Ra biển lớn bằng hành trang "khủng"
Một chiều cuối tháng tư, Nguyễn Đức Tùng, sinh viên năm cuối đại học Bách Khoa Hà Nội chỉ vào cuốn lịch trên tường bảo, đã gần 1 năm kể từ ngày cậu bị "vỡ mộng". Đó là lần thứ 2 trong cuộc đời, chàng trai phải đối diện với thực tại khác xa suy nghĩ của mình. Lần đầu tiên là khi vào học năm thứ 1 khoa Công nghệ thông tin, đại học Bách Khoa Hà Nội.
"Hồi ấy, tôi nghĩ rằng, chỉ một thời gian ngắn học về trí tuệ nhân tạo (AI) là sẽ làm được những sản phẩm rất 'ngầu'. Lúc đi học, hóa ra, việc của mình là ngồi trước màn hình đen và giải... phương trình bậc hai", Tùng kể.
Lần "hạ cánh" thứ 2 đến với Tùng một cách bất ngờ khi cậu ngồi đối diện với TS Bùi Hải Hưng, Viện trưởng VinAI Research trong vòng phỏng vấn xin làm thực tập sinh tại VinAI. Tùng khi ấy đã học năm thứ 4, già dặn hơn rất nhiều với vốn kiến thức cơ bản vô cùng chắc chắn.
Cuộc phỏng vấn bắt đầu đúng sở trường của cậu với một câu hỏi về mô hình đơn giản trong AI - hồi quy tuyến tính. Điều này theo cậu giống như "bài toán vỡ lòng". Thế nhưng, TS Bùi Hải Hưng bất ngờ hỏi Tùng liên tiếp các câu hỏi Tại sao: Tại sao nghiệm đó lại đúng trong điều kiện này? Tại sao đó là kết quả tối ưu?...
"Tôi bị bất ngờ vì trước đây luôn nghĩ, những kiến thức đó là đương nhiên. Tôi chỉ biết trong sách viết như vậy. Hóa ra những điều tưởng như mình hiểu hết, lại không phải", Tùng nói.
Chỉ tới khi mặc trên mình chiếc áo đồng phục của VinAI, Tùng mới hiểu, đó là cách để những người trẻ như cậu tự rèn cách đào sâu tư duy ngay từ những vấn đề đơn giản nhất.
Nhớ lại những ngày đầu tiên ấy, Tùng kể lại, cậu thấy ngợp khi bước vào căn phòng với quá nhiều những nhà nghiên cứu đỉnh cao, nhiều người trước đó cậu chỉ được nghe tên như TS. Bùi Hải Hưng, GS Nguyễn Minh Hoài, GS Lưu Khoa, TS Yasin Abbasi-Yadkori... Đó là môi trường nghiên cứu mà theo Tùng không đâu ở Việt Nam có được.
Tại đây, Tùng được hướng dẫn để tự nhìn, tự học từ những dự án nghiên cứu cùng những người đi trước. Khi đã chọn được hướng nghiên cứu, Tùng và các bạn trẻ khác được chỉ dẫn thật kỹ cách tham khảo tài liệu, phương pháp đọc, cách nghiên cứu công trình một cách bài bản, theo chuẩn thế giới.
Kiến thức cơ bản về Toán luôn là điều được nhắc đi nhắc lại tại VinAI. Tùng chia sẻ, vừa nghiên cứu, các “resident” (thành viên “vườn ươm” VinAI- pv) như Tùng vừa được học thêm các lớp về Đại số tuyến tính, Xác suất thống kê hay Máy học cơ bản ngay tại VinAI. Đặc biệt, cứ một tuần vài buổi, cả nhóm còn được học các lớp Tiếng Anh để tự nâng cao khả năng giao tiếp, nghiên cứu tài liệu, viết bài của mình.
"Chưa được 1 năm nhưng lượng kiến thức tôi nhận được tại VinAI bằng vài năm. Làm việc với những nhà nghiên cứu lớn của thế giới, tôi học được sự khắt khe khi làm khoa học. Điều tôi và các bạn hướng tới là cạnh tranh với những trường đại học, những công ty lớn ngoài Việt Nam để có những bài báo, công trình nghiên cứu tầm thế giới", Tùng tự hào nói.
Từ VinAI, mơ lớn để thành đầu tàu của thế giới
Nguyễn Đức Tùng bảo, mục tiêu của cậu là làm nghiên cứu sinh ở những trường tốp đầu ở Mỹ và sau đó là hành trình nghiên cứu đỉnh cao - điều mà cách đây vài năm, cậu thú thật chưa bao giờ dám mơ lớn đến thế.
"Trước khi vào VinAI, tôi chỉ dám nghĩ tới trường nào đó ở Hàn Quốc hoặc Nhật Bản. Thế nhưng, hiện tại tôi thấy mình có kinh nghiệm và sẵn sàng về kiến thức. Ngoài ra, những thực tập sinh cũng sẽ được các nhà nghiên cứu ở VinAI - những người nổi tiếng trên thế giới, viết thư giới thiệu. Tôi nghĩ, bây giờ học ở một trường top 20 của Mỹ là toàn toàn có khả năng", chàng trai sinh năm 1997 quả quyết.
Tùng khoe thêm mới đây, cậu đã nộp một công trình tại Hội nghị quốc tế về học máy 2020 (ICML 2020) - một trong những sự kiện lớn nhất về AI trong năm. Công trình của Tùng nhằm giải quyết một bài toán rất quan trọng trong AI: học biểu diễn của dữ liệu để tự động điều khiển robot trực tiếp từ dữ liệu camera. Để nghiên cứu thành công công trình này, với tư cách là tác giả chính, Tùng đã cộng tác trực tiếp với các cộng sự đến từ những cơ sở danh tiếng nhất thế giới như Đại Học Stanford, Google AI, Facebook AI Research.
Giống như Tùng, Trần Thế Phong, một thực tập sinh khác của VinAI cũng vừa có một công trình gửi tới hội thảo hàng đầu thế giới về thị giác máy tính - ECCV 2020 và đang được nộp bằng sáng chế tại Việt Nam và Mỹ. Với công trình đầu tay, Phong đã phát minh ra một phương pháp mới để làm nét hiệu quả hơn các video bị rung khi quay, qua đó giải quyết một vấn đề khó mang tính thực tiễn cao.
Quê ở Đắc Lắc, chàng sinh viên năm thứ nhất Đại học Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội, nhận thấy mình may mắn vì đã không đi du học mà chọn ở lại Việt Nam và thực tập tại VinAI. "Nếu đi học nước ngoài, có lẽ em mất cơ hội được làm việc với chương trình nghiên cứu đỉnh cao ngay từ năm thứ nhất như bây giờ. Vài năm sau, chắc chắn sẽ em có nhiều cơ hội tốt để lựa chọn làm tiến sỹ ở các trường danh tiếng thay vì chấp nhận một suất học bổng bất kỳ nào đó", Phong nói.
Trần Thế Phong may mắn hơn các đàn anh ở VinAI rất nhiều bởi đã tìm được hướng đi cho mình từ sớm. Phong kể, trước đó, dù muốn theo học Trí tuệ nhân tạo nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Chỉ khi vào VinAI, Phong mới hiểu rằng, con đường của mình là tích lũy kinh nghiệm, kiến thức, làm tiến sỹ (PhD) ở những cơ sở đỉnh cao của thế giới để từ đó tìm ra những điều mới, có ích cho xã hội.
Đó cũng là hành trình mà Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo Bùi Hải Hưng đặt ra cho 27 thực tập sinh trong chương trình ươm mầm tài năng của VinAI mang tên AI Residency. Nhìn lại 1 năm, TS Hưng thừa nhận, rất nhiều bạn trẻ đã có sự thay đổi không tưởng, từ những sinh viên thiếu kinh nghiệm, hoàn toàn không biết làm nghiên cứu tới những con người am hiểu về AI, tự tin đưa ra ý tưởng của mình.
Theo TS Bùi Hải Hưng, điều ông và VinAI muốn làm là tạo ra một con đường nghiên cứu đỉnh cao bài bản cho các nhà khoa học trẻ của Việt Nam. Rất nhiều sinh viên tài năng, có tố chất nhưng do thiếu người hướng dẫn nên không biết hướng đi của mình là gì. Đó cũng là câu chuyện của chính bản thân ông bởi nhiều năm trước, vị tiến sỹ nổi tiếng thế giới cũng không có nhiều cơ hội.
Điều ông Hưng ấp ủ là sau 2 năm thực tập tại VinAI, những con người trẻ tuổi sẽ phát triển toàn diện từ cách tư duy, khả năng viết, trình bày nghiên cứu, sử dụng tiếng Anh để "vươn cánh ra nước ngoài". Ông cho biết, hiện tại, đã có 8 công trình do các bạn trẻ là tác giả chính hoặc đồng tác giả nộp các hội thảo đầu ngành về AI. Đó là những trái ngọt đầu tiên của chương trình khiến ông thêm niềm tin vào hành trình sắp tới.
TS Bùi Hải Hưng còn nghĩ tới một bức tranh lớn hơn, đó là chương trình của VinAI sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa tới các trường Đại học ở Việt Nam. Các trường có thể cộng tác hoặc thậm chí là cạnh tranh với VinAI để cùng hướng tới mục đích là đào tạo tài năng trẻ cho Việt Nam. Những con người trẻ tuổi ấy, khi được chắp đúng đôi cánh, có thể sẽ là đầu tàu của cả thế giới.