Khi giáo viên chứng kiến cha mẹ dạy con bằng vũ lực

GD&TĐ - Bạn sẽ ứng xử thế nào khi trong vai trò một giáo viên chủ nhiệm lại chứng kiến phụ huynh dùng vũ lực dạy con ngay sau màn chia sẻ tình hình của bạn về học sinh đó ở trường học?

Ảnh: MH
Ảnh: MH

Đó là tình huống một giáo viên chủ nhiệm lớp 9, một trường THCS từng đối mặt khi đến gia đình học sinh để thông báo về khuyết điểm của học sinh ở trường cho gia đình biết.

Mục đích chuyến “công du” của giáo viên chủ nhiệm (GVCN) thì chắc ai cũng hiểu, chỉ là để cùng gia đình tăng cường phối hợp với giáo viên và nhà trường giáo dục học sinh. Tuy nhiên, điều mà khó ai ngờ tới là ngay trước mặt giáo viên, phụ huynh vừa đánh vừa mắng nhiếc con chẳng tiếc lời nào.

Vậy làm thế nào để “xử đẹp” những tình huống “khó đỡ” liên quan đến quý vị phụ huynh?

Đứng trước tình huống này, nhiều giáo viên rất bối rối vì bất ngờ. Tuy nhiên, nhiều thầy cô chọn “phản ứng nhanh” với 3 bước đơn giản: Ngăn lại và xoa dịu; Tỏ thái độ lấy làm tiếc và hứa hẹn sẽ cố gắng giúp học sinh sớm tiến bộ và … cuối cùng là “Rút nhanh”.

Tuy nhiên, nhiều thầy cô cho rằng, nếu xử lý như vậy trong tình huống này thì chuyến thăm và trao đổi giữa GVCN và phụ huynh học sinh là “công cốc”, thậm chí phản tác dụng.

Cô Tố Vân (Trường THCS Nhật Tân, Hà Nội), với 15 năm kinh nghiệm làm GVCN lớp chia sẻ: Để cuộc trao đổi giữa giáo viên và phụ huynh học sinh đạt kết quả khả quan, giáo viên cần chuẩn bị kỹ càng về tâm lý, nội dung trao đổi. Nghiên cứu đối tượng phụ huynh để có cách tiếp cận, đặt vấn đề hợp lý nhất.

Việc đầu tiên cần làm trong tình huống này, theo cô Tố Vân là kịp thời can ngăn phụ huynh, đề nghị phụ huynh “nể mặt” giáo viên và tôn trọng con mình. Hãy nhìn thẳng vào mắt phụ huynh để nhận biết thái độ của họ.

Nếu phụ huynh đánh con do thói quen và phản ứng do nóng giận nhất thời thì sau khi được can ngăn phụ huynh sẽ có thái độ ngượng ngùng, bối rối. 

Khi nhận biết được tín hiệu này, GVCN nên nhanh chóng chuyển sang thăm hỏi về gia đình, đề cập những vấn đề “dưa cà mắm muối” chung chung mà đừng đả động gì đến khuyết điểm của học sinh đó nữa.

Qua những trao đổi chân tình về hoàn cảnh gia đình, từng bước xen vào khuyết điểm của học sinh đó một cách tế nhị.

Trong trường hợp bạn quan sát và cảm nhận thấy phụ huynh đánh con để dằn mặt, áp đảo giáo viên thì bạn cần hết sức bình tĩnh, mềm mỏng, xin lỗi phụ huynh về sự làm phiền này….và xin phép cho học sinh tạm lánh ra bên ngoài.

GVCN cần kiên trì, đề nghị cùng thảo luận với phụ huynh về tâm lý lứa tuổi, những ưu điểm cần khơi dậy và nhân lên ở học sinh đó, cùng tìm phương pháp tốt nhất để phối hợp giáo dục học sinh.

Trong tình huống này, giáo viên lưu ý tránh đưa ra lời khuyên mà cần thể hiện rõ quan điểm cùng hợp tác, cùng gỡ khó. Tránh gây sự bi quan cho phụ huynh và sự mất tự tin trong việc dạy dỗ con cái của họ.

Chia sẻ kinh nghiệm, tạo thêm động lực và niềm tin vào con cái cho phụ huynh là mục đích cao nhất cần hướng tới của mỗi cuộc trao đổi giữa GVCN và gia đình học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ