Quản lý Nhà nước theo mô hình Nhà nước giám sát sẽ tạo điều kiện cho hệ thống đại học có tính độc lập cao và có khả năng dẫn đầu về sáng tạo tri thức qua nghiên cứu công bố quốc tế và chuyển giao công nghệ các lĩnh vực tiên phong.
Những đòi hỏi cấp bách
Đứng trước yêu cầu về quốc tế hóa trong giáo dục đòi hỏi giáo dục phổ thông (GDPT) phải chuẩn bị những tri thức/kỹ năng/năng lực theo hướng nêu trên để khi tốt nghiệp từ GDPT, người học có đủ năng lực để tham gia thị trường lao động khu vực nếu rẽ nhánh nghề nghiệp, hoặc có đủ năng lực đổi mới sáng tạo tiếp tục học lên đại học trong bối cảnh mới mang tính quốc tế hóa cao từ đó mới có thể tạo tiền đề đóng góp nền tảng vững chắc cho việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần sáng tạo bí quyết và công nghệ, tiếp thu tri thức và công nghệ thế giới nâng cao năng suất lao động nền kinh tế.
GS.TS Nguyễn Trọng Hoài và nhóm nghiên cứu đưa ra quan điểm cho rằng: Giáo dục đại học Việt Nam cần được khuyến khích thúc đẩy theo các thông lệ quốc tế về giảng dạy, nghiên cứu, quản trị đại học nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và đồng thời gia tăng năng lực cạnh tranh quốc tế, cải thiện và gia tăng tầm ảnh hưởng của hệ thống đại học Việt Nam trong khu vực và quốc tế qua các hoạt động quốc tế hóa giáo dục đại học trong và ngoài nước.
Khuyến cáo từ nhóm nghiên cứu đưa ra rất cụ thể và chi tiết, như sau: Trong ngắn hạn, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quốc tế hóa giáo dục đại học trong nước và từng bước mở rộng tầm ảnh hưởng giáo dục đại học Việt Nam ra nước ngoài theo các thế mạnh đặc thù (ví dụ: Giảng dạy Việt Nam học cho các quốc gia trong khu vực và các quốc gia có đầu tư FDI vào Việt Nam hay trong các quốc gia có người nước ngoài gốc Việt đang sinh sống tại nước ngoài).
Thay đổi từ GDPT và nghề nghiệp
Theo nhóm nghiên cứu, ở cấp độ chương trình, GDPT chúng ta đã có những nỗ lực nhất định như được thể hiện qua chương trình cải cách đang được đề xuất áp dụng từ 2020. Tuy nhiên, chính sách liên quan đến giáo dục nói chung, về quản lý giáo dục nói riêng vẫn còn hạn chế.
Các hạn chế này thể hiện từ việc triết lý giáo dục chưa được cập nhật trong thế kỷ 21 và cách mạng công nghiệp 4.0 và xu thế toàn cầu hóa với quan điểm học sinh tương lai sẽ là công dân khu vực hay công dân toàn cầu, chúng ta luôn xem “giáo dục là quốc sách” nhưng việc đầu tư thích đáng và việc trao quyền quản lý và tuyển dụng cho hiệu trưởng kèm cơ chế đánh giáo giáo viên phù hợp vẫn còn mang tính hình thức và rập khuôn và từ đó hạn chế tính sang tạo từ GDPT từ cấp quản lý, thầy cô giáo đến học sinh.
Từ những nghiên cứu và điều tra xã hội học, nhóm cho rằng: Chương trình GDPT cần phải chú trọng đến tiếp cận năng lực tích hợp cho học sinh, chú trọng đến phát huy cách học sáng tạo và phản biện thay vì học theo khối lượng và nhồi nhét, chú trọng đến các kỹ năng giao tiếp quốc tế (ngoại ngữ đóng vai trò chủ đạo nhưng theo tiếp cận giao tiếp thay vì hàn lâm và văn phạm), kỹ năng thông tin - truyền thông và giải quyết vấn đề thực tế cuộc sống theo hướng tích hợp gắn với các hoạt động ngoại khóa về trách nhiệm cộng đồng, bảo vệ môi trường và tài nguyên quốc gia, tiêu dùng và sản xuất thông minh, tầm nhìn toàn cầu.
Đối với giáo dục nghề nghiệp, những vấn đề cần điều chỉnh sớm bao gồm: Thứ nhất, chính sách về giáo dục nghề nghiệp phải giải quyết tình trạng đào tạo nghề mất cân đối, tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, nâng cao tỷ trọng của lực lượng lao động được đào tạo nghề; Thứ hai, cần có chính sách cụ thể thúc đẩy nâng cao tỷ lệ đào tạo nghề đạt chuẩn khu vực và thế giới trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế; Thứ ba, cần có chính sách hiệu quả thay đổi nhận thức của xã hội về vai trò của giáo dục nghề nghiệp trong toàn hệ thống giáo dục; Thứ tư, cần có chiến lược tổng thể chuẩn hóa chương trình dạy nghề so với khu vực và thế giới; Thứ năm, cần có chính sách thúc đẩy sự hiệu quả của thông tin dự báo thị trường lao động và công tác hướng nghiệp, tạo điều kiện cho giáo dục nghề nghiệp gắn kết với nhu cầu nhân lực, việc làm trong xã hội.
|
Đại học phải tự chủ hoàn toàn
Nhóm nghiên cứu đã chỉ ra: Vấn đề cốt lõi của quốc tế hoá giáo dục đại học Việt Nam trong nước là làm thế nào tạo ra tính tự chủ toàn diện cho hệ thống này, để từ đó hệ thống giáo dục đại học Việt Nam có thể vừa thông qua tính nỗ lực tự thân vừa kết hợp với các khuyến khích có mục tiêu chiến lược của chính phủ để từ đó các đại học trở thành những tổ chức học thuật độc lập dẫn đầu về phát triển tri thức và công nghệ theo hướng đa ngành/đa lĩnh vực, có năng lực công bố quốc tế và chuyển giao công nghệ để đóng góp vào việc nâng cao năng suất nền kinh tế và đồng thời nâng cao thứ hạng đại học theo xếp hạng của thế giới.
Cùng với đó là việc mở rộng mạng lưới hợp tác quốc tế với các đại học danh tiếng trên thế giới nhằm cải thiện khoảng cách về năng lực giảng dạy và nghiên cứu trong một thời gian sớm nhất, để từ đó có thể thu hút nhiều hơn các học giả quốc tế và sinh viên quốc tế đến học tập và làm việc tại Việt Nam. Cụ thể, trong mô hình Nhà nước giám sát, quyền tự chủ hệ thống đại học sẽ mang tính thực chất và quyền quyết định trong các khía cạnh của giáo dục đại học được giao về trường đại học, Nhà nước chỉ đóng vai trò giám sát hoặc quyết định ở một vài vấn đề của hệ thống đại học gắn với chiến lược chung của quốc gia.
Trong khi đó, với mô hình Nhà nước điều hành, hệ thống đại học phải tuân thủ các quy định điều chỉnh chi tiết hầu hết các hoạt động và các lĩnh vực của đại học, và từ đó hệ thống đại học vận hành khá cứng và tính linh hoạt cũng như sự nỗ lực tự thân về mọi khía cạnh sẽ có phần hạn chế. Vì vậy, có thể nhận định rằng tự chủ đại học sẽ thoáng hơn và mạnh mẽ hơn ở mô hình Nhà nước giám sát.
Phải có chính sách phù hợp
Nhóm nghiên cứu phân tích đưa ra nhận định hạn chế về chính sách quốc tế hóa hiện nay đối với giáo dục đại học là chúng ta chưa có chính sách và chiến lược cụ thể làm giảm sự mất cân bằng trong sự di chuyển của sinh viên, giảng viên và học giả giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới, cụ thể là số sinh viên Việt Nam đi du học nước ngoài cao vượt trội so với số lượng sinh viên quốc tế đến học tại Việt Nam.
Khung pháp lý về đảm bảo chất lượng, kiểm định và công nhận mặc dù đã từng bước theo thông lệ quốc tế nhưng vẫn chưa đảm bảo tính thực chất và hiệu quả. Chẳng hạn như chất lượng của bộ tiêu chí còn hạn chế, hay ba trong bốn trung tâm kiểm định được đặt tại trường đại học, theo thông lệ quốc tế các tổ chức kiểm định phải có vai trò độc lập với hệ thống đại học.
Chúng ta cũng chưa hoàn thiện khung pháp lý nhằm tăng tính liên kết quá trình quốc tế hóa giáo dục ở bậc phổ thông và đại học của Việt Nam vì năng lực và kỹ năng giao tiếp ngoại ngữ, tính đổi mới sáng tạo, tinh thần phản biện, khả năng tích hợp giải quyết vấn đề thức tiễn, tầm nhìn cộng đồng và xã hội, các hoạt động thể chất và ngoại khóa từ bậc học phổ thông hiện nay còn quá hạn chế do lối học quá thiên về khối lượng và thi cử nên đã hạn chế năng lực tiếp thu tri thức toàn cầu trong quá trình quốc tế hóa ở bậc đại học.
Hiện nay, hành lang chính sách hỗ trợ chỉ tập trung vào một số các đại học theo quan điểm tập trung, chưa đảm bảo tính công bằng và tính cạnh tranh từ các đại học trong hệ thống đại học nên tính hiệu quả chưa cao. Chưa có chiến lược và chính sách hoàn chỉnh nhằm thúc đẩy mô hình đại học tự chủ toàn diện và phát triển mô hình đại học đa ngành/đa lĩnh vực đúng nghĩa theo thông lệ quốc tế.