Ngày nay Hải quân Nga có trong trang bị chiếc tàu sân bay duy nhất mang tên "Đô đốc Kuznetsov", tuy nhiên triển vọng trở lại phục vụ ngày càng mờ mịt sau những cuộc sửa chữa dài.
Hiện tại, thậm chí có tin Nga đã đưa toàn bộ tiêm kích hạm lên các sân bay trên bờ và thành lập một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ từ quân nhân từng phục vụ trên chiếc chiến hạm này để đưa đi tham chiến tại Ukraine.
Nhưng cần lưu ý, ngay từ năm 2021, Bộ Quốc phòng Liên bang Nga đã chủ trì xem xét 3 phương án chế tạo tàu sân bay mới, trong đó 2 bản thiết kế có "cơ hội thực hiện cao" và dự án còn lại "đang được nghiên cứu nhưng chưa phải là ưu tiên".
Đồng thời Moskva nói về "cơ hội cao" để chế tạo một tàu sân bay khác biệt, giá của nó sẽ lên tới 500 nghìn tỷ rúp, và máy bay chiến đấu trên hạm sẽ là biến thể của Su-57 "thuộc thế hệ thứ năm".
Bên cạnh đó, nhu cầu về tàu sân bay mới cũng như tính hiệu quả của việc chế tạo chúng phải được đánh giá trong khuôn khổ chương trình vũ khí cấp nhà nước giai đoạn 2024 - 2033.
Vào đầu tháng này, Tổng Giám đốc Trung tâm khoa học Krylov - ông Oleg Savchenko đã công bố phát triển một dự án ý tưởng tàu sân bay khác cho Hải quân Nga và lưu ý:
“Hai năm trước, chúng tôi đã hoàn thành thiết kế ý tưởng của một con tàu như vậy, nó được gọi là MAK - tổ hợp tàu sân bay thủy quân lục chiến”.
Cùng với tin tức này, các phương tiện truyền thông Nga đồng loạt đăng bài phỏng vấn phi công thử nghiệm Roman Taskaev, người tuyên bố rằng tiêm kích thế hệ thứ năm hoạt động trên tàu sân bay của họ phải có "tầm bay vừa đủ" đi kèm một trạm radar "đủ tốt".
Ông Taskaev thừa nhận rằng Liên bang Nga thua xa Mỹ về số lượng tiêm kích hạm hoạt động trên tàu sân bay và cũng đề cập đến máy bay tấn công Yak-38 của Liên Xô.
Vị chuyên gia nói rằng Liên bang Nga hiện có "năng lực kỹ thuật và thiết kế" để phát triển tàu sân bay hạng nhẹ với tiêm kích cất hạ cánh thẳng đứng như lớp America của Mỹ hay Type 075 của Trung Quốc - đây đều là phương tiện cần thiết trong bối cảnh mới.