Trung Quốc đã đề nghị bán hai phi đội máy bay chiến đấu J-10 cho chính phủ Colombia, nơi đang rất cần thay thế toàn bộ lực lượng tiêm kích của mình. Thông tin này được tờ Infodefensa đăng tải dựa theo nguồn tin riêng của họ.
Đề xuất trên được đưa ra trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Gustavo Petro, đây là một phần trong các cuộc đàm phán với Chủ tịch Tập Cận Bình.
Trung Quốc đã đề nghị cung cấp tới 24 máy bay chiến đấu đa năng J-10CE, hoặc số lượng mà Colombia sẽ cần, với mức giá 40 triệu đô la mỗi chiếc. Thỏa thuận tiềm năng cũng bao gồm việc cung cấp tên lửa không đối không.
Cuộc gặp gỡ giữa nhà lãnh đạo hai nước và các cuộc đàm phán diễn ra ngay sau khi máy bay chiến đấu Trung Quốc trong biên chế Không quân Pakistan đã bắn hạ 2 tiêm kích Ấn Độ - 1 chiếc Dassault Rafale và 1 chiếc Su-30MKI .
Ưu điểm thứ hai nhưng không kém phần quan trọng của máy bay chiến đấu Trung Quốc là điều khoản thanh toán linh hoạt và thời gian giao hàng ngắn nhờ năng lực sản xuất ấn tượng của Tập đoàn hàng không Thành Đô.
Tốc độ giao hàng có lẽ là thông số quan trọng nhất đối với Colombia, vì lực lượng không quân của nước này hiện chỉ có thể vận hành một số ít trong toàn bộ phi đội gồm 22 máy bay Kfir - loại tiêm kích duy nhất trong biên chế của họ, có thời hạn sử dụng kết thúc vào năm 2023.

Sau khi đề xuất được trình bày, các nguồn tin thân cận quá trình mua sắm xác nhận với tờ Infodefensa rằng Tổng thống Colombia đã thảo luận với Tư lệnh không quân về suy nghĩ của ông về J-10C, khả năng của nó và tính khả thi của việc mua hàng.
Trung Quốc nhấn mạnh rằng máy bay của nước này đã được thử nghiệm trong chiến đấu - không giống như mẫu tiêm kích mà Colombia đã chọn - và đảm bảo sẽ không có gián đoạn nào trong tương lai về việc cung cấp phụ tùng thay thế.
Trước đó, Tổng thống Gustavo Petro đã chính thức thông báo trên mạng xã hội của mình về việc ký kết một thỏa thuận với chính phủ Thụy Điển để mua máy bay chiến đấu JAS-39 Gripen.
Điều đáng chú ý là việc chấp nhận đề xuất của Trung Quốc sẽ là một bước đi nghiêm túc của chính phủ Colombia hướng tới mục tiêu tạo khoảng cách địa chính trị với Hoa Kỳ.