Tiếng ê a đánh vần từ lớp học của thầy giáo quân hàm xanh

GD&TĐ -Khi được gọi “Thầy Tam ơi”, người chiến sĩ trẻ xúc động xen lẫn niềm tự hào, đối với anh, trong đời mình, chưa bao giờ nghĩ mình được đứng trên bục giảng để dạy con chữ, dạy đánh vần và tập đếm cho các em. Đó là thầy giáo quân hàm xanh Huỳnh Hoàng Tam - chiến sĩ Đồn Biên phòng Tuyên Bình (BĐBP tỉnh Long An).

​​Học sinh luôn chủ động nhờ thầy Tam hướng dẫn cách đọc chữ
​​Học sinh luôn chủ động nhờ thầy Tam hướng dẫn cách đọc chữ

Học trò ê â đánh vần tên của chính mình

Tháng 7 năm 2016 kết thúc khoá huấn luyện chiến sỹ mới, binh nhất Huỳnh Hoàng Tam được điều động về nhận nhiệm vụ ở Đồn BP Tuyên Bình; cũng từ đó được Ban chỉ huy đơn vị tin tưởng giao nhiệm đứng lớp giảng dạy cho các cháu là con em bà con Việt kiều di cư tự do từ Campuchia về cư trú trên địa bàn.

Đây là thế hệ con em được sinh ra trên đất Campuchia, do điều kiện kinh tế, đời sống khó khăn nên cùng bố mẹ di cư tự do về Việt Nam sinh sống, hầu hết các cháu đều không biết đọc, biết viết tiếng Việt nên rất khó khăn trong hội nhập với cộng đồng, trong khi các cháu rất muốn đi học nhưng do không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để đến trường.

Đồn Biên phòng Tuyên Bình đã chủ động phối hợp với các nhà trường, chính quyền địa phương để mượn tạm lớp học vào buổi tối cho các cháu được học hành, biết chữ.

Vậy là cứ 18h30 mỗi tối, lớp học lại đông vui tiếng cười đùa và tiếng ê a đọc chữ của các cháu nhỏ. Thi thoảng lại có trò gọi “thầy Tam ơi, con chưa biết chữ này”.

Tiếng ê a đánh vần từ lớp học của thầy giáo quân hàm xanh ảnh 1

Lớp học này là do nhà trường cho mượn vào buổi tối để thầy giáo quân hàm xanh dạy chữ

Vóc dáng cao gầy, khuôn mặt hiền lành và luôn xúc động mỗi khi nhắc đến các trò, thầy giáo trẻ ấy dường như coi các em như chính người thân của mình:

“Trong thời gian đứng lớp, chứng kiến thực tế, tôi nhận thấy các em đã chịu nhiều thiệt thòi hơn so với các bạn đồng trang lứa, ở độ tuổi các em là tuổi ăn tuổi học, trong khi đó các em phải vất vả đi bán vé số, phơi lục bình, phụ giúp cha mẹ làm việc nhà, trông em giúp cha mẹ đi làm thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống. Hoàn cảnh gia đình của các em còn hết sức khó khăn, sống trong những ngôi nhà tạm bợ, điều kiện ăn ở thiếu thốn” – Binh nhất Huỳnh Hoàng Tam chia sẻ.

Tuy hạnh phúc khi được tin tưởng giao cho nhiệm vụ dạy học nhưng chiến sĩ Huỳnh Hoàng Tam đã gặp không ít khó khăn để duy trì và quản lý lớp học.

Ban đầu, gia đình các em rất hợp tác cho con đi học, nhưng vì cuộc sống mưu sinh, nhiều em phải đi bán vé số tối muộn mới về, hay nhiều em còn trông em chờ bố mẹ đi làm về mới được đến lớp với bạn, với thầy. Nhiều hôm, thầy cố chờ cho lớp học đông đủ mới bắt đầu bài giảng của mình.

Nắm tay các em viết từng con chữ, dạy các em đánh vần chính cái tên của mình, rồi từng bài toán từ dễ đến khó, Huỳnh Hoàng Tam xúc động mỗi khi các trò tiến bộ hơn, chăm ngoan hơn và biết thương bố mẹ.

Mỗi tiếng gọi “thầy giáo Tam” là mỗi lần anh thấy hạnh phúc khó nói hết bằng lời. Có lẽ anh chưa bao giờ nghĩ trong đời mình sẽ có phút giây được làm nghề dạy học.

Thầy Tam xúc động: “Lớp học bắt đầu vào lúc 18h30 đến 20h30, thời gian chiều tối nên cũng khó khăn cho các em trong việc đi lại, có những ngày các em đi bán vé số về trễ, chưa kịp ăn cơm, vào lớp phải mang theo một ổ bánh mì ăn cho đỡ đói; có hôm đi giữa đường gặp mưa, vào đến lớp cả người ướt sũng, tay chân run run mà các em vẫn không bỏ học, tôi thật cảm phục nghị lực vươn lên của các em. Chính điều đó là động lực để bản thân tôi cố gắng mỗi ngày”.

Chắp cánh cho những ước mơ còn dở dang

Trong quá trình giảng dạy lớp 1, lớp phổ cập tiểu học cho con em Việt kiều trên địa bàn, thầy giáo Tam đã không ngừng tự tìm tòi học hỏi, trau dồi kiến thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ đứng lớp, được chỉ huy đơn vị tin tưởng giao phó, các em học sinh và phụ huynh quý mến.

Qua trao đổi với các em, có những em ước muốn sau này được làm bác sỹ để chữa bệnh cho người nghèo, có em ước sau này được làm thầy, cô giáo để được dạy học cho các em nhỏ… các em cũng có những ước mơ và hoài bão như bao đứa trẻ khác, nhưng do điều kiện sống còn khó khăn nên dường như điều đó khó có thể thực hiện được.

Không chỉ dạy chữ mà thầy giáo còn dạy kỹ năng sống cho trò
Không chỉ dạy chữ mà thầy giáo còn dạy kỹ năng sống cho trò
Bước vào lớp, thấy người lạ đến, em nào cũng lễ phép đứng lên chào. Rồi từng tiếng gọi “thầy Tam ơi” thân thương vang lên trong lớp học ấy khiến nhiều người xúc động bởi tình cảm của thầy với trò, của người chiến sĩ áo xanh với những mảnh đời có hoàn cảnh khó khăn.

Không chỉ dạy các em biết chữ, thầy Tam còn dạy các em kỹ năng sống, cách quan tâm, lễ phép với người lớn. Có lẽ, vì mưu sinh nên gia đình các em chưa chăm sóc hết được nên chiến sĩ trẻ đã bảo ban các trò như người em trong gia đình.

Thầy giáo Huỳnh Hoàng Tam cũng cho biết gia đình anh cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi biết con mình được giao nhiệm vụ cao quý ấy.

Hằng ngày, cứ 9h30 tối, bố mẹ lại ngóng con trai gọi điện về để kể về những chuyện vui buồn sau mỗi buổi học. Trong mỗi câu chuyện đó, có những ước vọng của các trò nghèo xóm Việt Kiều Campuchia.

Người thầy quân hàm xanh ấy chỉ mong sao, các em được biết chữ, được thoát nghèo và tương lai sẽ vươn xa và lớp học mỗi tối kia sẽ là nơi chắp cánh cho những ước mơ còn dở dang.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ