Thầy trò cùng tập dượt đổi mới kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn lớp 10

GD&TĐ - Qua quá trình giảng dạy, kiểm tra thường xuyên, đánh giá giữa kỳ môn Ngữ văn lớp 10, các trường đã rút ra kinh nghiệm quý báu...

Học sinh lớp 10A3 - Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) trong giờ học Ngữ văn trên lớp. Ảnh: Đình Tuệ
Học sinh lớp 10A3 - Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) trong giờ học Ngữ văn trên lớp. Ảnh: Đình Tuệ

Kết cấu đề thi có sự phân hóa

Với 675 học sinh khối 10, Trường THPT Ngô Quyền (Hải Phòng) đã hoàn thành kiểm tra giữa học kỳ I các môn, trong đó có Ngữ văn. Cô giáo Cao Tố Nga – Hiệu trưởng nhà trường – chia sẻ: “Nhà trường ra đề môn Ngữ văn theo hướng 70% tự luận và 30% trắc nghiệm. Chương trình lớp 10 mới, trò được học các kỹ năng chứ không chỉ là ôn luyện bài cụ thể như trước đây nên đề ra rất mở. Bước đầu tiên chắc chắn không tránh khỏi bỡ ngỡ, nhưng đây là bước tập dượt để thầy trò cùng làm quen với phương pháp học tập cũng như đánh giá theo hình thức mới, chuẩn bị cho kiểm tra cuối kỳ”.

Cũng theo cô Tố Nga, đề Ngữ văn được thực hiện theo nguyên tắc chéo khối, giáo viên dạy không phải là người ra đề. Tổ Ngữ văn của trường có 11 người, trong đó 4 thầy cô dạy khối 10. Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về việc kiểm tra không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa, các em đã chủ động tìm hiểu nhiều nguồn tư liệu bên ngoài.

Cách kiểm tra này cũng đánh giá năng lực đọc – hiểu của học sinh, tương tự như đề thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội hay kiểm tra tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội. Học sinh phải nắm được các đặc trưng về thể loại, đọc kỹ văn bản để tìm đúng nội dung cũng như vẻ đẹp nghệ thuật trong mỗi tác phẩm. Định hướng của nhà trường từ nay đến cuối năm học là tiếp tục xây dựng ma trận đề thi phù hợp với thực tế để đánh giá đúng thực lực học sinh.

Thầy Nguyễn Văn Cuông - Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Văn Nghị (Nam Định) - cho biết, năm học này trường tuyển mới 450 chỉ tiêu vào lớp 10. Đợt đánh giá giữa kỳ I vừa qua, trường vẫn ra đề tự luận. Chỉ kỳ thi cuối học kỳ I và cuối năm mới ra đề Ngữ văn theo hình thức tự luận kết hợp trắc nghiệm. Điều này để các em làm quen với môi trường học tập, kiểm tra ở cấp THPT khi học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Nội dung đề thi cũng được ra theo hướng mở để học sinh vận dụng các kiến thức đã học trên lớp cũng như ngoài xã hội để giải quyết vấn đề.

Kết thúc đợt đánh giá giữa kỳ I với kết quả khả quan, cô Nguyễn Thị Nhâm Huyền - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) - cho biết, việc xây dựng ma trận đề thi, nhất là ở khối 10 do các tổ chuyên môn thực hiện theo hướng gợi mở chứ không bó hẹp ở một thể loại văn học duy nhất. Đặc biệt, việc đưa các ngữ liệu ngoài sách giáo khoa vào đề thi cũng được học sinh hưởng ứng nhiệt tình.

Trong các bài kiểm tra thường xuyên, giáo viên có thể lấy một số sự kiện mang tính thời sự đưa vào đề để học trò phân tích, bình luận. Theo nhận định của thầy Cuông, học sinh khối 10 năm nay đã có sự cân nhắc và lựa chọn nhóm tổ hợp môn theo định hướng ngay từ đầu. Cách thức giảng dạy của giáo viên cũng có nhiều điểm mới, học trò được tăng tính chủ động trong học tập.

Đỗ Thảo Vy và Đoàn Tâm Anh, học sinh lớp 10A3, Trường THPT Phan Đình Phùng, chia sẻ: “Các thầy cô cho chúng em làm quen với ma trận đề, phần đọc hiểu có cả trắc nghiệm và tự luận, rèn luyện kỹ phần viết văn. Nội dung mở nên học sinh không thể học tủ, học vẹt mà bắt buộc phải khai thác tối đa các kiến thức từ nhiều nguồn. Ví dụ một trào lưu hay sự kiện nào đó mang tính thời sự cũng có thể phân tích, bình luận dưới góc độ văn chương. Chúng em rất hứng thú và hy vọng sẽ quen với dạng thức này để làm bài kiểm tra cuối kỳ và cuối năm tốt hơn”.

Cô Cao Tố Nga – Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền – TP Hải Phòng. Ảnh: Đình Tuệ

Cô Cao Tố Nga – Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền – TP Hải Phòng. Ảnh: Đình Tuệ

Không phải là việc dễ

Theo PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt - Ngữ văn, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, nhìn nhận, việc thiết kế đề thi trắc nghiệm không phải là công việc dễ dàng. Ngoài đáp án đúng, các phương án “mồi nhử” cũng phải làm tốt chức năng gây nhiễu, phân loại học sinh.

Tuy nhiên, trong các câu hỏi trắc nghiệm được chia sẻ rộng rãi có nhiều đáp án sai hiển nhiên hoặc đúng hiển nhiên, học sinh không cần học cũng có thể lựa chọn được phương án nên dễ lấy điểm từ những câu hỏi kiểu này. Phần ôn tập học kỳ, sách Ngữ văn 10, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống cũng giới thiệu một số đề kiểm tra, được thiết kế theo hướng kết hợp trắc nghiệm và tự luận, nhưng phần trắc nghiệm chiếm một tỷ lệ nhỏ.

Theo PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, các câu hỏi trắc nghiệm được dùng trong nhà trường hầu hết do giáo viên tự xây dựng và chưa được thử nghiệm theo đúng quy trình thiết kế câu hỏi trắc nghiệm. Hệ quả của việc này là đánh giá học sinh chưa chính xác.

“Tôi cho rằng đang có cách hiểu đơn giản hóa và không đúng về đánh giá theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Không nên cho rằng ra đề trắc nghiệm khách quan là xu hướng tất yếu cần phải theo. Với môn Ngữ văn, đánh giá bằng câu hỏi tự luận vẫn phải là chủ đạo và cũng có thể là duy nhất tùy vào lựa chọn của từng địa phương và nhà trường. Đề môn Ngữ văn không chỉ kiểm tra kiến thức, mà còn đòi hỏi học sinh có khả năng diễn đạt, trình bày vấn đề và bộc lộ cảm xúc khi viết. Do đó, áp dụng trắc nghiệm phải đi kèm với tự luận”, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Tại Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội), đánh giá giữa kỳ I với khối 10, ma trận đề kết hợp giữa tự luận và trắc nghiệm có phổ điểm đạt từ 6 - 7. Theo ThS Nguyễn Hằng Nga – Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn, hiện Bộ GD&ĐT chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về đề thi khối 10 mới. Dù vậy, sau khi đi tập huấn về, tổ bộ môn tự xây dựng ma trận đề thi theo cấu trúc 60% là đọc hiểu văn bản, kiểm tra về mặt kiến thức; 40% kiểm tra kỹ năng làm văn của học sinh.

Cũng theo cô Nga, chương trình mới không làm khó học sinh trong quá trình kiểm tra. Tuy nhiên, phương pháp dạy môn Ngữ văn mới không phải giáo viên nào cũng thích, bởi, chưa tôn lên được chất văn chương mà thiên về kỹ năng và dường như đã làm “mờ nhạt” chức năng của môn Ngữ văn trong nhà trường, đó là bồi dưỡng khả năng cảm thụ văn chương cho học sinh.

Ông Hà Xuân Nhâm - Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Hà Nội - nhấn mạnh, việc kiểm tra đánh giá với lớp 10 được các nhà trường áp dụng theo quy định tại Thông tư 22 của Bộ GD&ĐT. Ngành Giáo dục Hà Nội đã triển khai tập huấn cho giáo viên ở từng bộ môn ngay từ đầu năm. Các nhà trường cũng chủ động xây dựng ma trận đề thi đặc tả đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng theo định hướng mới. Thời gian tới, Sở sẽ căn cứ theo những văn bản mới nhất của Bộ GD&ĐT về kiểm tra, đánh giá để phổ biến, hướng dẫn các nhà trường thực hiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ