Nghệ thuật thuyết phục trong văn nghị luận SGK Ngữ Văn lớp 10

GD&TĐ - Sách Ngữ văn lớp 10 bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” nhiều văn bản nghị luận hay, gắn với thực tiễn, phù hợp với tâm lý lứa tuổi của học sinh.

Văn bản nghị luận là loại văn bản thực hiện chức năng thuyết phục thông qua một hệ thống luận điểm, lý lẽ và bằng chứng được tổ chức chặt chẽ.

Bài nghị luận xã hội là một trong nhiều dạng của văn bản nghị luận, đề cập đến các vấn đề xã hội được quan tâm rộng rãi, không đi vào những vấn đề, lĩnh vực quá chuyên sâu, nhằm tạo được sự hồi đáp tích cực, nhanh chóng từ phía người đọc, người nghe.

Sách giáo khoa ngữ văn 10 bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” nhiều văn bản nghị luận hay, thiết thực, gắn với thực tiễn, phù hợp với tâm lý lứa tuổi của học sinh trung học phổ thông.

Sau khi đọc hiểu các văn bản, học sinh đã nhận biết và phân tích được nội dung của luận đề, luận điểm, lý lẽ và bằng chứng tiêu biểu trong văn bản, phân tích được mối quan hệ giữa các luận điểm, lý lẽ, bằng chứng và vai trò của chúng trong việc thể hiện nội dung của văn bản, xác định được ý nghĩa của văn bản, mục đích, quan điểm của người viết.

Từ đó, các em đã biết cách viết một bài nghị luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm, biết cách trình bày thảo luận về một vấn đề có những ý kiến khác nhau…

Văn bản đầu tiên trong hệ thống bài học “Nghệ thuật thuyết phục trong văn nghị luận” là văn bản “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” (Thân Nhân Trung). Ngoài việc học sinh biết cách xử lí những yêu cầu chung của một văn bản nghị luận, điều chúng tôi quan tâm ở văn bản là giá trị tích cực mà văn bản mang lại, đó là thái độ quý trọng đối với người hiền tài của các bậc Thánh Đế Minh Vương từ xa xưa cho đến các tổ chức đoàn thể ở thời hiện đại.

Cô trò chúng tôi đã cùng nhau liệt kê ra rất nhiều lợi ích và các chính sách đãi ngộ đối với người hiền tài ở thời điểm hiện tại của Nhà nước, các chế độ học bổng hay trợ cấp dành cho học sinh giỏi ngay tại trường mình, kể ra các tấm gương hiền tài được trọng dụng từng là học sinh của trường…

Tất cả những điều đó khiến học sinh hào hứng, phấn khởi, nhận thức được giá trị của người hiền tài, từ đó mà nỗ lực, mà cố gắng… Đó chính là giá trị thiết thực mà chúng tôi nhận thấy sau khi tìm hiểu văn bản và liên hệ thực tiễn.

Văn bản thứ hai “Yêu và đồng cảm” của tác giả Phong Tử Khải - một văn bản rất “đáng yêu”. Văn bản chú trọng nhấn mạnh yêu và đồng cảm ở người nghệ sĩ.

Tuy nhiên tác giả cũng khẳng định “Con người ta vốn là nghệ thuật, vốn giàu lòng đồng cảm. Chỉ vì lớn lên bị cách nghĩ của người đời dồn ép, nên tấm lòng ấy mới bị cản trở hoặc hao mòn”, chúng tôi đã phân tích kĩ câu văn này để khẳng định “bản chất của chúng ta ai ai cũng biết yêu và có lòng đồng cảm”.

Tôi dùng từ “đáng yêu” bởi ngay sau khi đọc xong văn bản này, tôi và những em học sinh của tôi đều có chung một cảm nhận: “Bấy lâu nay em đã sống vô cảm với mọi thứ xung quanh cô ạ!

Em đã không quan tâm đến cảm xúc của chiếc cặp sách khi thứ gì em cũng nhét vào trong đó, em đã không quan tâm đến đôi giày mỗi khi đi học về bừa đâu em đá đó, em đã không quan tâm đến sự trông ngóng của mẹ mỗi khi em về muộn, em đã không quan tâm đến cảm xúc của cô em gái mỗi khi giành chiếc điều khiển ti vi, em đã không biết yêu chiếc điện thoại khi bắt nó phải làm việc quá sức…”.

Nghệ thuật thuyết phục trong văn nghị luận SGK Ngữ Văn lớp 10 ảnh 1

Bìa sách giáo khoa Ngữ văn lớp 10 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.

Chúng tôi đã trao đổi với nhau về việc nên làm thế nào để yêu và đồng cảm, niềm vui của người dẫn dắt là các em học sinh đã hiểu ra: Đồng cảm là khi biết đặt mình vào vị trí của người khác, đồng cảm bao gồm một loạt các trạng thái cảm xúc, bao gồm chăm sóc người khác và có mong muốn giúp đỡ họ, trải nghiệm cảm xúc phù hợp với cảm xúc của người khác, nhận thấy những gì người khác đang nghĩ hoặc cảm thấy và thu hẹp sự khác biệt giữa bản thân và người khác.

Nó cũng có thể được hiểu là làm giảm khoảng cách giữa việc định danh chính mình và người khác. Đồng cảm cũng là khả năng cảm nhận và chia sẻ cảm xúc của người khác...

Bài tập về nhà của chúng tôi chỉ đơn giản là sắp xếp mọi vật về đúng vị trí của nó, không giẫm chân lên bồn cỏ trong sân trường vì nó cũng biết đau, không quăng quật cặp sách, gìn giữ sách vở không quăn mép, không xé vở mỗi khi kiểm tra… vì sẽ làm tổn thương chúng, không kì thị với người khuyết tật hoặc người kém may mắn, không nói lời cay nghiệt với bạn bè, không tranh giành chen lấn nơi đông người, biết chia sẻ việc nhà… và một bài tập đặc biệt ai cũng phải làm sau tiết học đó là ôm bố, mẹ nói câu “Con yêu bố, mẹ! Con cảm ơn bố, mẹ đã vất vả vì con!”. Chúng tôi đã học và thực hành trong những nốt thăng trầm của cảm xúc. “Yêu và đồng cảm” thật sự là một văn bản có ý nghĩa với tất cả cô và trò chúng tôi.

Ở phần Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm, học sinh được đọc một văn bản của Nhóm biên soạn “Điện thoại thông minh và người dùng, ai là ông chủ?”. Đây là một văn bản tham khảo nhưng các em học sinh đã rất hứng thú, cùng nhau “chiến đấu” để bảo vệ quan điểm của mình.

Tôi đã đưa đề tài này vào trong bài “Thảo luận về một vấn đề có ý kiến khác nhau”. Chúng tôi chia lớp thành hai nhóm, một nhóm cho rằng “điện thoại thông minh là ông chủ”, nhóm còn lại phải bảo vệ quan điểm “người dùng mới là ông chủ”.

Từ thực tiễn đời sống và những gì các em đang chứng kiến, nhóm “điện thoại thông minh là ông chủ” đã thắng thế khi đưa ra các luận điểm, bằng chứng thiết thực có tính thuyết phục cao. Chỉ với 4 luận điểm: Rẻ - Tiện - Nhanh - Thường xuyên với các dẫn chứng cụ thể:

Rẻ: Khi các hãng điện thoại cạnh tranh nhau về giá, ai cũng có khả năng mua sắm cho mình một chiếc điện thoại thông minh với số tiền vừa phải, giao dịch bằng điện thoại là thứ giao dịch rẻ nhất khi chỉ cần có mạng là đã có thể kết nối toàn cầu…

Tiện: Chỉ cần một cú chạm nhẹ là mọi thứ đều có thể xuất hiện trên tay của mỗi chúng ta, từ kiến thức Đông Tây Kim Cổ về KHTN, KHXH hay những chuyện vặt vãnh trong cuộc sống như ăn gì, chơi gì đều có thể tìm kiếm từ điện thoại mà ra. Chúng ta có thể ngồi một chỗ mà tìm hiểu cả thế giới, có thể ngồi một chỗ mà mua bán, kiếm tiền, có thể kết nối với hàng ngàn người mà nếu không có điện thoại thông minh thì chúng ta không thể làm được. Thú vị nhất là khi không biết điều gì, cứ hỏi điện thoại thông minh sẽ biết…

Nhanh: Giao dịch bằng điện thoại là giao dịch nhanh nhất. Cập nhật thông tin, tìm kiếm thông tin, gửi thông tin, chia sẻ thông tin … điện thoại là thiết bị nhanh nhất…

Thường xuyên: Đi đâu cũng thấy người người cầm điện thoại, nghe điện thoại, sử dụng điện thoại. Đi chơi, gặp mặt, giờ ra chơi, đi ăn, đi cafe… đâu đâu cũng thấy hiện tượng nhiều người cầm điện thoại, đặc biệt là giới trẻ. Chúng ta cũng không ngoại lệ, mở mắt thứ ta tìm đầu tiên là điện thoại, có thể quên mọi thứ nhưng không bao giờ quên điện thoại, chúng ta cầm điện thoại, chơi điện thoại nhiều hơn thời gian dành cho bố mẹ và chia sẻ việc nhà…

Từ những lí do trên, các bạn đã kết luận “điện thoại thông minh là ông chủ”. Thành công của bài học là sau khi phân tích, các bạn đã tự đặt ra câu hỏi: “Làm thế nào để không trở thành nô lệ của điện thoại thông minh?”

Đã có nhiều ý kiến hay được đưa ra: Tập thói quen rời xa điện thoại, giả vờ “quên” điện thoại, đặt mục tiêu và giới hạn thời lượng sử dụng điện thoại, xoá các ứng dụng hấp dẫn trên điện thoại, đọc thật nhiều sách, tham gia nhiều vào các hoạt động xã hội, các hoạt động thể thao ngoài trời, khi giao lưu gặp mặt thì quy định không được mang theo điện thoại, nhờ bạn bè kiểm soát nhau thời gian dùng điện thoại, buổi tối nộp điện thoại về phòng bố mẹ, tự ra kỉ luật đối với bản thân nếu vi phạm thì sẽ bị phạt…

Chúng tôi đã có một tiết học rất hào hứng, thú vị với một chủ đề rất gần gũi, phổ biến, các em tự tin phát biểu suy nghĩ của mình vì đây là vấn đề của chính các em đang trải qua. Tôi đánh giá rất cao về văn bản này, ngoài minh chứng cho tính thuyết phục của một bài văn nghị luận thì nó là một văn bản có giá trị giáo dục cao.

Trong chương trình giáo dục mới, việc học văn không còn đơn thuần là bàn về một văn bản văn học, chúng ta hướng đến rèn kĩ năng nhiều hơn cho học sinh, chính vì vậy, nhóm biên soạn sách đã phân bố thêm thời gian cho các tiết rèn luyện các kĩ năng: Nghe, nói và viết.

Học sinh được tập luyện và hoàn thiện các kĩ năng như: Kĩ năng nắm bắt và chắt lọc thông tin, kĩ năng thuyết trình, kĩ năng ứng dụng CNTT, tư duy phản biện… phù hợp với yêu cầu của thời đại mới.

Trong số các bài học đã thực hiện, chúng tôi nhận thấy học sinh hoạt động tích cực và có nhiều hứng thú với bài “Nghệ thuật thuyết phục trong văn nghị luận” hơn cả, có lẽ chính tính thiết thực của các văn bản nghị luận đã mang lại điều đó…

Việc tiếp cận chương trình sách giáo khoa mới vẫn còn nhiều khó khăn đối với cả giáo viên và học sinh, chúng tôi hi vọng có nhiều chuyên đề bổ ích và thiết thực để chúng tôi dễ dàng hơn trong việc tiếp cận và tiếp nhận cái mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ