Thuốc lá điện tử gây nghiện như thuốc lá thông thường và tăng nguy cơ ung thư

GD&TĐ - Tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ đang gia tăng nhanh chóng, điều này báo động về nguy cơ gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo vào năm 2019 cho thấy có tới 2,6% học sinh ở Việt Nam từng sử dụng thuốc lá thế hệ mới; tăng lên 2,6% (năm 2015, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 0,2%). 

Trong đó, tỷ lệ sử dụng thường xuyên là 0,8% và có dấu hiệu cho thấy những con số này đang tăng một cách đáng kể, đặc biệt là ở giới trẻ.

Đáng nói hơn, để bán được sản phẩm, người bán luôn quảng cáo thuốc lá điện tử như vape, pod,... là sự thay thế an toàn cho thuốc lá truyền thống.

Chúng chứa ít nicotine hơn nên không gây nghiện và không độc hại, có mùi hương dễ chịu, miệng không hôi, răng không đổi màu, không ám mùi làm ảnh hưởng đến người xung quanh.

Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá nhận định: Các loại thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có chứa nicotine, là chất gây nghiện cao, độc hại, gây bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, ngộ độc và gây ung thư.

Trong dung dịch thuốc lá điện tử còn có: glycerin, propylene glycol và hương liệu (có trên 15,500 các loại hương liệu).

Propylene glycol (mặc dù được coi là an toàn trong thực phẩm nhưng không phải để hít) có thể tạo thành propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi.

Bên cạnh đó, có khoảng 15.500 loại hương liệu được sử dụng trong các sản phẩm thuốc lá điện tử, trong đó, rất nhiều loại hương liệu được xem là các chất độc và chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại đối với sức khỏe.

Ngoài ra, thuốc lá điện tử cũng không có công dụng cai nghiện thuốc lá điếu thông thường.

Theo WHO, thế giới chưa có bằng chứng cho thấy thuốc lá điện tử giúp cai thuốc mà ngược lại bằng chứng cho thấy người sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng sẽ có nguy cơ sử dụng thuốc lá thông thường, thậm chí nhiều người có thể sử dụng đồng thời cả hai loại thuốc lá điện tử và thuốc lá điếu.

Các sản phẩm thuốc lá mới rất có hại cho sức khỏe của cả người hút và những người xung quanh, là nguyên nhân của nhiều trường hợp ngộ độc nicotin, gây các bệnh về tim mạch, hô hấp, tiêu hóa.

Việc sử dụng thuốc lá điện tử gây tổn thương phổi cấp tính và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư, như: Ung thư phổi, ung thư vòm họng, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, tăng nguy cơ gây huyết khối, bệnh tim mạch, đột quỵ.

Bộ Y tế yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát thuốc lá điện tử trong học sinh, sinh viên

Bộ Y tế có Công văn số 2483/BYT-KCB gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm tra, ngăn ngừa sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha).

Trong văn bản nêu rõ, gần đây, theo phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, thuốc lá điện tử đang xâm nhập vào các trường học, ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, sức khỏe của học sinh, sinh viên, đồng thời gây ra những hậu quả trước mắt và lâu dài về sức khỏe, kinh tế - xã hội.

Trước tình hình trên, để ngăn ngừa và giảm thiểu các tổn thất về sức khỏe, kinh tế - xã hội do việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá gây ra, bao gồm cả thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha trong cộng đồng, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể và cơ quan thông tin đại chúng tại địa phương tiếp tục tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng thuốc lá điếu truyền thống và kịp thời phổ biến thông tin về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha tới cán bộ, công chức, người lao động, học sinh, sinh viên và người dân trên địa bàn.

Ngoài ra, UBND các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các cơ sở giáo dục trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, phổ biến tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha tới sinh viên, học sinh các cấp; tăng cường kiểm tra, giám sát và có biện pháp phát hiện, ngăn chặn kịp thời việc sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh, sinh viên.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ