Thương hiệu quốc gia

GD&TĐ - Hãng định giá thương hiệu của Anh – Brand Finance - mới đây công bố báo cáo về thương hiệu quốc gia năm 2020 (Nation Brands 2020).

Theo đó, Việt Nam là thương hiệu quốc gia tăng giá trị nhanh nhất thế giới trong năm nay, với 29% lên 319 tỷ USD. Thứ hạng cũng cải thiện từ 42 lên 33.

Đây là đánh giá của một tổ chức “định giá thương hiệu” uy tín ở Anh quốc chứ không phải là cách “tự sướng” của một số người Việt hay “lạc quan tếu”. Các nhà nghiên cứu về tài chính, các chuyên gia kinh tế sẽ đi sâu vào phân tích thế nào là “giá trị thương hiệu quốc gia”, vì sao Việt Nam là thương hiệu quốc gia tăng giá trị nhanh đến vậy và con số 319 tỷ USD trên đây mang ý nghĩa như thế nào…

Ở đây, chỉ bằng “mắt thường” của một người Việt bình thường, nhìn lại những gì mà cả nước gồng mình để vượt khó trong năm qua, chúng ta cũng thấy được những tín hiệu lạc quan từ những nỗ lực đó mang lại.

Ba đợt dịch Covid-19, mỗi đợt cách nhau 2 - 3 tháng đã “bủa” xuống đất nước chúng ta, cộng với các đợt “dịch” Covid-19 trên mạng xã hội đã có lúc đặt người Việt trước một tình cảnh bi quan với câu hỏi: Liệu Việt Nam có vượt qua được khủng hoảng về đại dịch này hay lại “vỡ trận” như các nước? Mỗi đợt dịch lây lan ra cộng đồng là một lần xuất hiện trong suy nghĩ của người Việt câu hỏi đó. Cuối cùng thì chúng ta cũng đã vượt qua, ít ra là cho đến thời điểm này. 

Chúng ta vừa tự đặt câu hỏi nhưng cũng là tự nhủ lòng mình, tự động viên mình và cộng đồng cùng vượt qua chứ không phải hỏi để rồi buông tay. Số người mắc ít nhất, chết do dịch Covid-19 cũng ít nhất, khống chế dịch cũng nhanh nhất và hiệu quả nhất, người dân đồng thuận với Chính phủ ở mức cao nhất để sớm loại dịch bệnh ra khỏi cộng đồng…

Thực tế đó đã được thế giới thừa nhận và đánh giá rất cao Việt Nam về cách thức tổ chức chống dịch cũng như biết “kích hoạt” sự đồng lòng của toàn dân. Một “thương hiệu quốc gia” được đánh giá là “tăng đột biến” không thể không tính đến việc chống dịch nói trên.

Vừa chống dịch một cách hiệu quả nhất nhưng chúng ta không quá thụ động co cụm để “giữ thân” mà song song đó, các hoạt động sản xuất vẫn được tiến hành trong hoàn cảnh mới, đặt an toàn lên trên hết. Kinh tế tăng trưởng dương dù không đạt như kế hoạch đã đề ra, vẫn là một tín hiệu vui.

Phải đặt đất nước trong điều kiện cả thế giới tê liệt như thế để thấy được sự điều hành hiệu quả của Chính phủ, mới có được thành tựu như thế. Trong khi phần lớn nền kinh tế các nước đều “tăng trưởng âm” thì Việt Nam lại tăng ở chiều ngược lại nên “giá trị thương hiệu quốc gia” cũng phải được tính luôn vào đột phá này.

Có thể sau cơn đại dịch kinh hoàng này, thế giới lại phải nhìn Việt Nam dưới một lăng kính khác, như họ đã từng “nhìn” nước ta thời chiến tranh. Hễ mỗi lần đất nước bị dồn vào tình thế thắt ngặt nhất thì chính lúc đó, lòng yêu nước và sự tự tôn của dân tộc lại bùng lên. Đó cũng chính là “thương hiệu quốc gia” mà mỗi người Việt tự hào vậy…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.