Tình huống “dở khóc dở cười”
Quá thẹn vì không phải tôi tự nhận ra đó là điện thoại của mình reo mà là do học sinh “phát giác” trong quá trình tôi đang truy hỏi.
“Điện thoại di động của ai đang reo?”. Câu hỏi được lặp lại đến lần thứ 3 với âm lượng và giọng điệu căng dần. Sự hồi đáp là những ánh mắt ngơ ngác cùng với ý thức tập trung xét tìm của các học sinh phía dưới.
Bỗng ở dưới lớp có tiếng: “Thưa cô, hình như là điện thoại của cô ạ!”
Tôi bỗng giật mình và ngớ người ra một hồi. Tôi vừa thay điện thoại mới hôm qua và cũng chưa kịp làm quen với nhạc chuông của mình.
Đúng là tình huống “dở khóc dở cười”, tự nhiên thấy “tẽn tò”, xấu hổ với học sinh quá.
Ngay lúc đó tôi đã cố lấy hết can đảm để xin lỗi học sinh, kiếm cớ chia sẻ rằng, cô mới thay điện thoại nên chưa quen chuông, mong các em bỏ qua, rồi cười xòa, mong nhanh qua chuyện.
Điện thoại – lợi và hại
“Tắt máy trước khi bắt đầu giờ dạy” là góp ý ngắn gọn của các giáo viên được hỏi. Mặc dù hầu hết các nhà trường chỉ ra nội quy cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học mà quy định này vẫn bỏ ngỏ với giáo viên.
Học sinh thời nay rất nhiều lý sự, đó là chưa kể có nhiều “lý sự cùn” nên giáo viên chúng ta phải luôn cẩn tắc và gương mẫu mới có thể “điều trị” êm xuôi.
Tuy nhiên, trong trường hợp đã “trót lỡ” của tôi, cô bạn thân trường bạn đã mách nhỏ cho cách để khắc phục nếu tình huống không may này tái diễn.
Điều quan trọng cần nhớ, đã là giáo viên phải luôn bình tĩnh trước học trò của mình dù gặp tình huống khó xử gì đi nữa.
Bạn hãy nói với học sinh rằng, nội quy của trường là không cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học. Bản thân cô, mặc dù nội quy không cấm nhưng cô cũng không cố ý sử dụng điện thoại vào giờ lên lớp. Để cùng tuân thủ nội quy chung, cô rất xin lỗi vì đã để chuông reo, gây tiếng ồn trong giờ học. Sau đó, bạn hãy nhanh chóng tiếp tục bài dạy của mình.
Điện thoại có rất nhiều tiện ích với giáo viên, giúp cha mẹ học sinh liên lạc, hỏi thăm tình hình học tập của con cái họ. Giáo viên cũng biết nhiều hơn và hiểu học sinh hơn thông qua điện thoại.
Ví dụ như một lời nhắn nhủ mà trên lớp không tiện nói với một học sinh mắc lỗi, một lời chúc sinh nhật học trò, hay học trò thường nhắn tin hỏi thầy cô về những khó khăn trong bài tập về nhà...
Tuy nhiên, để tránh gặp những tình huống khó xử do điện thoại di động gay nên, nhiều thầy cô đồng tình: Giáo viên cũng như học sinh dùng điện thoại trong lớp đều là không nên.
Không ai cho giáo viên cái đặc quyền cấm học sinh sử dụng điện thoại trong lớp vì sợ ảnh hưởng đến sự tập trung trong khi chính các thầy các cô lại “vô tình” phá vỡ không khí học tập nghiêm túc của học sinh chỉ vì chiếc điện thoại của mình.
Quy định (tham khảo) về việc sử dụng điện thoại trong lớp học:
- Với học sinh: Nghiêm cấm sử dụng điện thoại trong các giờ học, bao gồm cả ngoại khoá. Việc vi phạm sẽ được GV bộ môn lập biên bản niêm phong đưa về Đoàn trường giữ 1 tháng sau đó yêu cầu phụ huynh tới để nhận và tìm hướng giáo dục các em tốt hơn.
- Với giáo viên: Khi lên lớp phải để điện thoại ở chế độ “rung” hoặc “im lặng”. Khi có cuộc gọi đến, nếu cần thiết phải nhận cuộc gọi đó thì phải đi ra ngoài, không được nói to và cười đùa khi liên lạc. Nghiêm cấm việc GV sử dụng điện thoại trước học sinh trong giờ dạy.