Vào ngày 14 tháng 5 năm 2025, Bộ trưởng Nội vụ Estonia - ông Igor Taro đã chính thức xác nhận sự cố diễn ra ở Vịnh Phần Lan, nơi Hải quân Estonia, với sự hỗ trợ của không quân NATO, đã cố gắng chặn tàu chở dầu Jaguar đang treo cờ Gabon khi nó trên đường đến cảng Primorsk của Nga ở Vùng Leningrad.
Tờ báo ERR của Estonia cho biết điều này sau khi trích lời Bộ trưởng Taro, vị quan chức trên lưu ý rằng những gì diễn ra cho thấy thiếu sót trong khả năng ứng phó của Estonia trên cả biển và trên không.
“Chúng ta thiếu nhiều khả năng khác nhau, bao gồm cả việc đổ bộ lên tàu từ biển và trên không. Điều này đòi hỏi đầu tư đáng kể và lập kế hoạch dài hạn”, Bộ trưởng Nội vụ Estonia cho biết.
Sự cố xảy ra vào sáng ngày 13 tháng 5 tại vùng biển trung lập trên Vịnh Phần Lan, cách Tallinn khoảng 50 km. Quân đội Estonia nghi ngờ tàu Jaguar thuộc "hạm đội bóng tối" của Nga - đây là những con tàu được sử dụng để lách lệnh trừng phạt xuất khẩu dầu của phương Tây.
Theo ấn phẩm The Insider, tàu chở dầu này có liên quan đến công ty Gatik Ship Management của Ấn Độ, đang vận chuyển dầu từ cảng Sikka (Ấn Độ) và trước đó đã treo cờ Mông Cổ cũng như St. Kitts.
Để chặn tàu này, Estonia đã triển khai tàu tuần tra EML Raju và Kurvits, trực thăng AgustaWestland AW139 cũng như máy bay PZL M28 Skytruck. Hoạt động trên còn có sự tham gia của máy bay chiến đấu MiG-29 thuộc Không quân Ba Lan, làm nổi bật sự phối hợp với NATO.

Các binh sĩ Estonia đã liên lạc qua radio yêu cầu thủy thủ đoàn thay đổi hướng đi và tiến về vùng biển nước này để kiểm tra, đe dọa sẽ dùng vũ lực và hai lần cố gắng đổ quân từ trực thăng, tờ Pravda Estonia đưa tin.
Thủy thủ đoàn tàu Jaguar, chủ yếu là người Nga đã từ chối tuân lệnh và tiếp tục di chuyển về phía Primorsk. Căng thẳng đã được giải quyết sau khi một tiêm kích Su-35S của Nga xuất hiện, theo nguồn tin, máy bay này đã hộ tống tàu chở dầu đến cảng.
Estonia sau đó cáo buộc Nga vi phạm không phận của mình và gửi công hàm phản đối, Bộ Ngoại giao Nga cũng phản hồi bằng cách gọi hành động của Tallinn là "cướp biển" và vi phạm luật hàng hải quốc tế bởi vì con tàu đang ở vùng biển quốc tế.