Tiền công đức

GD&TĐ - Đến thăm chùa chiền và các di tích lịch sử - văn hóa trên cả nước hiện nay, đập vào mắt du khách trước tiên là… hòm công đức.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Không chỉ 1 mà thậm chí 2 - 3 hòm để khắp khuôn viên khiến du khách không thể dửng dưng ngó lơ được!

Có chỗ thì hòm được làm bằng thủy tinh, có thể nhìn thấy tiền bên trong nhưng cũng có nhiều chùa chiền, hòm công đức được làm bằng gỗ, thậm chí là két sắt, hoàn toàn “tù mù” bên trong.

Thực ra, các loại hòm công đức như thế thì bên trong vẫn là tiền lẻ của khách vãn cảnh chùa hoặc đến xin xăm cầu an, thậm chí đến chỉ vì tò mò muốn biết nơi đó có gì. Số tiền cúng dường cho chùa, hoặc “cúng” cho một sư cụ thể nào đó mới là tiền khủng.

Số tiền ấy sẽ không cho vào hòm công đức mà là đưa trực tiếp. Hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng được dùng vào việc cúng dường cho chùa là có thật. Đối tượng nào hay đi “cúng” số tiền khủng như thế, dù không nói ra thì ai cũng biết.

Nếu như các danh lam thắng cảnh được xếp hạng di tích quốc gia do ngành văn hóa các địa phương trực tiếp quản lý thì số tiền công đức được ghi vào sổ sách do cán bộ Nhà nước thu, sau đó sẽ chi dùng vào việc sửa sang, tu bổ hàng năm các điểm di tích này.

Thế nhưng, các chùa, thậm chí có những ngôi chùa hàng trăm năm tuổi được xếp hạng di tích quốc gia nhưng do các sư thầy quản lý thì tiền cúng dường chỉ có chùa biết; chi dùng vào việc gì, chỉ có các thầy trong chùa hay mà thôi.

Đặc biệt, một số ngôi chùa mới dựng lên, thu hút hàng chục vạn du khách mỗi năm, số tiền cúng dường lên đến hàng tỷ đồng nhưng các nhà quản lý hoàn toàn “đứng ngoài cuộc”.

Không một ai có thể biết những ngôi chùa như thế mỗi năm thu về bao nhiêu và chi dùng vào việc gì ngoại trừ những người quản lý các cơ sở tôn giáo đó. Có người cho rằng, trong các thứ tiền thì “tiền chùa” là loại tiền dễ bị xà xẻo nhất!

Có lẽ chính sự mập mờ trong thu chi này mà đầu năm 2023, Bộ Tài chính đã có công văn hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tiền tài trợ cho di tích của các địa phương.

Chỉ một năm đưa việc thu - chi của các cơ sở tôn giáo và danh lam thắng cảnh vào nền nếp mà mới đây, Bộ Tài chính đã công bố số tiền thu được là 4.100 tỷ.

Dĩ nhiên, số tiền trên không hẳn phải nộp vào ngân sách nhưng sự minh bạch hóa thông tin về nguồn thu như thế thì những người bỏ tiền vào hòm công đức và tiền cúng dường cũng cảm thấy “an lòng”.

Số tiền trên cũng sẽ được chi một phần vào việc sửa sang, tu bổ các cơ sở tôn giáo và danh lam thắng cảnh để tiếp tục phục vụ du khách một cách tốt nhất.

Việc lần đầu tiên thực hiện kiểm tra tổng thể về quản lý tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên phạm vi toàn quốc đã giúp cho các địa phương có cơ sở để đánh giá toàn diện về hoạt động này.

Tuy nhiên, 4.100 tỷ đồng kia không phải là tất cả các chùa chiền và danh lam thắng cảnh trong cả nước mà đó chỉ là một phần nhỏ mà thôi. Và như thế, hòm công đức hay việc cúng dường của chúng sinh vẫn còn là điều bí ẩn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ