Mục tiêu chung nhất của văn hóa học đường là xây dựng trường học lành mạnh, các mối quan hệ thân thiện và chất lượng giáo dục thật.
Bản chất của văn hóa học đường?
Hoàn thiện, phát triển văn hóa học đường cũng chính là nhiệm vụ phát triển môi trường giáo dục. Môi trường văn hoá học đường là nơi mà mỗi cá nhân hoạt động trong đó thể hiện mình một cách thuận lợi nhất vì mục tiêu chung của cộng đồng. Mục tiêu chung nhất của văn hóa học đường là xây dựng trường học lành mạnh, các mối quan hệ thân thiện và chất lượng giáo dục thật.
Chất lượng giáo dục phải được nhìn từ khía cạnh vai trò dẫn dắt của giáo dục nhà trường đối với xã hội. Cụ thể trong nhà trường thì vấn đề ứng xử người - người, quan hệ tương tác giữa giáo viên và người học là quan hệ chuẩn mực. Bao trùm các quy tắc ấy là hệ giá trị cơ bản được các trường học từ phổ thông đến đại học viết ra ở dạng triết lí, mục tiêu, sứ mạng, tầm nhìn rất đa dạng và phong phú thể hiện ở hàng chục giá trị cốt lõi.
Thành phần cơ bản của môi trường giáo dục phổ thông và giáo dục đại học
Quan hệ giữa môi trường và con người là quan hệ biện chứng. Đối với giáo dục, đó là mục tiêu giáo dục được thấm các nội dung học vấn và người học với cơ chế lĩnh hội và chuyển biến nó thành niềm tin và hành động của cá nhân. Do vậy, các quan điểm tự giáo dục, tự học, tự quản, tự đánh giá... được hình thành ở người học (được coi là kết quả bền vững của giáo dục) chính là sự tôn trọng quy luật này. Giáo dục nhân cách chỉ có thể được coi là phát triển bền vững khi các thành phần giáo dục làm cho chủ thể đạt được kết quả bởi hoạt động của chính bản thân con người.
Xây dựng chương trình giáo dục phổ thông nhằm mục tiêu giáo dục nhân cách. Do vậy, Chương trình giáo dục phổ thông mới cần được xây dựng dựa trên triết lí nhân văn “Tất cả cho con người, tất cả vì con người”. Định hướng lồng ghép và tích hợp vào chương trình môn học là xu thế tất yếu; tác dụng và ý nghĩa của nó thể hiện rõ ở mục tiêu giáo dục, ở nội dung và phương pháp giáo dục và phương thức đánh giá.
Đây thực sự là một cuộc cách mạng trong nhận thức xã hội, là quá trình và sự thay đổi mang đậm tính chất văn hóa đòi hỏi sự cộng hưởng của toàn xã hội đồng thuận về dư luận, về sự tôn vinh các giá trị lao động, về kết quả của sự tiến bộ của con người quan trọng hơn sự thành đạt về bằng cấp.
Môi trường giáo dục đại học hiện đại (Hoa Kỳ) cần quan tâm 9 yêu cầu cơ bản. Đây có thể được coi là các nhân tố cơ bản tạo lập môi trường tốt nhất cho các cơ hội học tập và nghiên cứu sáng tạo - điều kiện đảm bảo cho một trường đại học có được chỉ số hấp dẫn cao.
Do đó, gồm 2 nhiệm vụ trọng tâm: Hoàn thiện tiêu chí môi trường giảng dạy ở phạm vi cấp trường; Hoàn thiện tiêu chí môi trường khoa học công nghệ. Ngoài ra, điều kiện cơ sở vật chất gồm: Phòng thí nghiệm, thực hành nghiên cứu; thiết bị chuyên dụng và chế độ duy trì vận hành; các phòng làm việc; thông tin khoa học và tạp chí khoa học.
Như vậy, môi trường tốt là nơi ươm mầm tài năng, duy trì sức sáng tạo và đổi mới. Giá trị cốt lõi của nhà trường thể hiện ở phẩm chất người thầy là sáng tạo, trách nhiệm và cống hiến; người học là tích cực, chủ động sáng tạo trong các hoạt động. Trường học thật sự là môi trường dân chủ, nhân văn và có khát vọng dẫn dắt xã hội.
“Phát triển toàn diện con người”
Giá trị của văn hóa học đường thể hiện ở mục tiêu, sứ mạng, tầm nhìn của các nhà trường phải dựa trên nền tảng mục tiêu của Luật Giáo dục (2019) đã xác định là mục tiêu “Phát triển toàn diện con người…). Từ sự thay đổi này, tư tưởng giáo dục mới sẽ được triển khai đúng về mục tiêu, chương trình, phương thức, cách đánh giá cũng như mọi hoạt động của người dạy và người học… đều phải thẩm thấu triết lí, mục tiêu, giá trị và tầm nhìn của nhà trường hiện đại.
Văn hóa học đường chính là môi trường giáo dục hiện đại trong đó hoạt động cốt lõi của nhà trường là sáng tạo, trách nhiệm và dẫn dắt xã hội. Để khơi dậy khát vọng cống hiến cho thế hệ trẻ trong nhà trường (phổ thông và đại học) điều quan trọng là phải xây dựng môi trường học tập - sáng tạo, môi trường làm việc - dân chủ để họ có chỗ cống hiến trong thực tiễn lao động. Đồng thời là chính sách việc làm, khởi nghiệp sáng tạo và các cơ chế đảm bảo.
Phải tiếp cận giá trị - văn hóa khi đánh giá chất lượng giáo dục. Chọn lọc các giá trị cốt lõi để thẩm thấu vào nội dung, đưa vào chương trình giáo dục; thay đổi thói quen của xã hội về giá trị học vấn, bằng cấp, thi cử… để hiểu chất lượng giáo dục là một quá trình tích tụ lâu dài, bền bỉ và phụ thuộc vào sự nỗ lực của chủ thể người học. Nhận thức đúng về mục tiêu giáo dục là phát triển toàn diện con người - chính là sự thay đổi căn bản.
Nền tảng tư tưởng “phát triển toàn diện con người” đã tạo điều kiện để xây dựng một nền giáo dục mở, xây dựng một xã hội học tập. Chỉ trong điều kiện này, các giá trị văn hóa học đường mới được thể hiện, nhà trường mới khẳng định được giá trị của mình với xã hội.