TPHCM: Thuốc lá điện tử “bao vây” trường học

GD&TĐ - Thuốc lá điện tử được quảng cáo công khai trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook...

Thuốc lá điện tử vẫn đang được bày bán, quảng cáo công khai trên nhiều trang mạng.
Thuốc lá điện tử vẫn đang được bày bán, quảng cáo công khai trên nhiều trang mạng.

Sản phẩm này cũng được bày bán rất nhiều quanh các trường học dưới nhiều vỏ bọc khác nhau như son môi, bút viết, USB… 

Facebook, Tiktok… “tiếp thị” cho thuốc lá điện tử

Thuốc lá điện tử xuất hiện tại Việt Nam từ “trách nhiệm cao cả” là giúp cai nghiện thuốc lá. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, nó không giúp người nghiện cai được thuốc lá truyền thống. Mặt khác, nó còn gây nguy hiểm vì khó kiểm soát chất lượng và nguồn gốc xuất xứ.

Hiện thuốc lá điện tử trên thị trường chủ yếu từ nhập lậu. Tuy nhiên, việc mua bán loại thuốc lá này rất đơn giản. Bởi sản phẩm này được quảng cáo, giới thiệu rất nhiều trên các nền tảng xã hội, mua sắm trực tuyến và thương mại điện tử. 

Chỉ cần một thao tác gõ tìm kiếm thuốc lá điện tử, công cụ Google đã cho ra hơn 41 triệu kết quả tìm kiếm trong vòng 0,54 giây với nhiều chỉ dẫn chi tiết về địa chỉ, thông tin sản phẩm, giá bán cũng như những lời quảng cáo hoa mỹ về “thú chơi thời thượng” này.

Đáng quan ngại là các sản phẩm thuốc lá điện tử được quảng cáo công khai dưới dạng video đầy rẫy trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Zalo, Instagram. Sản phẩm này cũng được bày bán trá hình rất nhiều quanh các trường THPT hay trường ĐH, CĐ dưới nhiều hình dạng, vỏ bọc khác nhau như son môi, bút viết, USB… 

Thử liên hệ một trang kinh doanh thuốc lá điện tử trên mạng xã hội, chúng tôi ngay lập tức nhận được phản hồi với lời hứa giao hàng trong vòng 30 phút nếu trong phạm vi TPHCM. Mức giá của các sản phẩm tùy thuộc vào kích cỡ, dung lượng, mùi hương mà có giá bán dao động từ 145.000 - 180.000 đồng. 

Em N.T.H.K, học sinh một trường THPT ở Quận 5, TPHCM mà chúng tôi làm quen được trên Tiktok cho biết: Em thường hay mua thuốc trên các chợ rao vặt thương mại điện tử hoặc những cửa hàng thuốc gần trường. Ban đầu, em hút thuốc lá điện tử chỉ để thử xem mùi hương và khói của nó như thế nào, nhưng dần dà đi chơi cùng các bạn em quen khói thuốc và các loại mùi hương đó từ bao giờ.

“Hôm nào không hút thì có cảm giác nhạt miệng. Các bạn em nói thuốc này dành cho người nghiện thuốc lá điếu hút để cai nên không sợ. Với lại em nghĩ nó cũng không độc hại gì vì em không nuốt vào trong cổ, chỉ hút và nhả khói ra” - K vô tư cho biết. 

Điều tra sức khỏe học đường tại Việt Nam năm 2019 của Trường ĐH Y tế Công cộng cho thấy, 2,6% học sinh trong độ tuổi 13 - 17 hút thuốc lá điện tử, trong khi trước đó chỉ có 0,2%. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở Việt Nam có xu hướng gia tăng tại các thành phố lớn, đối tượng thuộc nhóm người trẻ tuổi, có mức sống khá. 

Thống kê cũng cho thấy, người trẻ (14 - 30 tuổi) đã sử dụng thuốc lá điện tử thì nguy cơ bắt đầu hút thuốc lá thông thường cao hơn 4 lần so với nhóm không dùng thuốc lá điện tử. 70% người thử một điếu thuốc và trở thành người hút thuốc hàng ngày. 

Vật “dẫn đường” cho ma tuý xâm nhập giới trẻ

Theo các chuyên gia y tế, các hoạt chất dùng trong thuốc lá điện tử không phải vô hại mà ngược lại rất độc. Người hút khi hút sẽ hít vào chất nicotine hoặc chất tetrahydrocannabinol có trong thuốc dẫn đến nguy cơ chính là phổi bị tàn phá.

Các loại dầu được dùng trong thuốc lá điện tử chứa những hóa chất và kim loại có thể gây tổn hại phổi như thiếc, chì, kẽm, chất tạo mùi hương và những hạt siêu mịn khác. Người hút có thể cảm thấy khó thở, ho nhiều, đau ngực, buồn nôn, mệt mỏi, ói mửa, thậm chí bị sốt nếu hút nhiều. Trường hợp nghiêm trọng hơn có thể phải nhập viện. 

“Những tác hại của chất nicotine, cả trong thời gian ngắn và về lâu dài là điều đã được xác nhận rõ. Trong thời gian ngắn, chất nicotine có thể gây ra rối loạn giấc ngủ và trạng thái bần thần cũng như các triệu chứng khác như buồn nôn, ói mửa, đau miệng và lưỡi.

Về lâu dài, chất nicotine, dù thông qua hút thuốc lá điện tử hay thuốc lá điếu vẫn có thể gây ung thư” - TS.BS Lê Khắc Bảo - Giám đốc Trung tâm Giáo dục Y học, Trường ĐH Y Dược TPHCM nói. 

Cuối tháng 12/2020, một học sinh THCS tại TP Đà Nẵng đã phải nhập viện cấp cứu do hút thuốc lá điện tử (có biểu hiện ngộ độc khi bị nôn ói, khó thở). Nghiêm trọng hơn, theo Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an, thuốc lá điện tử đang dẫn đường cho ma túy tổng hợp xâm nhập vào giới trẻ. 

Thời gian qua, cơ quan chức năng đã nhận được đề nghị giám định nhiều mẫu dung dịch thuốc lá điện tử do phụ huynh hoặc nhà trường mang đến. Kết quả cho thấy, trong những dung dịch này đều chứa chất hướng thần, gây ảo giác và kích thích thần kinh rất mạnh.

Các đối tượng tội phạm đã pha ma túy tổng hợp vào dung dịch thuốc lá điện tử khiến những người sử dụng phải lệ thuộc vào thuốc rồi nghiện ngập lúc nào không hay.

Theo luật sư Lê Bá Thường - Đoàn Luật sư TPHCM xét ở góc độ và các quy định của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hoàn toàn có thể được quản lý bởi luật trên. Tuy vậy, thực tế của luật lại không dễ khi những rào cản pháp lý vẫn khá chồng chéo.

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, với thuốc lá điếu truyền thống đã có quy định rõ ràng, nhưng với thuốc lá điện tử thì hiện chưa có quy định riêng nào cấm quảng cáo, kinh doanh thuốc lá điện tử. Chính điều này khiến cho việc quảng cáo thuốc lá điện tử tràn lan và công khai trên mọi kênh thông tin mạng xã hội. 

TS.BS Lê Khắc Bảo cho biết, trước những tác động nguy hại của thuốc lá điện tử đối với sức khỏe con người, Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra nhiều giải pháp tùy thuộc vào tình hình quản lý của mỗi quốc gia, trong đó bao gồm cấm một phần hoặc toàn phần, hoặc quản lý thắt chặt như thuốc lá điếu.

“Một số nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ, Philippines, Thái Lan, New Zealand cho phép thuốc lá thế hệ mới được buôn bán nhưng thắt chặt kiểm soát. New Zealand thì quy định cụ thể cấm bán cho trẻ dưới 18 tuổi, cấm quảng cáo và cấm sử dụng nơi công cộng.

Còn tại Ấn Độ cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử, hình phạt cho người vi phạm có thể lên đến 1 năm tù. Thái Lan ra lệnh cấm sử dụng thuốc lá điện tử. Khách du lịch đến Thái Lan không nên mang theo loại thuốc lá này nếu không có thể sẽ phải ngồi tù” - BS Bảo chia sẻ. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.