tổ chức hôm 22.10, Hoa hậu Thế giới người Việt 2010 Diễm Hương chia sẻ cô đã phải âm thầm chịu đựng những nỗi đau mà “ác ngôn” trên mạng xã hội vu khống cô suốt 10 năm. Có lúc vì quá đau khổ, cô đã rơi vào tình trạng trầm cảm nặng phải tìm đến bác sĩ; thậm chí có thể “nổ tung” bất cứ lúc nào. Tham gia buổi tọa đàm, đạo diễn Lê Hoàng cho rằng, nạn nhân cần tăng cường sức đề kháng.

Luật sư Vũ Phi Long, nguyên Phó chánh tòa hình sự TAND TP.HCM, đồng tình với ý kiến cho rằng, bất cứ ai tham gia mạng xã hội cũng nên nâng cao bản lĩnh, tự nhận xét vấn đề và tự đứng vững trước “phong ba bão táp”, nhưng sức chịu đựng mỗi người khác nhau. Khi đã sử dụng các biện pháp “nhẹ nhàng” mà không thể khiến người vu khống khắc phục hậu quả thì nạn nhân có thể dùng biện pháp liên quan đến pháp luật. “Bộ luật Hình sự đã ghi rất rõ, đầy đủ: “người nào xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác mà sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội thì sẽ bị xử phạt từ 3 tháng - 2 năm tù”, luật sư Vũ Phi Long nói.

Theo luật sư Vũ Phi Long, có người nói “mạng xã hội Facebook là ảo nhưng hậu quả là có thật”. Tuy nhiên, đứng ở góc độ pháp luật, Facebook, mạng xã hội không ảo, vì nó tồn tại sự thật, tồn tại có thật và từ đó mới sinh ra những hệ quả tốt hoặc xấu mà trong pháp luật gọi là “dữ liệu điện tử”. “Cách đây vài ba năm, chúng ta gọi “ảo” là đúng, nhưng bây giờ được xem là chứng cứ. Chứng cứ đó có thể được áp dụng trong pháp luật để xem xét, truy cứu trách nhiệm của những người sử dụng mạng xã hội , nếu xâm hại đến quyền tự do, quyền danh dự nhân phẩm của người khác”, luật sư Vũ Phi Long nói và cho rằng người nào có hành vi vu khống, hành vi làm nhục người khác thông qua mạng xã hội, mạng internet được xem là tình tiết tăng nặng và hình phạt gần như gấp đôi.

Theo Thanhnien.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ