Thuốc đắng mới dã tật

GD&TĐ - Mùa tuyển sinh 2023, nhiều trường đại học đã tăng chỉ tiêu đối với phương thức xét kết quả học tập THPT (xét học bạ).

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Trước đó, năm 2022, xét học bạ cũng là phương thức có tỷ lệ thí sinh nhập học cao thứ hai sau xét điểm thi tốt nghiệp THPT, chiếm 37,18%.

Phương thức xét tuyển bằng học bạ có nhiều ưu điểm. Thí sinh có quyền chủ động chọn lựa tổ hợp môn sở hữu tổng điểm cao nhất, qua đó đảm bảo hơn về khả năng trúng tuyển mà không phụ thuộc hoàn toàn vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây cũng là phương thức ổn định và chắc chắn, ghi nhận quá trình phấn đấu trong 3 năm học, có lợi cho những học sinh quá trình học tập tốt nhưng kết quả thi không cao do nhiều yếu tố tâm lý, sức khỏe. Hồ sơ, thủ tục của phương thức xét tuyển học bạ cũng khá đơn giản, nhiều trường mở nhiều đợt xét khác nhau.

Thế nhưng, xét tuyển học bạ cũng có những mặt tiêu cực, mà nổi bật nhất là nghi án về hiện tượng nâng điểm, “làm đẹp” học bạ. Ở một số trường tư thục từ lâu đã râm ran chuyện làm hai hệ thống sổ điểm, một sổ điểm thực và một số điểm “làm đẹp” theo nhu cầu tuyển sinh đại học của học sinh. Tại các trường chuyên, việc châm chước điểm 9 - 10 đối với học sinh lớp 12 tham gia đội tuyển quốc gia cũng được xem như “luật bất thành văn”. Gần đây, vì mong thầy cô chiếu cố học bạ đẹp, học sinh lớp 12 có xu hướng chọn chính giáo viên dạy mình trên lớp để học thêm, thay vì trước đây đi tìm thầy giỏi lớp khác, trường khác. Thực tế kết quả đối sánh điểm thi tốt nghiệp THPT 2022 và điểm học bạ cũng cho thấy điểm ở đa số môn vênh nhau. Tại một số địa phương, điểm học bạ cao nhưng điểm thi lại thấp.

Phương thức tuyển sinh nào cũng có những mặt tích cực và hạn chế. Không nên vì hiện tượng “làm đẹp” học bạ mà hủy bỏ một phương thức tuyển sinh có nhiều ưu điểm. Hơn nữa, xét học bạ hiện cũng không chỉ dùng tuyển sinh ĐH, CĐ, mà còn tuyển sinh đầu cấp đối với lớp 6 và lớp 10 cả ở những nơi có tính cạnh tranh cao. Vấn đề quan trọng là cần phải có giải pháp để hạn chế mặt tiêu cực, đảm bảo tính công bằng cho thí sinh.

Cho đến nay, để bảo đảm chất lượng kiểm tra, đánh giá, ngành giáo dục nhiều địa phương đã có những giải pháp hữu hiệu để hạn chế tình trạng “làm đẹp” học bạ. Bên cạnh việc tổ chức kiểm tra định kỳ chung, đánh giá chung trong phạm vi trường, có nơi còn quy định chặt chẽ ở khâu nhập điểm lên hệ thống học bạ điện tử như quy định khung giờ hoặc khi đã nhập lên học bạ điện tử thì không được sửa chữa, nếu có thì phải giải trình… Về phía các trường đại học, để tuyển chọn thí sinh theo đúng tiêu chí và năng lực cần đạt, nhiều trường cũng đã đưa ra các tiêu chí phụ cùng các yếu tố khác như hạnh kiểm, thành tích nổi bật trong 3 năm THPT, phỏng vấn, tổ chức đánh giá năng lực… Tuy vậy, hiện tượng “làm đẹp” học bạ vẫn còn tồn tại đây đó, gây bức xúc dư luận.

Thực tế cho thấy bên cạnh “bệnh” thành tích, “làm đẹp” học bạ còn đất sống là do công tác kiểm tra, giám sát, chế tài chưa đủ mạnh. Ghi nhận từ các vụ xử lý việc “làm đẹp” học bạ, mức chế tài chưa thật sự nghiêm khắc, đa số chỉ là nhắc nhở, trừ điểm thi đua hay nặng thì khiển trách.

Hiện nay, ngoài kết quả điểm thi THPT, Bộ GD&ĐT còn có dữ liệu đối sánh trung bình điểm học bạ từng môn của các địa phương để điều chỉnh việc dạy học cũng như giám sát việc kiểm tra, đánh giá. Thuốc đắng mới dã tật, từ nguồn dữ liệu này kết hợp các nguồn thông tin khác, có thể đẩy mạnh kiểm tra kết quả học bạ THPT đối với những trường hợp có điểm học bạ cao bất thường; trường hợp phát hiện có dấu hiệu “làm đẹp”, có chế tài đủ mạnh để xử lý. Có như vậy mới giữ được sự chuyên nghiệp của giáo viên, cán bộ quản lý, mang lại sự công bằng cho thí sinh, đảm bảo một nền giáo dục “Học thật, thi thật, nhân tài thật”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.