Thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 319 tỷ USD, tăng nhanh nhất thế giới

Nhờ thành tích chống dịch Covid-19, Việt Nam được ghi nhận là quốc gia có giá trị thương hiệu tăng nhanh nhất thế giới trong báo cáo về thương hiệu quốc gia năm 2020 (Nation Brands 2020) của Brand Finance.

Việt Nam được đánh giá đã sử dụng các biện pháp phù hợp và hiệu quả để kiểm soát COVID-19.
Việt Nam được đánh giá đã sử dụng các biện pháp phù hợp và hiệu quả để kiểm soát COVID-19.

Hãng định giá thương hiệu của Anh nhận định giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam đã tăng 29% so với năm ngoái, lên tới 319 tỷ USD. Nhờ đó Việt Nam đã tăng hạng 9 bậc lên vị trí thứ 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới.

Trong giai đoạn 4 năm qua, thứ hạng giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh nhờ những nỗ lực của Chính phủ về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao thành tích xuất nhập khẩu, hỗ trợ thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp và những dự báo tích cực về tăng trưởng GDP.

Trong năm 2019, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 247 tỷ USD (tăng 12 tỷ USD tương đương 5,4% so với con số 235 tỷ USD năm 2018) và xếp hạng thứ 42.

Năm nay, Brand Finance đánh giá cao công tác xử lý khủng hoảng y tế và kinh tế của Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh đây là thời điểm tốt để các nước như Việt Nam tăng cường thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

“Việt Nam ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 và tử vong thấp một cách đáng ngạc nhiên. Đây cũng được chọn là điểm đến hàng đầu tại Đông Nam Á cho hoạt động sản xuất, và ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư Mỹ đang tìm cách chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc. Ngoài ra, các hiệp định thương mại mới ký kết với Liên minh châu Âu (EU) cũng góp phần nâng tầm vị thế của Việt Nam”, báo cáo cho biết.

Việt Nam xếp thứ 57 về hạng mục "kinh tế mạnh mẽ và ổn định", hiện là một trong số ít các quốc gia được IMF dự báo tăng trưởng dương trong năm nay.

Theo Brand Finance, 2020 là phép thử đối với các quốc gia trên thế giới với đại dịch COVID-19 gây tác động tới triển vọng GDP, lạm phát và gây bất ổn kinh tế trên toàn cầu. Hãng này ước tính 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới mất 13.100 tỷ USD trong năm nay, giảm từ 98.000 tỷ USD năm 2019 xuống còn 84.900 tỷ USD.

Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục là hai quốc gia có giá trị thương hiệu lớn nhất thế giới với lần lượt 23,7 nghìn tỷ USD và 18,8 nghìn tỷ USD, giảm lần lượt 14% và 4%. Brand Finance đánh giá quan hệ giữa hai cường quốc vẫn "rất mong manh" do chiến tranh thương mại gây tác động tới cả hai nền kinh tế trong vài năm qua.

Dù giá trị thương hiệu giảm 6% xuống còn 4.261 tỷ USD, Nhật Bản tăng từ hạng 4 năm 2019 lên thứ 3 năm nay. Ngược lại, Đức rơi từ thứ 3 xuống 4 với mức giảm tới 21,5% xuống còn 3.812 tỷ USD. Đức là quốc gia có giá trị thương hiệu giảm mạnh nhất trong top 10. Anh đứng vị trí thứ 5 với giá trị thương hiệu quốc gia giảm 14% xuống còn 3.300 tỷ USD. 

Trong khi đó, Ireland là quốc gia duy nhất trong top 20 có giá trị thương hiệu tăng với mức 11% lên 670 tỷ USD nhờ xuất khẩu và chi tiêu tiêu dùng trong nước.

Trên toàn cầu, Argentina là quốc gia có giá trị thương hiệu giảm mạnh nhất với 57% xuống còn 157 tỷ USD. Quốc gia này hiện ghi nhận trên 1 triệu ca nhiễm COVID-19.

Được thành lập năm 1996, Brand Finance là hãng định giá thương hiệu và tư vấn chiến lược độc lập có trụ sở tại London (Anh). Kết quả định giá thương hiệu của Brand Finance được sử dụng và công bố chính thức trên các kênh truyền thông hàng đầu như BBC, CNN, CNBC, Bloomberg, The Economist, The Wallstreet Journal…

Brand Finance định giá thương hiệu quốc gia dựa trên mô hình tương tự với doanh nghiệp khi sử dụng các chỉ số về Sức mạnh thương hiệu, GDP dự báo và phương pháp tính giá trị ròng (NPV) để đưa ra kết quả cuối cùng.

Bên cạnh định giá thương hiệu quốc gia, Brand Finance cũng chấm điểm sức mạnh thương hiệu các nước. Theo đó, Đức là thương hiệu quốc gia mạnh nhất thế giới năm nay với điểm số 84,9 trên 100 và đạt mức đánh giá AAA.

Theo Chinhphu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.