Tổng thống Thụy Sĩ - bà Viola Amerd trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Anh Reuters đã cho biết lệnh cấm vận gây tổn hại cho ngành công nghiệp và an ninh quốc gia.
Bà Amerd nói: “Cá nhân tôi tin rằng chúng ta nên tiến hành một bước đi nhằm mang tới sự thay đổi”. Nguyên thủ quốc gia lấy ví dụ là Hà Lan đã từ chối mua vũ khí của Thụy Sĩ do lệnh cấm tái xuất khẩu.
Ngoài ra theo bà Amerd, việc thiếu đơn hàng có thể dẫn đến tình trạng trì trệ về mặt công nghệ đối với tổ hợp công nghiệp quốc phòng, từ đó kéo theo các vấn đề với an ninh đất nước.
Bà Amerd nhấn mạnh, Thụy Sĩ sẽ không trực tiếp bán và cung cấp vũ khí cho các nước tham chiến nhưng nói thêm rằng Bern cần đầu tư nhiều hơn vào an ninh ở châu Âu, ngoài ra nước này có kế hoạch tăng cường quan hệ với các đối tác, trong đó có NATO.
Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ nói: “Trong 30 năm qua, chúng ta đã đầu tư kém vào quốc phòng và cần phải bù đắp điều đó”.
Trước đó vào cuối tháng 9, truyền thông đưa tin hầu hết các nước châu Âu bắt đầu từ bỏ vũ khí do các công ty Thụy Sĩ sản xuất.
Bước đi như vậy chủ yếu liên quan đến lệnh cấm tái xuất khẩu vũ khí sang Ukraine, điều này gây ra sự phẫn nộ đối với nhiều người sử dụng vũ khí Thụy Sĩ ở châu Âu.
Sự không hài lòng lớn nhất được thể hiện ở Đức - quốc gia có mối quan hệ chặt chẽ nhất với ngành công nghiệp quốc phòng và các sản phẩm do Thụy Sĩ sản xuất trong số tất cả các nước châu Âu.
Hiện Đức không coi Thụy Sĩ là đối tác đáng tin cậy bởi nước này đã cấm cung cấp một số loại vũ khí bởi vì lo ngại Đức có thể tái xuất khẩu sang Ukraine.
Ngoài Đức, vào năm 2023, Hà Lan đã từ bỏ hoàn toàn việc mua vũ khí của Thụy Sĩ sau khi Bern chặn xuất khẩu 96 xe tăng Leopard 1 được cất giữ ở Ý.