Tích hợp Ngữ văn trong dạy học Lịch sử

GD&TĐ - Giảng dạy Lịch sử, người giáo viên đóng vai trò quan trọng trong việc làm sống lại các sự kiện lịch sử. Tuy nhiên nếu chỉ dựa vào những kiến thức trong sách giáo khoa thì khó có thể tạo dựng lại không khí lịch sử cần thiết, thu hút các em đi sâu tìm hiểu, khám phá quá khứ của dân tộc, của thế giới.

Tích hợp Ngữ văn trong dạy học Lịch sử

Để tạo nên những cảm xúc thực sự trước những sự kiện thì việc vận dụng kiến thức văn học vào giảng dạy lịch sử là điều cần thiết, nó góp phần làm cho bài giảng trở nên sinh động và hấp dẫn, nâng cao hứng thú học tập của học sinh.

Văn Học và Lịch Sử có liên hệ với nhau, kiến thức môn này sẽ hỗ trợ cho môn kia, văn học sẽ cung cấp cho ta những tư liệu lịch sử mà nhờ đó học sinh có thể nhận thức một cách rõ ràng, như khi học tác phẩm …

Khi dạy về phần Lịch sử Việt Nam Lớp 12,  Chương III (1945-1954), IV (1954-1975), giáo viên có thể vận dụng triệt để kiến thức văn thơ kháng chiến của nhà thơ Tố Hữu vào những bài dạy ở các chương này.

Chẳng hạn khi dạy về nguyên nhân thắng lơi của hai cuộc kháng chiến chống Mĩ giáo viên có thể vận dụng đoạn thơ sau để gây ấn tượng cho học sinh

“ ...31 triệu dân

Tất cả hành quân, tất cả thành chiến sĩ

hiện đại, thô sơ của ngày xưa và của bây giờ

với cách mạng đều là vũ khí

tên lửa, tên tre, lưỡi lê, lưỡi mác

và thuyền và xe

chân đi vai vác

qua núi qua khe

mạnh hơn thác trùng trùng vô tận...”

Quân dân ta ra trận với toàn bộ khí thế, tinh thần và sức mạnh toàn dân tộc, với mọi thứ vũ khí sẵn có trong tay để làm nên thắng lợi như lời đoạn thơ sau của nhà thơ Tố Hữu:

“Việt Nam, ôi xứ xở lạ lùng

đến em thơ cũng hóa những anh hùng

đến ong dại cũng luyện thành chiến sĩ

và hoa trái cũng biến thành vũ khí…"

Đó là đường lối của cuộc chiến tranh nhân dân, đánh giặc bằng mọi điều kiện đặc biệt là điều kiện tự nhiên của xứ sở nhiệt đới.

Và khi nói về tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mĩ của nhân dân ta, lên án tội ác và tính phi nghĩa của cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mĩ ở miền Nam Việt Nam đồng thời tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân tiến bộ thế giới, ta có thể sử dụng đoạn thơ sau của nhà thơ Tố Hữu:

“...Nhân danh ai bay mang đến đất này

Những Na-pan, hơi độc

Bay đến từ đảo Guam, từ tòa Bạch ốc

Để ám sát hòa bình, tự do dân tộc

Giết những người con  chỉ biết yêu thương

Giết những trẻ em chỉ biết đi trường

Giết những đồng xanh của bốn mùa hoa lá

Và giết cả những dòng sông của thơ ca, nhạc họa".

Hoặc khi nói về tội ác của chính quyền Mĩ-ngụy khi chúng thi hành đạo luật 10/59 lê máy chém khắp miền Nam, tàn sát người vô tội với chính sách thà giết nhầm hơn bỏ sót.

Giáo viên có thể sử dụng đoạn thơ sau trong bài thơ "Lá thư Bến Tre" của nhà thơ Tố Hữu để gây ấn tượng cho học sinh và các em thấy được đó là nguyên nhân cơ bản nhất bùng nổ Phong trào Đồng Khởi (1959-1960) ở miền Nam - đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của cách mạng miền Nam, chuyển cách mạng từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tấn công.

“ Biết không anh Long Mĩ, Hiệp Hưng

Thảm lắm anh à lũ ác ôn

Giết cả trăm người trong một sáng

Máu tươi lênh láng đỏ đường thôn

Có những em nhỏ nghịch ra xem giặc

Chúng bắt vô vườn trói gốc cau

Chúng đốt chúng cười, em nhỏ khóc

ơi nóng quá cứu con mau

Có những ông già chúng khảo tra

Chẳng khai chúng chém giữa sân nhà

Có chị sắp sinh không chịu nhục

Lấy vồ chúng đập vọt thai ra…”

Học sinh sẽ chú ý lắng nghe, khi được gọi nhận xét, các em có khả năng nhận xét được không khí trong cuộc khởi nghĩa khi liên tưởng đến những sự kiện mình đang học bằng hình ảnh miêu tả của bài thơ. Đồng thời còn giúp các em đánh giá đúng vai trò của quần chúng nhân dân là những người làm nên lịch sử - Là động lực chính đưa cách mạng đến thành công.

Không chỉ mô tả về diễn biến của các trận đánh của từng chiến dịch mà còn hướng cho học sinh đi tìm  hiểu nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc ta, để  thấy rằng các em rất xúc động về những hình ảnh mà mình thu nhận được.

Điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc giáo dục tinh thần cảm phục đối với công lao của các thế hệ đi trước. Đồng thời cũng góp phần nâng cao ý thức bảo vệ quê hương đất nước trong nhận thức của các em.

Khi nói về ý nghĩa “Chiến thắng của Điện Biên phủ”, giáo viên trích câu thơ: 

“Chín năm làm một Điện Biên

Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”

Nhìn chung có rất nhiều kiến thức để vận dụng văn học trong giảng dạy bộ môn Lịch sử. Ta có thể đưa vào bài giảng một câu thơ, một đoạn văn hay một trích đoạn nhằm giúp học sinh có thể nêu ra một kết luận khái quát cụ thể hóa một vấn đề hay một sự kiện lịch sử đã được học.

Như vậy ta thấy rằng: Sử dụng tích hợp kiến thức văn học trong giảng dạy Lịch sử không những giúp các em nắm vững nhanh chóng, nhớ lâu bài học mà còn góp phần củng cố thêm kiến thức văn học, tạo điều kiện cho học sinh hình thành phương pháp liên hệ trong quá trình học tập của mình.

Theo Thầy Lê Quốc Học - Trường THPT Đoàn Thị Điểm (Hà Nội)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ