Dạy Ngữ văn lớp 10 Chương trình GDPT 2018: Khó đến đâu, gỡ đến đó

GD&TĐ - Dù gặp nhiều khó khăn, vướng mắc giáo viên tại Kon Tum luôn chủ động, linh hoạt, trao đổi để tìm phương pháp giảng dạy Ngữ văn phù hợp.

Giáo viên Trường PTDTNT tỉnh Kon Tum dạy môn Ngữ văn lớp 10 gắn với biểu diễn cồng chiêng.
Giáo viên Trường PTDTNT tỉnh Kon Tum dạy môn Ngữ văn lớp 10 gắn với biểu diễn cồng chiêng.

Nhận diện khó khăn

Sau khoảng 3 tháng thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 10, với những khó khăn bỡ ngỡ ban đầu, đến nay môn Ngữ văn lớp 10 tại tỉnh Kon Tum đã cơ bản đạt được mục tiêu mà chương trình đề ra.

Thầy Lê Đắc Tường, Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Liên Việt Kon Tum (TP Kon Tum), cho biết, so với chương trình năm 2000 và 2006, Chương trình GDPT 2018 đối với môn Ngữ văn có nhiều điểm mới. Cụ thể là đổi mới phương pháp dạy học Ngữ văn theo hướng áp dụng kỹ thuật dạt học nhằm phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh.

Tuy nhiên, theo thầy Tường, áp dụng các phương pháp và kỹ thuật dạy học vào thực tiễn nhất là ở vùng khó khăn là thách thức lớn. Bên cạnh đó, giáo viên vẫn nặng tâm lý nói ít, ghi bảng ít, học sinh sẽ mất kiến thức… Do đó trước mắt cần có sự thận trọng và quá trình chuyển đổi dần về phương pháp dạy học, vị thế người thầy, trò…, nhất là trong việc dạy học văn bản.

“Chương trình GDPT 2018, giáo viên lấy học sinh làm trung tâm cho mọi hoạt động giảng dạy. Qua đó, giúp học sinh được tôn trọng sự khác biệt và đạt được độc lập trong tư tưởng”, thầy Tường nói.

Cô giáo Nguyễn Hoàng Quỳnh Trang – Trường THPT Ngô Mây (TP Kon Tum) – cho hay, năm học 2022 – 2023 nhà trường giảng dạy chương trình lớp 10 mới với bộ sách Cánh diều. Bộ sách Ngữ văn được biên soạn có những bài học với thể loại khác nhau, hướng đến rèn luyện năng lực toàn diện (nghe, nói, đọc và viết) cho học sinh, trong đó ưu tiên văn bản văn học. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên và học sinh trong việc tiếp cận bài học.

Theo cô Trang, trong quá trình giảng dạy môn Ngữ văn vẫn đối diện khó khăn như kỹ năng nghe, đọc, nói, viết của một số học sinh còn hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều em nhút nhát, thiếu tự tin khi thuyết trình, phản biện các nội dung liên quan đến bài học.

Quá trình tương tác để khám phá, hình thành kiến thức trong mỗi bài học tương đối bị động, đôi lúc mang tính hình thức. Do đó, các em cần thời gian để quen dần và trở nên tự tin, mạnh dạn hơn khi phát biểu ý kiến, thuyết trình sản phẩm học tập trước tập thể. Không những thế, giáo viên phải đầu tư thiết kế bài dạy, đa dạng các hoạt động học tập giúp trò tích cực tự khám phá, kiến tạo tri thức cho mình.

“Hiện nay, thiết bị, đồ dùng, như tranh ảnh hay video phục vụ cho bài học chưa được trang bị. Giáo viên thông qua mạng Internet để tự tìm kiếm các nguồn học liệu để bài học trở nên sinh động và tạo hứng thú cho học sinh; tuy nhiên, chưa có sự đồng bộ, thống nhất giữa các giáo viên với nhau”, cô Trang nói.

Ảnh minh họa/ INT

Ảnh minh họa/ INT

Linh hoạt trong dạy học

Tại Trường Phổ thông DTNT Đăk Glei (huyện Đăk Glei, Kon Tum), học sinh còn hạn chế khả năng cảm thụ đối với môn Ngữ văn, nhất là về ngôn ngữ. Bên cạnh đó, các em ngại trao đổi, thảo luận, thường rơi vào trạng thái thụ động khi học. Không những vậy, khả năng tư duy, sáng tạo của trò hạn chế dẫn đến lối học chay, học vẹt, học trước quên sau.

Chia sẻ thông tin, cô Nguyễn Thị Hạnh, Trường Phổ thông DTNT Đăk Glei, cho hay: Bên cạnh những khó khăn của giáo viên khi làm quen với chương trình mới thì cơ sở vật chất vẫn chưa đảm bảo, ảnh hưởng đến quá trình thảo luận nhóm, hạn chế sự hỗ trợ của giáo viên… Bên cạnh đó, Trường Phổ thông DTNT Đăk Glei chưa có phòng học bộ môn nên các tiết dạy minh họa phải thực hiện trên lớp, phương pháp dạy học tích cực, các kỹ thuật dạy học tiến hành chưa hiệu quả.

Để khắc phục những khó khăn, bất cập, cô Hạnh cùng giáo viên trong trường nghiên cứu, trao đổi và dự giờ, tham khảo các trường rồi cùng phân tích phương pháp dạy học. Đồng thời hướng dẫn các em thảo luận, thuyết trình, nghiên cứu bài học, để trò tự chia sẻ những cảm nhận của mình. Ngoài ra, thầy cô tổ chức nhiều trò chơi, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo không khí thoải mái, giúp các em tự tin, hứng thú hơn khi học tập.

Để chất lượng dạy học nâng cao, thầy Lê Đắc Tường cho rằng, người giáo viên phải quán xuyến không chỉ trong từng bài học, chủ đề, mà còn phải lưu tâm đến kiến thức, năng lực của học sinh đã đạt ở lớp dưới, cấp dưới. Ngoài ra, việc tích hợp liên môn, xuyên môn cũng là vấn đề cần được chú ý. Bởi đây là một kênh quan trọng nhằm rèn kỹ năng tổng hợp, kỹ năng sống, năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn cho các em. Không những thế, giáo viên cần phải ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học để đem lại hiệu quả, chất lượng.

“Thế nhưng ở địa bàn khó khăn thì vấn đề áp dụng công nghệ thông tin đang gặp nhiều thách thức. Bởi năng lực công nghệ thông tin của giáo viên và học sinh còn hạn chế. Ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học Ngữ văn cần đầu tư về cơ sở vật chất, đặc biệt là các lớp tập huấn bồi dưỡng”, thầy Tường nói.

Chia sẻ kinh nghiệm dạy – học tốt môn Ngữ văn lớp 10, thầy Bùi Văn Tĩnh, Trường THPT Quang Trung (huyện Sa Thầy, Kon Tum), cho hay, nhà giáo cần phát huy tính tích cực của người học. Theo đó, giáo viên chú ý hình thành cho học sinh phương pháp tiếp nhận, thực hành, vận dụng nhiều kiểu văn bản khác nhau để có thể học suốt đời và có khả năng giải quyết những vấn đề trong cuộc sống. Bên cạnh đó, cần khơi gợi, vận dụng kinh nghiệm và vốn hiểu biết đã có của học sinh để tổ chức tìm hiểu, khám phá nhằm bổ sung, điểu chỉnh, hoàn thiện kiến thức. Đồng thời, giáo viên cần đa dạng hóa phương pháp, kỹ thuật, hình thức tổ chức dạy học, như: Phương pháp thảo luận nhóm, dạy học dựa trên dự án, đàm thoại gợi mở và dạy học hợp tác…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ