Tọa đàm chính sách nằm trong chủ đề “Suy nghĩ bình đẳng, xây dựng thông minh, sáng tạo để thay đổi” của Ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay, tập trung vào những cách thức mới để thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, đặc biệt là trong các lĩnh vực an sinh xã hội, tiếp cận các dịch vụ công cộng và cơ sở hạ tầng bền vững.
Một nghiên cứu được Tổ chức Action Aid Việt Nam thực hiện với sự tham gia của gần 8.000 người (năm 2015) cho thấy, một phụ nữ ở tỉnh Hà Giang có thể tiết kiệm 56 ngày làm việc mỗi năm nếu gia đình họ được cung cấp nước sạch.
Tại TPHCM, nghiên cứu do UN Women thực hiện năm 2016 cho thấy dịch vụ giao thông công cộng chưa phù hợp với nhu cầu an toàn của phụ nữ và trẻ em gái đã hạn chế khả năng di chuyển trong công việc, do đó hạn chế sự tham gia các hoạt động kinh tế xã hội khác của họ.
Các đại biểu đã đưa ra những đề xuất và khuyến nghị bao gồm: Thúc đẩy sự tham gia và lãnh đạo của phụ nữ vào đối thoại chính sách liên quan đến hệ thống bảo trợ xã hội, dịch vụ công cộng và cơ sở hạ tầng bền vững;
Nhà nước và các doanh nghiệp cần đầu tư vào các lĩnh vực này để tăng năng suất và cơ hội việc làm cho phụ nữ trong nền kinh tế phi chính thức; Các tổ chức và cơ quan xây dựng cơ chế quản lý, chính sách cần chú trọng yếu tố giới trong thu thập dữ liệu để đưa ra các chính sách phù hợp;
Bên cạnh đó cần tạo và tăng cường các cơ chế đảm bảo bình đẳng giới, như kiểm toán giới, khi đánh giá hệ thống an sinh xã hội, dịch vụ công cộng và các dự án cơ sở hạ tầng và khuyến khích tham gia của khu vực tư nhân trong các lĩnh vực này.
Kết quả chương trình Tọa đàm sẽ góp phần thúc đẩy đề xuất chính sách và tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào thị trường lao động, đồng thời đóng góp vào việc thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động của Chính phủ về Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030.
Các thông tin chia sẻ và khuyến nghị sẽ đóng góp hoàn thiện báo cáo của Việt Nam tại Khóa họp lần thứ 63 của Ủy ban Địa vị phụ nữ sẽ được Liên Hợp Quốc tổ chức vào trung tuần tháng 3 tại New York (Mỹ).