Công bố các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia

GD&TĐ - Năm 2016, có 88 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia; trong đó có tới 70 doanh nghiệp có doanh thu đạt từ 1.000 tỉ đồng trở lên; 26 doanh nghiệp có quy mô đạt doanh thu trên 5.000 tỉ đồng. 

Công bố các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia

Đó là thông tin được lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết tại họp báo vừa diễn ra tại Hà Nội về Lễ công bố các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia lần thứ 5.

Chủ trì họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, việc lựa chọn các doanh nghiệp có thương hiệu sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia được tiến hành 2 năm một lần bắt đầu từ năm 2008, nhằm mục đích khuyến khích các doanh nghiệp theo đuổi các giá trị của Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam là Chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực tiên phong.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam gặp nhiều khó khăn thách thức, các doanh nghiệp thương hiệu quốc gia vẫn tăng trưởng và phát triển vững mạnh. Ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, hầu hết các doanh nghiệp đều duy trì tốc độ tăng trưởng cao cả về lợi nhuận và doanh thu, giữ vững thị trường nội địa và phát triển thị trường xuất khẩu, đặc biệt có doanh nghiệp tăng trưởng gần 70%.

“Những đóng góp của các doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia vào nền kinh tế Việt Nam cũng rất lớn. Giá trị xuất khẩu đạt hơn 2 tỷ USD và đóng góp cho ngân sách Nhà nước là hơn 59.000 tỷ đồng tăng hơn 27% so với năm 2013 với khoảng nửa triệu lao động đã được tạo công ăn việc làm”, ông Đỗ Kim Lang khẳng định.

Trả lời câu hỏi về việc cả nước hiện có hơn 500.000 doanh nghiệp nhưng mới chỉ có 88 doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia là một con số khiêm tốn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, chương trình Thương hiệu quốc gia có các tiêu chí cụ thể và khắt khe. Trên cơ sở những tiêu chí đã đưa ra, doanh nghiệp dù có quy mô lớn hay bé đều có thể đăng ký tham gia và được xét chọn. Việc thực hiện chương trình không phải để chạy theo thành tích.

“Trong số 88 doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia, có đến 70 doanh nghiệp có doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng trở lên, đây là những doanh nghiệp đầu đàn, có sức lan tỏa, xây dựng thương hiệu quốc gia. Nhiều doanh nghiệp lớn ở Việt Nam nhưng so với thế giới thì vẫn còn nhỏ, doanh nghiệp quy mô nhỏ đều tập trung vào lĩnh vực bất động sản, xây dựng. Bộ Công Thương đang quan tâm, phát triển và muốn hỗ trợ cho 16 ngành hàng sản xuất, xuất khẩu, dịch vụ…”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chỉ rõ.

Theo chương trình, chiều 30/11, 88 doanh nghiệp đạt thương hiệu Quốc gia sẽ tiếp kiến báo cáo Chủ tịch nước Trần Đại Quang về kết quả triển khai Chương trình Thương hiệu quốc gia. Lễ công bố các doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia lần thứ 5 năm 2016 diễn ra vào tối 30/11 tại Hà Nội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.